Xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng chậm và thiếu sự phối hợp

Xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng chậm và thiếu sự phối hợp

Tại Hội nghị ngành thanh tra toàn quốc mới đây, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, trong phát biểu đánh giá kết quả công tác thanh tra năm 2008, đã nhấn mạnh đến những tồn tại về phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong giải quyết những vụ việc sau thanh tra có dấu hiệu tham nhũng.

Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền bức xúc: “Hàng chục vụ việc có dấu hiệu tham nhũng với số tiền phát hiện lên đến hàng ngàn tỷ đồng mà cơ quan thanh tra các cấp chuyển sang cơ quan điều tra những năm qua, tới nay mới chỉ xử lý được vài vụ”. Do đâu có tình trạng này?

Chuyển sang cơ quan điều tra là...…“chìm xuồng”?
 

Xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng chậm và thiếu sự phối hợp ảnh 1

“Khu đất vàng” 171 Kinh Dương Vương hoang phế nhiều năm, vụ việc được chuyển qua cơ quan điều tra từ năm 2007, đến nay vẫn “im lặng”. Ảnh: H.N.

Vụ “Khu đất 1.400 lượng vàng, bán… 500 triệu đồng” mà chúng tôi đã nhiều lần phản ánh, được cho là kỷ lục về thời gian xem xét xử lý theo pháp luật từ khi cơ quan thanh tra chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.

Sau khi Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Chánh Thanh tra TPHCM có kết luận về sai phạm của 9 cán bộ tại huyện Bình Chánh (cũ) đã “giúp sức” cho Thạch Thị Sary được hợp thức hóa, sau đó chuyển nhượng khu đất có diện tích hơn 1.500m² tại 171 Kinh Dương Vương phường An Lạc (quận Bình Tân) mà ông Trang Văn Minh nhờ đứng tên, ngày 20-12-2007, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã ký văn bản chỉ đạo chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật. Mặc dù 9 cán bộ sai phạm trên, trong đó có nguyên Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Tường sau đó đã bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo, cách chức, đến khai trừ Đảng, song vụ việc đến nay vẫn “im hơi lặng tiếng”.
 
Hay vụ mất hàng ngàn ha đất rừng ở huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) mà PV Báo SGGP đã điều tra đưa ra ánh sáng cách nay hơn 2 năm, hiện cũng đang có dấu hiệu “chìm xuồng”. Vào tháng 12-2007, sau khi Tổng Thanh tra Chính phủ kết luận vụ việc, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu chuyển hồ sơ sang Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố, điều tra vụ án.

Sau đó, nhiều cán bộ của huyện Trảng Bom và Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Đông Nam bộ đã bị thi hành kỷ luật và hàng trăm ha đất cấp trái quy định được thu hồi, thế nhưng vụ việc thì vẫn “im lặng”. Mới đây, khi Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ ra các văn bản “thúc” điều tra, xử lý vụ việc, Công an tỉnh Đồng Nai lại trả lời…. “không thuộc thẩm quyền”.
 
Mới đây nhất là sai phạm ở Dự án đầu tư xây dựng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức) và Công ty Cofidec. Kết luận thanh tra đã chỉ ra sai phạm ở 2 đơn vị này với con số thiệt hại hơn 100 tỷ đồng, Chủ tịch UBND TPHCM cũng đã chỉ đạo chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật. Thế nhưng, gần 1 năm qua vụ việc vẫn “im lặng” và đang có dấu hiệu “chìm xuồng”.
 
Đó là những vụ điển hình mà qua theo dõi chúng tôi nắm được. Trên thực tế, như báo cáo của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2007 đến nay có 46 vụ việc sau thanh tra phát hiện có dấu hiệu tham nhũng chuyển sang cơ quan điều tra, nhưng chỉ có 1 vụ được khởi tố điều tra.

Tương tự, tại TPHCM trong 2 năm qua, ngành thanh tra chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra 18 vụ phát hiện có dấu hiệu phạm tội, nhưng cũng chỉ khởi tố được 1 vụ. Số vụ còn lại đều có dấu hiệu “chìm xuồng”, hoặc việc xem xét điều tra rất chậm, thậm chí có nhiều vụ bị trả hồ sơ với lý do “không rõ ràng”.
 
Thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan
 
Thông tư Liên tịch 03 ngày 23-5-2006 giữa Viện KSNDTC, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về quan hệ phối hợp trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ có dấu hiệu tội phạm do cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố, quy định: “Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày phát hiện dấu hiệu tội phạm, cơ quan thanh tra phải chuyển hồ sơ vụ việc đó và kiến nghị khởi tố đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để xem xét khởi tố hình sự”.

Trên thực tế, theo Chánh Thanh tra TPHCM Lâm Xuân Trường, quy định này đã không được phối hợp thực hiện tốt giữa các cơ quan liên quan. Cụ thể, nhiều vụ việc có dấu hiệu phạm tội, cơ quan thanh tra kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, nhưng không được cơ quan hành chính cùng cấp chấp thuận, coi như không thực hiện được.

Trong khi đó, Thông tư liên tịch 03 lại quy định cơ quan thanh tra sau khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu phạm tội được tổ chức họp liên ngành để ra văn bản kiến nghị cơ quan điều tra có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự. Chính vì vậy, để đưa một vụ có dấu hiệu tham nhũng ra trước pháp luật phải có sự phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành. Đây là nguyên nhân khiến cho việc xử lý các vụ có dấu hiệu tham nhũng thời gian qua bị chậm và kéo dài.
 
Theo quy định: “Cơ quan điều tra có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ do cơ quan thanh tra chuyển đến và trong vòng 20 ngày phải ra các quyết định khởi tố vụ án, hoặc không khởi tố vụ án”. Trên thực tế, thủ tục này đã bị bỏ qua, hoặc có ra văn bản phản hồi cũng phải mất nhiều năm sau. Việc phối hợp giữa cơ quan thanh tra và Viện KSND trong kiến nghị khởi tố các vụ có dấu hiệu phạm tội, nhiều nơi cũng thực hiện chưa nghiêm, dẫn đến nhiều vụ có dấu hiệu phạm tội bị “chìm xuồng”.
 
Từ thực tế trên, Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền kiến nghị, các đơn vị liên quan cần kiểm điểm, đánh giá lại việc thực hiện Thông tư liên tịch 03 để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, bất hợp lý. “Việc xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng phải được phối hợp một cách hiệu quả giữa các cơ quan liên quan. Không thể để nhiều vụ việc đã thanh tra phát hiện sai phạm, nhưng lại bị “chìm xuồng” như thời gian qua” – Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền nhấn mạnh.

MINH ĐỨC

Tin cùng chuyên mục