Những ngày này, về xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa thấy rõ không khí u buồn trĩu nặng trên nét mặt người dân. Bởi trong một ngày không xa, xã này sẽ bị chia năm xẻ bảy, di dời đến nơi khác để dành đất cho các dự án. Xã anh hùng Ninh Phước, địa danh gắn với núi rừng Hòn Hèo kiên trung trong kháng chiến liệu có còn ai nhắc đến?
Dự án “đổ bộ”
Xã Ninh Phước có 3 thôn. Trước đây, vì ô nhiễm từ bụi nix do Nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin, nên hai thôn Ninh Yển và Mỹ Giang nằm trong diện di dời. Đến giữa năm 2005, chủ trương di dời được ban hành. Theo kế hoạch ban đầu, địa điểm tái định cư cho hai thôn này ở phía Bắc thôn Ninh Tịnh, cũng thuộc xã Ninh Phước. Khi có chủ trương di dời đến thôn Ninh Tịnh, người dân hai thôn Ninh Yển và Mỹ Giang tương đối đồng tình, vì điều kiện sản xuất, sinh hoạt, khí hậu ở Ninh Tịnh cũng thuận lợi. Nhưng cái chính dân vui là vẫn được ở lại xã anh hùng.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2007 đến đầu năm 2009, các dự án Kho xăng dầu Ngoại quan Vân Phong, Tổ hợp lọc dầu Petrolimex có công suất 10 triệu tấn/năm và Nhà máy nhiệt điện than Sumitomo (Nhật) công suất 2.640 MW lần lượt được phê duyệt, diện tích xã Ninh Phước được xem như đã quy hoạch gần hết. Vì vậy, tỉnh Khánh Hòa hủy bỏ phương án di dời hai thôn Ninh Yển và Mỹ Giang, thay vào đó là kế hoạch di dời toàn bộ xã Ninh Phước đến nơi khác.
Sau khi chủ trương thống nhất, qua nhiều cuộc tiếp dân, địa điểm tái định cư phù hợp nhất là xã Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa). Theo phương án này, việc tái định cư sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi: quỹ đất lớn, lại màu mỡ để duy trì được các nghề truyền thống, vị trí giáp biển thuận lợi cho ngư dân làm nghề. Nhưng trớ trêu, địa điểm này lại vướng phải dự án Khu dân cư Ninh Thủy của Công ty TNHH Hoàn Cầu, dự án này đang “treo” mấy năm nay. Sau nhiều lần đàm phán không thành, tỉnh Khánh Hòa quyết định phương án tái định cư phân tán xã Ninh Phước, để “né” dự án của Công ty Hoàn Cầu.
Xóa sổ làng nghề
Không có người dân Ninh Phước nào muốn rời bỏ xứ sở ra đi, nhất là khi Ninh Phước không còn mang đặc trưng của vùng cát bay, cát nhảy như trước, thay vào đó, bây giờ đã là những cánh đồng tỏi, hoa màu... xanh bạt ngàn. Nói như ông Lê Văn Thông, một người dân thôn Mỹ Giang: “Những con đường tại Ninh Phước hiện nay đa số là đường đất chật hẹp, vì bị cấm xây dựng do có quy hoạch; nếu đường to hơn một chút, chắc không ít người dân trong xã đã sắm ô tô đắt tiền”. Điều đó chẳng có gì ngạc nhiên, khi Ninh Phước đang được biết đến như một Lý Sơn thứ hai, một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi, vốn rất nổi danh với đặc sản tỏi, nhưng hơn hết, Ninh Phước đang dần hình thành một làng nghề, làm thay da đổi thịt cả một vùng đất vốn khô cằn, đầy nắng, gió...
Chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, Ninh Phước đã trồng gần cả trăm hécta tỏi. Tỏi đang trở thành cây trồng chủ lực của xã Ninh Phước. Bà Đỗ Thị Dù, Chủ tịch UBND xã, băn khoăn: “Chất lượng và năng suất tỏi Ninh Phước giờ không thua gì tỏi Lý Sơn. Thậm chí trồng tỏi ở đây còn lãi hơn vì điều kiện trồng trọt rất tốt, nhất là nước tưới, điều kiện khí hậu. Có điều, khi tỏi Ninh Phước bắt đầu được nhiều người biết đến, cũng là lúc người dân đứng trước nguy cơ phải di dời trong nay mai”.
Theo phương án di dời, khoảng gần 1.500 hộ dân với trên 6.500 nhân khẩu được chia theo các tiêu chí: các hộ theo nghề biển được tái định cư tại khu tái định cư xóm Quán, xã Ninh Thọ, với khoảng 40ha; các hộ làm nghề nông và làm nghề khác về tái định cư tại xã Ninh Thủy, diện tích khoảng 100ha. Trước mắt (giai đoạn 1), khoảng 900 hộ dân với 3.500 khẩu của hai thôn Mỹ Giang, Ninh Yển sẽ di dời, thôn Ninh Tịnh sẽ di dời trong giai đoạn hai, sớm nhất cũng sau đó 3 năm. Nghe việc cả xã sẽ di dời đến Xóm Quán và khu tái định cư Ninh Thủy, người dân Ninh Phước ai cũng lắc đầu ngao ngán: không biết lên đó sống bằng gì giữa vùng đất khô cằn.Với diện tích bình quân cho mỗi hộ gia đình (dưới 5 khẩu) không quá 200m² đất thì sao đủ canh tác?
Cùng với những băn khoăn về chuyện tái định cư, không có định canh, thiếu nước, mất việc làm sẽ kéo theo bao hệ lụy. Cái tên xã Ninh Phước anh hùng cũng sẽ chẳng còn, vì hai khu tái định cư Xóm Quán và Ninh Thủy cách xa nhau, và cách xã Ninh Phước hiện nay hàng chục cây số. Bà Đỗ Thị Dù, Chủ tịch UBND xã Ninh Phước, nói: Chuyện tái định cư, định canh, chuyện tiền đền bù đang khiến những người dân Ninh Phước lo lắng hơn cho tương lai.
Văn Ngọc
| |