Chị Phạm Thị Minh Thư và những người bạn thường xuyên đi lên các vùng miền núi của tỉnh Quảng Ngãi để tặng quà, trao đồ cũ cho người dân. Những hoạt động này là cơ hội để chị kết nối, lắng nghe và chia sẻ với những khó khăn của người nghèo.
Tháng 4-2024, gian hàng 0 đồng của chị Thư đã ra đời, đây là nơi để những người có hoàn cảnh khó khăn đến nhận quần áo miễn phí và cũng là nơi để mọi người đem đến tặng đồ cũ.


Phía trước gian hàng ghi dòng chữ “Gian hàng 0 đồng, san sẻ yêu thương, hãy lấy vừa đủ dùng, nếu bạn ổn xin nhường cho người khác”. Chị Trương Thị Hạnh (52 tuổi, thị trấn Chợ Chùa) thường xuyên đến nhận quần áo cũ, chị cho biết: “Trời bắt đầu nắng, tôi đến gian hàng để lấy một áo chống nắng, áo đẹp thế này, ai mà nghĩ là nhận miễn phí”.
Chị Đinh Thị Nga (32 tuổi, xã Long Môn, huyện Minh Long) cũng vượt đường đèo hơn 10km đến gian hàng. Chị Nga cho biết: “Tôi đến lấy quần áo, không chỉ quần áo cũ cho tôi mà còn cho bà con hàng xóm, họ nhờ xuống lấy giúp họ”.


Đa phần những người đến lựa quần áo là những người từ miền núi ghé xuống, người lớn tuổi, công nhân lao động, người bán vé số, nhặt ve chai, xe ôm, học sinh…
Chị Thư cho biết: “Gian hàng 0 đồng được tôi và những người bạn ấp ủ từ rất lâu. Ban đầu, nhóm chỉ thu gom quần áo cũ, giặt sạch và tặng cho ai có nhu cầu, nhưng sau đó nhiều người biết đến, họ mang tặng quần áo cũ, mang tặng vật dụng thiết yếu đa dạng hơn. Do vậy, tôi và những người bạn của tôi đã quyết định mở gian hàng”.
Ban đầu gian hàng chỉ mở cửa thứ 2, 4, 6 từ 7 giờ đến 11 giờ nhưng về sau nhu cầu ngày càng nhiều, nhiều người miền núi, xa xôi đến nhận đồ, nên chị Thư mở cửa cả ngày, từ thứ 2 đến thứ 6. Riêng thứ 7, chủ nhật, chị dành thời gian để sắp xếp lại gian hàng cho gọn gàng, tươm tất.

Chị Thư và những người bạn không quản ngại thời gian, công sức sắp xếp quần áo cũ, đồ đạc ngăn nắp, khiến mỗi người khách đến nhận đồ cũ đều có cảm giác như họ đến một “cửa hàng thời trang”.


Khi số lượng quần áo cũ nhận được ngày càng nhiều, chị đã tranh thủ mang lên tận các vùng miền núi tỉnh Quảng Ngãi để trực tiếp hỗ trợ thêm cho nhiều người khó khăn hơn.

Đối với chị Thư, cho đi là một niềm hạnh phúc, đó là niềm vui khi thấy người khác nhận được những thứ họ cần, và niềm vui ấy càng lớn hơn khi chính chị trở thành cầu nối của sự sẻ chia.