Xóa nghèo nơi biên cương

Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thừa Thiên - Huế còn đồng hành cùng đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống nơi biên cương phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, mô hình “Phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới” đang giúp người dân nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nhờ Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi mà gia đình anh Hồ Xuân Bảy ở xã Trung Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã vươn lên thoát nghèo
Nhờ Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi mà gia đình anh Hồ Xuân Bảy ở xã Trung Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã vươn lên thoát nghèo

Gần dân để giúp dân 

Chúng tôi đến thăm nhà anh Hồ Xuân Bảy, ở xã Trung Sơn, huyện A Lưới, đúng lúc anh vừa đi rẫy về. Anh Bảy mở đầu câu chuyện về hành trình thoát nghèo của gia đình bằng niềm cảm kích đối với sự giúp đỡ tận tình của Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng, cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn. Đất đai nhiều nhưng quanh năm chỉ trồng bắp và lúa rẫy, không biết cách chăm sóc, thường xuyên mất mùa, chuột bọ phá phách nên cái nghèo vẫn luẩn quẩn quanh gia đình anh Bảy. Năm 2017, được cán bộ biên phòng tuyên truyền, vận động, khơi dậy ý thức tự vươn lên trong làm ăn kinh tế, anh mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chuyển hướng từ chăn nuôi heo thả rông sang nuôi dê, bò và heo nhốt chuồng; trồng chuối thay vì trồng lúa rẫy. Cuộc sống gia đình dần khấm khá. “Cán bộ Dũng tận tay chỉ tôi cách bón phân cho cây chuối, cách tiêm phòng cho dê, bò, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, dự trữ nguồn thức ăn cho vật nuôi trong mùa mưa rét”, anh Hồ Văn Bảy cảm kích.

Rời nhà anh Bảy, chúng tôi đến gặp chị Hồ Thị Trế, vốn là hộ nghèo nhất bản A Niêng Lê, xã Trung Sơn. Khó khăn chồng chất khi chồng chị Trế chẳng may qua đời vì tai nạn giao thông. Hàng ngày, chị bươn chải làm đủ mọi việc để kiếm tiền nuôi 3 con nhỏ. Thương mẹ, 3 đứa con chị lần lượt bỏ học, cùng mẹ lên rẫy mưu sinh. Biết gia cảnh mẹ con chị Trế, Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng đã đề xuất với cấp trên và nhận giúp đỡ mẹ con chị. Anh Dũng trích tiền lương mua xe đạp, sách vở và hỗ trợ 500.000 đồng/tháng, tạo điều kiện cho con út chị Trế trở lại trường học. Anh còn cùng anh em trong đơn vị giúp cải tạo vườn rau xanh, chăn nuôi gà vịt để gia đình chị Trế có nguồn thu mỗi ngày.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cán bộ biên phòng mà Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng là một điển hình, nhiều hộ dân đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chí thú làm ăn, từng bước vươn lên thoát nghèo. “Thực tế tại A Lưới, dù thời gian triển khai chưa lâu, song chủ trương phân công đảng viên biên phòng phụ trách hộ dân khu vực biên giới đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, được cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận và nhân dân đồng thuận, ủng hộ”, ông Hùng nhận xét.

Thương dân như gia đình

Ngược lên Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt, chúng tôi ngạc nhiên khi bắt gặp một cậu bé đứng lẫn trong đội hình thể dục trên sân đồn. Đó là em Lê Văn Thìn (ở bản A Tin, xã A Đớt, huyện A Lưới), học sinh lớp 5 Trường Tiểu học A Đớt. Bố Thìn bị tai biến từ 7 năm trước, mẹ em một mình làm nương rẫy lo cho chồng và hai con. Cái nương, cái rẫy không thể nuôi sống được cả gia đình nên chị phải vào miền Nam làm thuê. Biết hoàn cảnh đáng thương của cậu bé, cán bộ, chiến sĩ đồn đã nhận cháu làm con nuôi. Ngày ngày đưa đón bé Thìn đi học, hàng đêm những người lính biên phòng lại chụm đầu vào trang sách, kèm cặp, chỉ vẽ cho bé từng bài học, bằng tình thương, trách nhiệm của người cha. Thượng tá Đặng Ngọc Hiệu, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, chia sẻ, nhiều năm qua mô hình “Nâng bước em đến trường” do đơn vị thực hiện đã giúp hàng trăm học sinh nghèo hiếu học ở các xã biên giới, biển đảo có cơ hội bước tiếp trên con đường học tập. Nối dài yêu thương, mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” được xây dựng, đón các cháu người dân tộc thiểu số dưới 15 tuổi mồ côi cha mẹ, hoặc có hoàn cảnh khó khăn về đồn nuôi dưỡng, dạy dỗ, lo chuyện ăn học. Hiện có 3 cháu hoàn cảnh ngặt nghèo đang được các đồn A Đớt và Hồng Vân nhận làm “con nuôi”. Ở đó, những người lính biên phòng dành trọn yêu thương để các cháu được bù đắp, được dìu dắt lớn lên.

Thượng tá Phạm Tùng Lâm, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, đơn vị đã phân công 224 đảng viên phụ trách 1.096 hộ gia đình ở khu vực biên giới. Các đảng viên tích cực bám địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình để tìm cách hỗ trợ người dân. Qua đó, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của địa phương để người dân nâng cao nhận thức, tích cực xây dựng đoàn kết trong cộng đồng, góp phần thắt chặt tình quân dân.

Tin cùng chuyên mục