Xu hướng thị trường đang thay đổi

Sự phát triển của nền kinh tế, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, quy mô thị trường ngày một phát triển nhờ sự gia tăng thu nhập, chi tiêu của người tiêu dùng cùng lối sống hiện đại sẽ làm thay đổi cơ bản thói quen tiêu dùng và tác động tổng thể tới thương mại trong nước trong thời gian tới. 
Xu hướng tiêu dùng sẽ thay đổi trong tương lai Ảnh: CAO THĂNG
Xu hướng tiêu dùng sẽ thay đổi trong tương lai Ảnh: CAO THĂNG

Theo dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2035 của Bộ Công thương cho thấy, năm 2015, dân số Việt Nam ước đạt 91,7 triệu người, trong đó dân số thành thị chiếm 33% (năm 2006 là 27%. Trong giai đoạn tới, dự báo tỷ lệ tăng dân số bình quân đạt khoảng 1%/năm. Như vậy, đến năm 2020 quy mô dân số sẽ đạt 98 triệu người, năm 2030 đạt 105 triệu người và xấp xỉ 108 triệu người vào năm 2035. Tỷ lệ dân số đô thị dự kiến đạt 36% vào năm 2020, lên 39% năm 2025, gần 42% năm 2030 và 44% vào năm 2035. 

Đáng lưu ý, dân số sẽ có xu hướng già hóa, tỷ lệ người qua độ tuổi lao động tăng 6,7% năm 2015 lên 14,4% năm 2035. Việc già hóa dân số và gia tăng số người sống trong đô thị sẽ làm thay đổi cơ cấu mặt hàng, phương thức tiêu dùng và mức độ tiêu dùng trong thời gian tới. 

Về thu nhập và sức mua, thu nhập của người dân đã tăng đáng kể trong 10 năm qua và dự kiến tiếp tục tăng do chính sách mở cửa thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài. Mức thu nhập bình quân đầu người sẽ ở mức 4.900 - 5.200 USD vào năm 2030, dẫn tới việc gia tăng sức mua và thay đổi cơ cấu, phương thức tiêu dùng của người dân. 

Ở góc độ xu hướng tiêu dùng, dự thảo chỉ ra rằng tỷ trọng chi tiêu cho các nhóm hàng lương thực, thực phẩm sẽ giảm mạnh; trong khi gia tăng khoản chi tiêu cho nhà cửa, giáo dục, giải trí, du lịch và nhà hàng. Thị hiếu tiêu dùng của nhóm dân số có mức thu nhập trung bình trở lên có ảnh hưởng tới thương mại trong nước. Đây cũng là xu hướng đang và sẽ tiếp tục  diễn ra trong thời gian tới khi thu nhập và đời sống của người dân gia tăng.

Về hàng hóa, người mua sẽ yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và xu hướng ưa chuộng các mặt hàng có nguồn gốc tự nhiên, nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm và quan tâm đến các mặt hàng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Theo đó, người tiêu dùng cũng quan tâm hơn đến hình thức, mẫu mã, thương hiệu, dịch vụ hậu mãi; vì vậy, các DN cần đầu tư xây dựng thương hiệu, quảng bá xây dựng niềm tin và giữ vững uy tín đối với người tiêu dùng.

Về phương thức mua hàng, theo Bộ Công thương, phương thức mua sắm qua các kênh hiện đại ngày càng gia tăng. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, mua sắm trực tuyến qua mạng, truyền hình, điện thoại di động sẽ phát triển mạnh ở Việt Nam. Ở nông thôn, miền núi, phuơng thức mua sắm cũng sẽ thay đổi dần theo hướng hiện đại. Mua sắm tại các chợ truyền thống sẽ giảm dần. 

Cũng theo dự báo của Bộ Công thương, các hiệp định thương mại tự do được ký kết trong thời gian gần đây ngày càng mở rộng sang nhiều lĩnh vực ngoài thương mại như đầu tư, môi trường, sở hữu trí tuệ, lao động… làm gia tăng áp lực cho cải cách thể chế và môi trường kinh doanh trong nước. Để tận dụng lợi ích và khắc phục bất lợi từ các hiệp định này, đòi hỏi những thay đổi, cải cách sâu rộng hơn đối với sản xuất và thương mại trong nước. 

Trong 4 phân ngành của dịch vụ phân phối, thì bán lẻ vẫn là phân ngành phát triển mạnh nhất. Dịch vụ bán buôn dự kiến từng bước phát triển gắn với quy mô sản xuất trong nước, cũng như việc mở cửa thị trường hàng hóa và sự tham gia của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực bán buôn. Hoạt động đầu tư thông qua hình thức M&A trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ sẽ trở nên phổ biến hơn trong thời gian tới. Mức độ ảnh hưởng của thị trường quốc tế tới thương mại trong nước ngày càng nhanh và mạnh hơn, đòi hỏi phải thay đổi trong quản lý nhà nước, đặc biệt là công tác dự báo, cung cấp thông tin thị trường tới người dân và DN. 

Xu hướng bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc ngày càng gia tăng ở không ít nền kinh tế, trong đó có các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam. Điều này thể hiện rất rõ khi các rào cản thuế quan dần được dỡ bỏ thì những hàng rào phi thuế quan (bao gồm các SPS và TBT, phòng vệ thương mại) có xu hướng tăng và ngày càng tinh vi hơn. Theo khuyến cáo của Bộ Công thương, việc khai thác lợi thế của các hiệp định FTA đã ký kết cần gắn chặt với nâng cấp tiêu chuẩn, sản phẩm sản xuất trong nước, cũng như xây hàng rào bảo hộ hữu hiệu thương mại trong nước. Với các DN phải cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cấp để thích ứng nhanh với những xu hướng thị trường đang thay đổi mạnh mẽ. Chỉ có vậy, DN trong nước nói chung, DN thương mại nói riêng mới có thể phát triển mạnh và bền vững trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Tin cùng chuyên mục