Đốt pháo trái phép bị phạt nặng

LTS: Sau khi Báo SGGP đăng bài “Chợ pháo” đại náo trên mạng và “Chợ pháo” đua nhau... bán tháo, mở diễn đàn “Cấm triệt để hay không cấm đốt pháo hoa”, Tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, trong đó có rất nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước nên cấm triệt để việc người dân đốt pháo hoa, để tránh việc lợi dụng chủ trương, buôn bán pháo lậu, gây mất an ninh trật tự. Báo SGGP tiếp tục trích đăng ý kiến của cơ quan quản lý, chuyên gia và bạn đọc xung quanh vấn đề này.

* Thiếu tướng PHÙNG ĐỨC THẮNG, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an:

Đốt pháo nổ là vi phạm pháp luật

Việc quản lý pháo chúng ta đã thực hiện theo Chỉ thị số 406-TTg ngày 8-8-1994 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, chúng ta còn có thêm Nghị định 137 năm 2020 về quản lý, sử dụng pháo. Theo Chỉ thị 406, kể từ ngày 1-1-1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa). Trẻ em dưới 16 tuổi vi phạm thì bố mẹ hoặc người nuôi dưỡng phải chịu trách nhiệm, bồi thường thiệt hại hoặc nộp tiền phạt hành chính.

Còn theo Nghị định 137, đối với pháo nổ (bao gồm pháo nổ và pháo hoa nổ) là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, khi sử dụng gây ra tiếng nổ. Các loại pháo này bị nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng. Trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng giao theo quy định.

Đối với pháo hoa (không nổ) là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi sử dụng (đốt) phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và không gây ra tiếng nổ. Đối với loại pháo này, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì có thể mua tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa (thuộc Bộ Quốc phòng) để sử dụng trong các trường hợp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật...

Về một số ý kiến cho rằng loại pháo được phép bán trên thị trường do Nhà máy Z121 sản xuất, khi đốt xuất hiện tiếng nổ là có sự nhầm lẫn. Nguyên tắc của pháo hoa Z121 là thuốc có màu sắc, ánh sáng cùng với các chất hóa học khác nhau để tạo ra màu sắc; thuốc đó người ta gọi là thuốc cháy. Muốn đẩy thuốc cháy lên được phải có thêm thuốc phóng, khi đẩy thuốc cháy lên trên thì tạo ra tiếng rít và âm thanh. Đây không phải pháo nổ tiếng to như pháo Trung Quốc (đang nhập lậu, bán trái phép trên thị trường).

Trong dịp tết năm nay, lực lượng công an sẽ triển khai xuống địa bàn cơ sở để tuần tra, kiểm soát, phòng ngừa, ngăn chặn người dân đốt pháo nổ. Hiện công an các địa phương cũng đang tích cực nắm địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm về pháo, chế tạo pháo để xử lý theo pháp luật.

Pháo nhập lậu bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ

Pháo nhập lậu bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ

* Luật sư NGUYỄN THỊ TUYẾT, nguyên Thẩm phán cao cấp Tòa án Quân sự Trung ương:

Chỉ Bộ Quốc phòng mới được sản xuất, kinh doanh pháo hoa

Nghị định 137 năm 2020 đã cho phép người dân được sử dụng pháo hoa nhưng chỉ là pháo hoa không nổ và vẫn cấm sử dụng các loại pháo gây ra tiếng nổ. Do đó, nếu người dân không hiểu đúng các quy định của Nghị định 137 thì sẽ rất dễ vi phạm pháp luật khi sử dụng pháo hoa, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mặc dù được phép sử dụng pháo hoa không nổ nhưng người sử dụng phải đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Cũng theo quy định, kinh doanh pháo hoa phải là cơ quan, tổ chức thuộc Bộ Quốc phòng, được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ đó và được cơ quan công an có thẩm quyền cấp giấy phép để bảo đảm điều kiện về an ninh trật tự, các điều kiện phòng cháy chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó và bảo vệ môi trường.

Còn về sản xuất, theo quy định hiện nay, chỉ các tổ chức, doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ mới được nghiên cứu, sản xuất. Và chỉ các tổ chức, doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng mới được phép kinh doanh các loại pháo hoa để bán cho người dân.

* Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC:

Cho sử dụng nhưng trong giới hạn

Tôi nghĩ rằng sau 2 năm việc phục hồi một phần việc sử dụng pháo ngày tết là điều đáng mừng. Bởi bắn pháo là truyền thống không chỉ riêng của nước ta mà của nhiều nước. Thời điểm chúng ta phải cấm pháo cũng là bất khả kháng, vì lúc đó việc đốt pháo gây ra nhiều hệ lụy xã hội, nhất là do pháo giả nhiều.

Tuy nhiên, nếu chúng ta quản lý xã hội tốt, sản xuất được pháo có chất lượng thì việc phục hồi cũng là điều đáng mừng vì pháo không phải là sản phẩm xa lạ với xã hội. Nhưng đi đôi với đó cần phải là nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sử dụng và người sản xuất. Tôi đánh giá cao việc phục hồi, cho phép sử dụng lại một số loại pháo hoa nhưng trong giới hạn và do Nhà nước sản xuất, quản lý. Để đảm bảo an toàn, cần tiếp tục ngăn chặn triệt để pháo nhập lậu vào Việt Nam.

Phân biệt pháo nổ và pháo hoa

- Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.

- Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ. Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90mm hoặc tầm bắn trên 120m.

- Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

(Khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP)


Các mức phạt hành vi đốt pháo trái phép

1. Mức xử phạt hành chính đối với hành vi đốt pháo:

Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP, mức xử phạt hành chính đối với hành vi đốt pháo trái phép là từ 5-10 triệu đồng.

2. Trách nhiệm hình sự với các hành vi vi phạm về sử dụng pháo:

* Xử lý theo hành vi gây rối trật tự công cộng

Căn cứ Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), người nào sử dụng pháo gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Đối với tội danh này, người phạm tội có thể bị phạt cao nhất đến 7 năm tù.

* Xử lý theo hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ

Theo quy định tại Điều 305 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ có thể bị phạt tù từ 1-5 năm, cao nhất có thể bị phạt tù từ 15-20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1-5 năm.

* Xử lý theo hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm

Đối với các hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ nếu không thuộc trường hợp theo quy định tại Điều 305 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm.

Mức phạt đối với các hành vi này có thể lên đến 15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

BAN CTBĐ-CTXH

Tin cùng chuyên mục