Xử lý các dự án yếu kém đã có kết quả tích cực ​

Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định, đến nay một số dự án đã được đưa ra khỏi danh mục các dự án yếu kém. Một số dự án đã có khởi sắc thực sự. 

Ngày 5-4, Cổng thông tin Chính phủ tổ chức tọa đàm "Xử lý các dự án yếu kém: Bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo".

Thông tin tại đây cho thấy, kế thừa kết quả của nhiệm kỳ trước, đặc biệt từ năm 2021, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số dự án trì trệ đã có bước chuyển biến tích cực, có dự án đã hoạt động và kinh doanh có lợi nhuận. Tiêu biểu là Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sau 11 năm "đóng băng" đã tổ chức đốt lửa lần đầu tổ máy số 1 vào ngày 23-3 vừa qua, hướng tới mục tiêu hòa lưới điện vào ngày 30-4 và đốt than lần đầu tổ máy 1 vào ngày 16-6 tới đây.

Cùng với đó, sau hơn 3 năm triển khai Quyết định số 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ kém hiệu quả thuộc ngành công thương (Đề án 1468), ngày 4-11-2021, Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án trên thống nhất đưa 5 dự án ra khỏi danh sách 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.

Cụ thể, với các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương, hiện đã có 1 doanh nghiệp là DAP-1 Hải Phòng thuộc Tập đoàn Hóa chất đã cơ bản khắc phục các tồn tại yếu kém, sản xuất kinh doanh có lãi. 4 dự án, doanh nghiệp khác thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (gồm Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất và Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ) cơ bản không còn vướng mắc về cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của cơ quan Nhà nước.

Xử lý các dự án yếu kém đã có kết quả tích cực ​ ảnh 1 Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, đến nay, các dự án đã không còn vướng mắc về cơ chế chính sách. Đã có 5 dự án đưa ra khỏi danh mục theo dõi của Ban Chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ. Cả 5 dự án được đưa ra đều xử lý các vướng mắc cho doanh nghiệp theo hướng bám sát thị trường, tôn trọng pháp nhân doanh nghiệp… chứ không can thiệp thô bạo. Các dự án được xét trên, dưới, xuôi, ngược vẫn theo tôn chỉ hiệu quả thu về, phân loại từng dự án, nhóm dự án. Đặc biệt với những dự án có khả năng phục hồi, nhìn thấy triển vọng hiệu quả và ổn định, sẽ được tập trung xử lý sớm…

“Đây là một quá trình dài. Bộ Công thương đã tập trung xử lý cao độ và có những tranh luận, thảo luận, đến năm 2021 đã rõ hơn. Đây cũng là cơ sở để đưa các dự án ra khỏi diện theo dõi. Từ đây tạo sự chủ động cho doanh nghiệp hoạt động”, ông Hồ Sỹ Hùng nói.

Trong khi đó, các dự án không còn khả năng khắc phục vì các lý do như sản phẩm đưa ra không còn thị trường, không cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu thì xử lý tài chính, cơ cấu vốn, giải pháp cuối cùng là phá sản. 

Xử lý các dự án yếu kém đã có kết quả tích cực ​ ảnh 2 Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công thương

Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công thương cũng khẳng định, đến nay một số dự án đã được đưa ra khỏi danh mục các dự án yếu kém. Một số dự án đã có khởi sắc thực sự.

Theo Thứ trưởng, xử lý các dự án thua lỗ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở cấp cao nhất đã có sự chỉ đạo rất sát sao và quyết liệt. Những vấn đề liên quan tới chính sách, cơ chế đã căn bản được tháo gỡ và đấy cũng là cơ sở để chúng ta báo cáo Bộ Chính trị xử lý bước đầu các dự án. Chưa có nhóm dự án nào mà Bộ Chính trị 2 lần nghe báo cáo tình hình. Quốc hội cũng có Nghị quyết số 33 từ năm 2016 (Quốc hội khóa XIV) về vấn đề này. Với tư cách tham mưu cho Chính phủ, Bộ Công thương đã rà soát các dự án và báo cáo với Chính phủ lập 1 ban chỉ đạo để xử lý các dự án này. Trong quá trình xử lý, Chính phủ khóa trước và khóa này đã có tới 20 cuộc họp để chỉ đạo. Sự tham gia của các bộ, ngành gồm Công thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp cũng rất sát sao. 

Tin cùng chuyên mục