Thật không quá lời khi nói rằng xóm đũa Phụng Sơn B, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) là làng nghề “cổ nhất” tỉnh vì đã có mặt gần trăm năm qua. Đến nay, chưa có tư liệu chính thống nào xác định nghề này có tự bao giờ, ai là người đầu tiên thành lập.
Nhiều cư dân tại đây chỉ xác định: bà Mai Thị Ngân (85 tuổi) là người khởi xướng nghề này với quy mô lớn. Còn bà Ngân nhớ lại: “Quê chồng tôi ở xứ này, tôi làm dâu trên 60 năm rồi và cũng ngần ấy thời gian theo nghề do ông bà để lại, nhưng lúc đó chỉ mang tính nhỏ lẻ, làm ra chỉ dùng trong gia đình, chòm xóm. Sau ngày thống nhất đất nước, mới có nhiều hộ tham gia làng nghề vì sản phẩm làm ra rất được người tiêu dùng ưa chuộng, do gia công khéo léo, đẹp mắt, sử dụng lâu dài, không bị mối mọt, giá cả phải chăng. Lúc cao điểm có đến 60 hộ cùng làm với hàng trăm lao động. Thương lái đến tận nơi đặt hàng, vận chuyển ngày đêm”.
Nhiều người làm đũa tre lâu năm tại đây chia sẻ kinh nghiệm: Chỉ có loại tre Xiêm mới làm được đũa chất lượng cao vì độ sáng bóng, ngay thẳng, không có mùi hôi, độ bền trên 10 năm nếu bảo quản tốt khi sử dụng. Thuận lợi ở xóm đã này là quanh đó có nhiều vườn tre Xiêm. Phần gốc tre từ 1 - 1,5m được các hộ trồng cưa ra từng đoạn, sau đó chẻ ra thành thân đũa, rồi tới công đoạn bào chuốt, xe đầu… là đã có những chiếc đũa thon gọn, đẹp, sáng, chắc chắn. Ấp Phụng Sơn B cũng rất thuận lợi về mặt giao thông đường thủy lẫn đường bộ nên việc mua bán tre ngọn lẫn đũa tre rất dễ dàng. Giá bán hiện nay từ 5.000 - 7.000 đồng/10 đôi, tùy bán sỉ hay lẻ. Chị Võ Thị Tuyết Loan, người có 10 năm làm nghề, cho biết thêm: “Mỗi ngày tôi chẻ, vót, bào được khoảng 250 - 300 đôi đũa, kiếm được 100.000 - 120.000 đồng, không phải bỏ vốn ban đầu, lại thuận tiện vì có thể vừa chăm sóc ruộng, vườn, lúc rảnh thì lãnh tre về làm để có thêm thu nhập”.
Công đoạn vót đũa
Tuy nhiên, cũng đã có quãng thời gian dài, đặc biệt vào năm 1999 và 2000, xóm đũa này phải lao đao, điêu đứng vì sự cạnh tranh của các loại đũa có nguồn gốc từ Trung Quốc, Thái Lan như đũa ngà, đũa nhựa với giá quá rẻ, nhiều hộ làm đũa tre Tân Long phải ngưng sản xuất để chuyển nghề. Chưa dừng lại ở đó, nhiều cơ sở sản xuất đũa tre nội địa áp dụng kỹ thuật phun màu, phun sơn, ướp màu để tăng độ bóng láng nhưng rất độc hại lại một phen đẩy làng đũa Tân Long đứng trước nguy cơ phá sản.
Điều đáng mừng, sau đó xóm đũa đã có sự đoàn kết một lòng, kiên quyết bảo vệ, giữ gìn thương hiệu đã gắn bó cả trăm năm qua. Họ động viên nhau tiếp tục sản xuất; tìm kiếm thị trường tiêu thụ; quảng bá, giới thiệu sản phẩm bằng nhiều kênh thông tin khác nhau. Điều tiên quyết là phải gìn giữ và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tất cả nỗ lực ấy đã được đền đáp thỏa đáng khi đũa Phụng Sơn B lại có mặt nhiều hơn trên thương trường và được người tiêu dùng quay lại sử dụng. Đến nay làng nghề này đang có trên 50 hộ sản xuất trở lại với cả trăm lao động.
Bà Võ Thị Duyên, một người có trên 40 năm làm đũa, mong muốn: “Nhà nước cần hỗ trợ vốn vay ưu đãi, tìm kiếm đầu ra sản phẩm nhiều hơn, để biết đâu đũa Tân Long sẽ có cơ hội xuất sang nước ngoài và cạnh tranh lành mạnh với sản phẩm các nước”.
TÔ PHỤC HƯNG