Xử nhanh là mong mỏi của hầu hết những người dân phải vô phúc đáo tụng đình. Có bị cáo ra tòa than: “Xử chậm, bị cáo không được xét giảm án”. Tuy nhiên thực tế hiện nay cho thấy tình trạng xử án chậm vẫn diễn ra.
- Thiệt đơn, thiệt kép!
Đơn cử như vụ Nguyễn Năng Sơn điều khiển xe trộn bê tông vượt đèn đỏ làm 2 người chết. Tại phiên xử phúc thẩm mới đây, gia đình nạn nhân bức xúc: “Vụ án xảy ra từ 7-2009. Em tôi thiệt mạng nhưng không biết tại sao mãi đến hơn một năm sau mới xử (10-2010). Án xử chậm thì chuyện bồi thường cũng chậm theo bởi muốn thi hành án phải có bản án. Không hiểu có ai nghĩ đến người nhà nạn nhân phải sống ra sao trong thời gian đó?”.
Vụ Nguyễn Thị Bích Phượng cũng thiệt đơn, thiệt kép vì xử chậm. Phượng là chủ sở hữu 3 tàu cá. Từ ngày 24-11-2006 đến ngày 10-1-2007, Phượng thế chấp 3 tàu cá cho Vietinbank vay 2,25 tỷ đồng phục vụ hoạt động đánh bắt. Đầu năm 2007, Phượng thuê người sử dụng tàu đánh cá ra biển cắt cáp ngầm. Ngày 22-5-2007, vụ án bị phát hiện, tổng số cáp bị cắt là 6.988,10m, trị giá gần 1,8 tỷ đồng. Đến ngày 4-4-2008, Phượng bị án sơ thẩm tuyên phạt 12 năm tù về tội “Phá hủy công trình phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia”. Ngày 19-9-2008, vụ án tiếp tục được đưa ra xử phúc thẩm và đến ngày 21-8-2009, cơ quan thi hành án tổ chức bán đấu giá 3 chiếc tàu được 820 triệu đồng. Trừ đi chi phí đấu giá, thẩm định, phí trông giữ tàu… chỉ còn lại 724 triệu đồng sung công quỹ nhà nước vì nhận định 3 chiếc tàu là tài sản phạm tội.
Tại phiên tòa, gia đình bị cáo Phượng than thở: “Ngay khi xử án sơ thẩm xong, có người đã trả giá mua 1,6 tỷ đồng/chiếc tàu nhưng chờ xử tới xử lui rồi thủ tục phát mãi làm mấy con tàu xuống cấp, trị giá hiện giờ chỉ còn mấy trăm triệu đồng. Giờ chúng tôi chẳng biết khắc phục hậu quả bằng cách nào”. Đại diện phía ngân hàng cũng bức xúc: “Nếu xử đúng và xử nhanh, 3 con tàu này phát mãi dư trả tiền vay cho ngân hàng mà còn khắc phục được hậu quả vụ án vì tài sản thế chấp được định giá là 4,9 tỷ đồng. Đến giờ này, chúng tôi chỉ thu hồi được 1/4 giá trị tài sản, trong khi cả nợ và lãi lên đến gần 3,5 tỷ đồng”.
Tương tự, mới đây, ngày 15-4-2011, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM cũng tuyên hủy một phần bản án đối với Phan Long Nhi (nguyên Chủ tịch UBND xã Hội Nghĩa, huyện Tân Uyên tỉnh Bình Dương), Nguyễn Văn Minh (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hội Nghĩa) để xét xử lại về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Theo bản án sơ thẩm, năm 2004, Nhi, Minh được nhờ ủy quyền đứng ra đền bù đất cho 32 hộ dân với số tiền hơn 26 tỷ đồng (giá bồi thường là 500 triệu đồng/ha) để lấy đất xây dựng nhà máy chế biến gỗ. Sau đó, Nhi và Minh bồi thường giá thấp hơn (cao nhất là 450 triệu đồng/ha) để hưởng số tiền chênh lệch hơn 2 tỷ đồng. Riêng bị cáo Nhi còn chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng tiền bồi thường đất công. Vụ án qua hai lần xét xử sơ thẩm, hai lần xét xử phúc thẩm, kéo dài nhiều năm vẫn chưa xong khiến nhiều người dân có đất trong khu quy hoạch nhà máy bức xúc.
- Thủ tục rút gọn bị chê?
Đề cập đến vấn đề này, nhiều luật sư cũng than vắn thở dài về việc xử chậm không những gây thiệt hại về tài sản mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác. Nhiều nhất là những vụ án bị hủy xử lại, mà đôi khi kết quả điều tra lại không khác gì mấy so với ban đầu. Có ý kiến táo bạo đề xuất rằng luật nên có sự thay đổi theo hướng quy định điều tra không có cơ sở thì tuyên bố ngay bị cáo không phạm tội, không nên “kéo” án vì có những vụ án không thể phục hồi điều tra lại.
Bên cạnh đó, Bộ luật Tố tụng hình sự đã có hẳn một chương quy định về thủ tục rút gọn. Theo đó, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đến khi đưa ra xét xử là 1 tháng; áp dụng cho những vụ án hội đủ các điều kiện: Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang; sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; tội phạm được thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng.
Nhưng trên thực tế, từ khi quy định này được áp dụng đến nay đã 7 năm, theo một thống kê chưa đầy đủ thì cả nước chỉ có khoảng 100 vụ được xét xử theo thủ tục này và 2 năm gần đây án này hầu như không xuất hiện. Có tòa chưa từng xử vụ án nào theo thủ tục này!
Còn tại TPHCM, nơi có lượng án lớn nhất trong cả nước, án xử theo loại này cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay và hầu như không xuất hiện tên trong bảng thống kê án. Một luật sư cho biết, trên thực tế, những vụ án hội đủ những điều kiện như vậy không phải là ít nhưng áp dụng thì quả là rất hiếm hoi. Trung bình một vụ án đơn giản như cướp giật, trộm cắp từ ngày bắt đến ngày đưa được vụ án ra xét xử sơ thẩm khoảng 6 - 8 tháng. Vụ án phức tạp thì hồ sơ trả tới trả lui điều tra lại 2 - 3 năm mới xử. Có vụ xử đi xử lại 7 - 8 năm, thậm chí đến chục năm cũng chưa kép lại.
Nghịch lý này có nguyên nhân của nó, một thẩm phán tâm sự: Phần thì cán bộ không ai muốn “mua” việc vào người, áp dụng theo thủ tục này phải mẫn cán, vắt chân lên cổ chạy; phần thì các nơi vẫn còn “thủ công” như định giá cũng hơn chục ngày mới có kết quả; xác minh lý lịch, tiền án, tiền sự thay vì chỉ cần vào máy tra cứu thì ta phải gửi văn bản đi và chờ kết quả ít là 1 tuần, chậm thì vài tháng… Quan trọng hơn là luật không bắt buộc phải áp dụng thủ tục này và án của ta chủ yếu được xây dựng trên kết quả điều tra nên cứ… từ từ.
THANH TÂM