Ngày 1-10, Hội nghị cấp cao lần thứ 3 các nước Nam Mỹ và Ảrập (ASPA) đã khai mạc tại thủ đô Lima, Peru nhằm tìm kiếm sự hội nhập giữa 22 quốc gia Ảrập với 12 quốc gia Nam Mỹ. Liên tiếp những năm gần đây, kim ngạch thương mại hai chiều giữa các nước Nam Mỹ và Ảrập đã tăng hơn gấp đôi, từ 13,6 tỷ USD năm 2005 lên 27,4 tỷ USD trong năm 2011. Cả hai khu vực Nam Mỹ và Ảrập vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các cơ hội vào thời điểm các đối tác thương mại truyền thống châu Âu và Mỹ đang lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính đe dọa các nền kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh này, có lẽ, sau nhiều năm hợp tác, các quốc gia của hai khối đã nhận ra rằng đây cũng là cơ hội để họ thoát khỏi các áp lực cạnh tranh thương mại không công bằng mà họ đã phải trả giá trong nhiều năm làm ăn với Mỹ và châu Âu. Hai khối này vẫn nhớ cuộc chiến tranh chuối giữa Mỹ Latinh và châu Âu, hay chiến tranh bông giữa Brazil và Mỹ.
Dưới chiêu bài “bảo hộ mậu dịch” của EU, chuối từ các nước Mỹ Latinh phải chịu thuế nhập khẩu, trong khi sản phẩm chuối từ phần lớn các nước thuộc địa trước đây của châu Âu tại châu Phi, các nước vùng Caribbe… lại được miễn thuế. Mãi đến cuối năm 2009, sau 16 năm đấu tranh đòi bình đẳng thương mại của Mỹ Latinh, EU mới đồng ý hạ thấp thuế suất nhập khẩu chuối vào thị trường EU từ 176 EUR/tấn xuống 114 EUR/tấn trong giai đoạn 2010-2017. Đây là cuộc chiến thương mại kéo dài nhất tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cuộc tranh chấp bông giữa Brazil và Mỹ cũng không kém phần kịch tính khi vào tháng 3-2010, WTO ra phán quyết buộc chính phủ Mỹ phải chịu phạt, trả cho Brazil 830 triệu USD vì đã chi trợ cấp “quá tay” cho người trồng bông nước này.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Peru Ollanta Humala nhận định đây là “cơ hội đặc biệt” để các nước Nam Mỹ và Ảrập tăng cường quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Sự liên kết này cũng mở ra cho các nước hai khu vực những thị trường mới, chuẩn bị để đối phó với thời điểm EU bắt đầu áp dụng những tiêu chuẩn mới về hàng hóa nhập khẩu vào EU, theo đó loại gần 95 quốc gia khỏi danh sách đủ tiêu chuẩn xuất khẩu hàng hóa vào khối này. Hồi tháng 6 năm nay EU và Mỹ Latinh cũng có cuộc họp thượng đỉnh nhưng với việc EU tăng cường các biện pháp bảo hộ mậu dịch đã khiến hội nghị không đưa đến kết quả như mong đợi.
Trong khi đó, rõ ràng, nếu như Nam Mỹ là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, thì các đối tác Ảrập lại có nhiều kinh nghiệm trong việc nghiên cứu và phát triển công nghệ. Khi các quốc gia Nam Mỹ là những nhà xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới thì các nước Ảrập cũng có khả năng là những bạn hàng nhập khẩu nhiều tiềm năng. Hai khối này làm ăn với nhau cũng sẽ không bị áp đặt các tiêu chuẩn về cái gọi là nhân quyền, dân chủ của Mỹ hay EU.
Việc các nước đang phát triển ngày càng xích lại gần nhau trong hợp tác kinh tế đang trở thành xu hướng mới. Thị trường các nước giàu thường khó tính và áp đặt nhiều hàng rào bảo hộ mậu dịch bất bình đẳng hiện lại đang rơi vào khủng hoảng, suy giảm khả năng tiêu thụ nên dường như đối với các nước đang phát triển, thị trường các nước giàu không còn sức hấp dẫn nữa.
Hạnh Chi