
Dưới gốc bưởi Thanh Trà, nhiều nhà nông ngồi nhìn vườn bưởi mà lắc đầu ngán ngẩm. Hàng trăm hộ dân ở Hương Hồ, Lương Quán, Nguyệt Biều, Kim Long (ngoại thành thành phố Huế) đang quay quắt vì bưởi mất mùa, lại… rớt giá! Đây là năm mất mùa “đau” nhất từ trước đến nay.
Bưởi đậu trái trên cây lèo tèo, nhưng số thương lái tìm mua thì còn… ít hơn và nếu có, nhà nông cũng chỉ bán được với giá bèo bọt. Sống với cây bưởi thương hiệu, nhưng nhiều người dân nơi đây đang lâm vào cảnh khốn đốn dở khóc dở cười vì cây bưởi quê mình.
Thương hiệu một loài bưởi
Nhà vườn Hương Hồ, Nguyệt Biều nằm ven theo con sông Hương thơ mộng, quanh năm tỏa mùi hương đặc biệt. Khi bưởi thanh trà chưa ra hoa thì cây và lá cũng đã có mùi thơm. Đó là loại hương từ lá, từ nhựa, rồi phát tiết trong mùa ra hoa.
Càng đến gần càng say, một mùi thơm không gắt, không quá ngạt ngào như mùi thơm hoa sữa, hoa tràm. Mùi thơm của hoa bưởi Thanh Trà thoang thoảng, có cảm giác mê hoặc con người. Chính mùi thơm của lá, hoa đã kết tinh vào trái bưởi để có hương thơm, vị ngọt trở thành loại trái đặc sản của đất Cố đô và cả nước.

Chủ vườn bưởi Bùi Quang Trọng, xã Hương Hồ thẫn thờ nhìn bưởi mất mùa.
Ông Lê Công Phước, Chủ tịch UBND xã Hương Hồ kể: “Làng bưởi chúng tôi có từ hàng trăm năm nay. Ông bà kể lại, ngày trước vua chúa nhà Nguyễn cũng rất thích tráng miệng bằng bưởi Thanh Trà. Nó được liệt vào món hoa trái yêu thích của các đời vua. Khi lọt lòng ra chúng tôi đã thấy bưởi và bưởi cũng đã nuôi sống bao người dân chúng tôi. Bây giờ con cháu đi đâu xa cũng không quên quay về làng bưởi để được thưởng thức những tép bưởi đỏ mọng, ngọt ngào”.
Bưởi Thanh Trà được đánh giá là đặc sản và có chất lượng cao, được nhiều tổ chức về cây trái của hội nông dân, tổ chức trong và ngoài nước công nhận thương hiệu. Bưởi Thanh Trà đã giúp cho cuộc sống nhiều người dân nơi đây thay đổi.
Số lượng diện tích đất trồng bưởi tăng lên nhanh chóng, nhiều hộ nông dân đã phất lên làm giàu từ cây bưởi thương hiệu quê mình. Cũng theo nhiều người, chính sự bồi đắp phù sa hàng năm của sông Hương khi mùa lũ về đã làm cho cây bưởi nơi đây ngọt và thơm ngon hơn các nơi khác, nhiều thị trường trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Thế nhưng năm nay, làng bưởi đang đứng trước cơn lao đao về giá cả và mất mùa thảm hại.
Khi nắng hè gay gắt qua đi, nhường chỗ cho mùa thu với những đợt mưa phùn rả rích, bưởi trên cây sau bao ngày chịu nắng nay dãn ra hút mưa, quả bắt đầu nặng nước. Và đó cũng là thời gian báo hiệu bắt đầu cho mùa thu hoạch.
Bưởi trên cây sum suê phải dùng tre, dây chằng cột lại, kẻo gió đưa nhổ bật cả gốc. Xe thương lái ầm ầm chạy đến tận nhà thu mua, người trồng bưởi Hương Hồ tràn ra vườn thu hoạch. Nhà nào nhà nấy bưởi hái đến đâu có người mua đến đó. Mùa thu hoạch nhà nào cũng rủng rỉnh tiền, bưởi làng vừa được mùa lại có giá. Thế nhưng, … đó chỉ là chuyện của những năm trước!
Bao giờ trở lại... ngày xưa!
Bây giờ về làng bưởi vào đúng mùa thu hoạch, nhà nào nhà nấy vắng lặng như tờ, thi thoảng mới có một vài thương lái tìm đến mua với giá rẻ. Mất mùa, nhiều người dân buông xuôi phó mặc bưởi cho… trời, không chăm bón cũng chẳng buồn thu hoạch.
Anh Hồ Văn Hóa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Hồ cho biết: “Đời cha ông đều sống vì bưởi, cả làng chúng tôi bao năm nay cũng sống nhờ cây bưởi. Cả năm chăm bón chỉ đợi đến ngày thu hoạch, thế mà năm nay bưởi mất mùa mà lại còn… trượt giá mới thảm hại chứ! Nếu như ngày trước bưởi chưa đến ngày thu hoạch đã có người đến đặt cọc sớm, thì nay chẳng ai thèm mua, dù là giá rất bèo”.
Ngày trước cứ vào tháng tám Âm lịch, người mua sỉ bưởi Thanh Trà đến vườn hái quả. Trước đó mấy tháng, người mua đã đến đặt tiền cọc cho chủ vườn từ 50% hoặc 70% tổng giá bán cả vườn. Giá bình quân là 7.000 - 9.000đ/quả, mỗi héc ta nhà vườn thu lãi hàng chục triệu đồng. Đó là giá bán ở vườn còn lên đến chợ Bến Ngự, An Cựu, Đông Ba…, các sạp bán với giá 10.000 - 12.000đ/quả.
Hiện nay, giá bưởi chỉ còn bằng 1/3 so với trước đây, từ 3.000 – 5.000đ/quả, và dù đã rẻ lại chẳng ai thèm mua! Nhiều hộ nông dân đang rơi vào đường cùng vì bán thì lỗ, mà để thì bưởi chín rơi rụng.
Bác Bùi Quang Trọng, chủ một vườn bưởi ở Hương Hồ giọng buồn buồn tâm sự: “Năm trước, chúng tôi đã chết đứng vì cái vụ tung tin thất thiệt “ăn bưởi gây ung thư”, năm nay lại mất mùa, mà giá thì bèo chẳng ai hỏi mua. Bưởi rụng ngoài vườn không ai buồn nhặt. Không chỉ nhà tui mà cả làng bưởi này thất thu thảm hại. Cứ đà này thì chỉ có nước chặt bưởi trồng cây khác”.
Với những hộ nông dân ở Hương Hồ, Nguyệt Biều, Kim Long, ngoài mấy sào ruộng, cuộc sống của họ hầu hết đều trông chờ vào vườn bưởi. Nhưng với giá bưởi như hiện nay, họ đang phải kêu trời vì thất thu.
Lê Phi - Triều Dương (SGGP 12G)