Xử lý nghiêm tình trạng sản xuất, buôn bán và đốt pháo

Báo SGGP vừa có bài viết phản ánh về tình trạng chế tạo, buôn bán pháo nổ gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của nhiều người.

Hầu như năm nào cũng vậy, hễ cứ vào dịp Tết Nguyên đán là báo chí và các phương tiện truyền thông lại đưa tin về việc cơ quan chức năng triệt phá các vụ vận chuyển, sản xuất, buôn bán pháo nổ… Phổ biến hơn cả là vào đêm giao thừa, song hành với vầng sáng của pháo hoa của đại đa số các gia đình thì tiếng pháo nổ vẫn vang lên ở nhiều nơi, mặc dù đã có không ít trường hợp bị bắt và bị xử lý.

Việc người dân vẫn mua được pháo nổ một cách dễ dàng để đốt trong dịp tết, nhất là vào thời khắc giao thừa, thì hẳn nhiên trách nhiệm thuộc về ngành quản lý thị trường cũng như các cơ quan chức năng có liên quan, khi đã để cho pháo nổ… “lọt lưới”.

Để dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tới đây, cũng như nhiều năm sau này, không còn tình trạng sản xuất, buôn bán và đốt pháo nổ, các ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần phối hợp đồng bộ, thường xuyên ra quân nhằm ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán, tàng trữ và đốt pháo nổ.

Lực lượng an ninh tại các địa phương cần tăng cường tuần tra, kiểm soát địa bàn, khi phát hiện những trường hợp sản xuất, buôn bán, tàng trữ và đốt pháo nổ thì phải phạt nặng, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để tạo sức nặng răn đe.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền đối với việc sản xuất, buôn bán và đốt pháo nổ, đặc biệt là tác hại, sự nguy hiểm của pháo nổ gây ra…, cũng rất cần thiết và phải được thực hiện thường xuyên.

Với các địa phương, trên hệ thống phát thanh, truyền thanh các cấp huyện, xã, thôn bản…, nên tăng thời lượng tuyên truyền về chỉ thị cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo nổ của Chính phủ để người dân hiểu, tuân thủ và thực hiện nghiêm chỉnh.

Ngoài ra, cũng nên đưa chỉ thị cấm đốt pháo nổ vào trường học đan xen trong các các giờ sinh hoạt lớp, chào cờ đầu tuần, để giáo dục học sinh hiểu về tác hại của việc đốt pháo nổ.

Tin cùng chuyên mục