Theo Khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ, không được điều khiển ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng sau khi đã dùng thức uống có cồn; và không được điều khiển mô tô, xe gắn máy khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/lít khí thở.
Việc điều khiển phương tiện giao thông sau khi dùng thức uống có cồn gây ra tai nạn giao thông có thể bị xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ dân sự. Đối với các quy định liên quan đến xử phạt hành chính, theo Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), mức xử phạt tiền cao nhất có thể lên đến 20 triệu đồng, ngoài ra còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu giấy phép lái xe. Trong trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm các quy định cấm về nồng độ cồn gây ra tai nạn giao thông hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Nếu tai nạn do người điều khiển giao thông gây ra trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác thì có thể bị phạt tù từ 3 - 10 năm.
CSGT TPHCM thử nồng độ cồn lái xe trên đường Phạm Hùng (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM)
Ngoài ra, người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm các quy định cấm về nồng độ cồn gây ra tai nạn giao thông còn phải chịu trách nhiệm dân sự do gây thiệt hại về sức khỏe đối với người khác. Cụ thể là phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc, thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại. Và còn phải bồi thường những thiệt hại khác như bù đắp tổn thất về tinh thần (do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định).
Với những hậu quả như trên, việc điều khiển phương tiện giao thông tham gia giao thông sau khi uống rượu bia là một hành vi hết sức nguy hiểm, gây ra thiệt hại, tổn thất cho người khác và có thể dẫn đến những hệ quả đáng tiếc cho bản thân mình. Do đó, để đảm bảo an toàn cho chính mình, và cho người khác, sau khi uống rượu, bia nên sử dụng các phương tiện khác để di chuyển, như taxi, xe buýt, nhờ người thân chở đi…
Luật sư LÊ HÀ HÒA HIỆP
(Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)