
Với sự phát triển không ngừng của các loại hình dịch vụ truyền hình: từ truyền hình kỹ thuật Analog đến truyền hình kỹ thuật số, truyền hình cáp, truyền hình băng thông rộng đã đánh dấu một bước phát triển mới của ngành truyền hình Việt Nam. Giờ đây, mọi người đã có thể tự do lựa chọn cho mình loại dịch vụ truyền hình thích hợp nhất với mức giá có thể chấp nhận được.
Truyền hình trả tiền sẽ phát triển mạnh

Với truyền hình băng thông rộng, qua màn hình máy tính có thể xem truyền hình với hình ảnh rõ nét.
Nhu cầu xem nhiều kênh truyền hình trong và ngoài nước đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Ngoài loại hình truyền hình kỹ thuật Analog hiện được phát sóng miễn phí như VTV (Đài Truyền hình Việt Nam), HTV (Đài Truyền hình TPHCM), BTV (Đài Truyền hình Bình Dương)… trong thời gian qua đã xuất hiện truyền hình kỹ thuật số vệ tinh VTC (thuộc Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện), truyền hình cáp SCTV (do VTV và Saigon Tourist phối hợp), HCTV (truyền hình cáp TPHCM)… mang tính chất dịch vụ.
Các chuyên gia cho rằng loại hình truyền hình trả tiền sẽ ngày càng phát triển và phổ biến hơn do đảm bảo được chất lượng dịch vụ cung cấp, mang đến nhiều sự lựa chọn về kênh thông tin, giải trí cho người xem.
Anh Hà Ngọc Thiện, nhân viên Cục Thuế quận 5, cho biết: “Dù phải trả tiền hàng tháng nhưng tôi vẫn chọn truyền hình cáp vì xem được rất nhiều kênh. Hơn nữa, hình ảnh và âm thanh không bị ảnh hưởng khi thời tiết xấu như truyền hình truyền thống”.
Theo một thống kê chưa đầy đủ, hiện nay số hộ dân sử dụng truyền hình trả tiền của SCTV và HCTV khoảng 250 ngàn hộ. Các chuyên gia dự tính, loại hình dịch vụ này ở TPHCM có thể lên đến con số 1 triệu khách hàng trong năm 2006.
Với xu hướng tích hợp nhiều tiện ích hơn cho mạng dịch vụ, năm 2005, Truyền hình cáp Việt Nam, Hà Nội và TPHCM đều kết hợp với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông để cung cấp cho khách hàng thêm một dịch vụ tiện ích là Internet băng thông rộng trên mạng truyền hình cáp; truyền hình cáp Hà Nội kết hợp với Công ty viễn thông Thế Hệ Mới; SCTV liên kết với EVN Telecom …
- Xem truyền hình qua Internet
Khi các mạng băng thông rộng trở nên phổ biến, các doanh nghiệp đã bước vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ mới: truyền hình qua Internet. Năm 2004, Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) đã xây dựng trang web truyền hình VNN Internet tại website: www.vnntelevision.net/ nhằm đáp ứng nhu cầu xem truyền trình trực tuyến của khách hàng sử dụng dịch vụ Internet tốc độ cao tại Việt Nam.
Đại diện Trung tâm Vietnamnet TV cho biết, mặc dù Vietnamnet TV chưa cung cấp các dịch vụ TV theo yêu cầu (TV on Demand) qua kết nối băng thông rộng nhưng ngoài việc cung cấp một số chương trình truyền hình ca nhạc, phim truyện của VTV1, VTV3 lấy từ nguồn VTV, VietNamnet TV cũng đã xây dựng các nội dung truyền hình như: bản tin thời sự, thông tin giải trí, trò chơi... phát 24/24 như một kênh truyền hình tiếng Việt dành cho kiều bào Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới.
Ngoài Vietnamnet TV, việc phát kênh HTV7, HTVC trên website của HTV tại địa chỉ http://www.htv.com.vn và kênh VTV4 trên website www.vtv.vn của VTV… cũng đã rất thành công trong công tác phục vụ đồng bào ở xa Tổ quốc cập nhật những thông tin nơi quê nhà.
Mới đây, Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) ra mắt truyền hình băng rộng (Truyền hình Internet - IPTV) tại địa chỉ http://tv.fpt.vn. Với IPTV, người sử dụng có thể sử dụng các dịch vụ của Internet như truy cập web, điện thoại Internet (VoIP) và được cung cấp kèm theo như xem phim theo yêu cầu (Video on Demand), xem truyền hình theo yêu cầu (TV on Demand).
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Giám đốc Dịch vụ băng thông rộng FPT cho biết: Khác với Vietnamnet TV và các kênh truyền hình trực tuyến trên VTV, HTV được thể hiện trên Internet với khung hình hẹp, các kênh truyền hình băng thông rộng của FPT Telecom được phát với tốc độ 6 Mbps/kênh cho hình ảnh toàn màn hình với độ rõ nét tương đương DVD.
Toàn bộ lưu lượng dữ liệu truyền hình không được tính qua lưu lượng Internet nên không phát sinh cước Internet khi khách hàng xem truyền hình băng thông rộng và FPT cam kết sẽ không gây ảnh hưởng tốc độ đường truyền Internet của khách hàng. FPT Telecom đã ký kết với HTV để ngày 14-3-2006 sẽ phát sóng thử nghiệm 32 kênh truyền hình tại website http://tv.fpt.vn.
Như vậy, không cần phải có TV mà thông qua Internet, người sử dụng có thể coi được 32 kênh truyền hình trong và ngoài nước của HTV. Và để xem IPTV trên TV bình thường, trong thời gian thử nghiệm, FPT Telecom sẽ cho khách hàng mượn đầu thu (Set-top-box) kết nối modem ADSL và TV. Tuy nhiên, chỉ các thuê bao sử dụng dịch vụ ADSL của FPT Telecom mới có thể đăng ký sử dụng dịch vụ này.
* Theo thăm dò tại website: www.vnexpress.net, 2 loại hình truyền hình cáp, kỹ thuật số được nhiều người sử dụng nhất, hơn 64%, trong đó phần nhỉnh hơn thuộc về truyền hình cáp. Số độc giả vẫn dùng truyền hình truyền thống Analog chỉ có 15% và đa số cho biết họ thích sử dụng dịch vụ này. 15,8% độc giả cho biết họ yêu thích loại hình truyền hình Internet vốn còn rất mới mẻ.
THIÊN NGA