Không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu là kiến nghị được tập hợp từ nhiều tổ đại biểu tại các cuộc thảo luận tổ về tình hình kinh tế ngân sách, mặc dù trước đó, nội dung “dành một phần chi ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước” đã được rút ra khỏi báo cáo của Chính phủ trước khi trình Quốc hội.
Không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu là kiến nghị được tập hợp từ nhiều tổ đại biểu tại các cuộc thảo luận tổ về tình hình kinh tế ngân sách, mặc dù trước đó, nội dung “dành một phần chi ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước” đã được rút ra khỏi báo cáo của Chính phủ trước khi trình Quốc hội.
Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 30-10, TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, tiếp tục nhấn mạnh và làm rõ quan điểm này.
- Phóng viên: Thưa ông, hiện có nhiều người cho rằng nợ xấu đã trở thành một căn bệnh nan y và gần như không có giải pháp nào hữu hiệu. Ông nghĩ sao?
>> ĐBQH TRẦN DU LỊCH: Tôi không cho rằng không gỡ được. Nhưng quả thực tiến trình xử lý nợ xấu vẫn còn rất vướng ở nhiều khâu. Việc phải làm ngay chính là tháo gỡ cơ chế để các chủ nợ có thể bán tài sản thế chấp. Cứ như hiện nay thì có khi đến 5 - 7 năm họ cũng không bán được do thủ tục phức tạp. Mặt khác, giá trị thế chấp trước đây 100 đồng, bây giờ thị trường chỉ còn đáng 30 đồng thì cũng phải bán đi, chứ không thì mất trắng. Và nguyên tắc xử lý phải là nợ xấu chia đều cho 2 đối tượng. Một là chủ cho vay (ngân hàng thương mại) và hai là người đi vay. Để giải tỏa nợ xấu, những giải pháp đều đã được đưa ra hết rồi, vấn đề chỉ là triển khai thực hiện thôi.
- Trong số các giải pháp đưa ra, có việc tăng vốn cho Công ty Quản lý tài sản, nhưng ý kiến các ĐBQH đã đề nghị không sử dụng ngân sách và sau khi cân nhắc, Chính phủ cũng đã rút lại đề nghị dành một phần chi ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu. Ý kiến ông thế nào?
Tôi cũng nhiều lần yêu cầu không dùng ngân sách. Không phải là vì Chính phủ hết tiền, mà ngân sách không thể sử dụng cho việc đó. Chúng ta có nhiều quỹ tập trung, như Quỹ cổ phần hóa, tiền lấy ra được nhờ thoái vốn ở các doanh nghiệp nhà nước, hoàn toàn có thể mượn đó vài chục ngàn tỷ đồng. Xử lý xong nợ xấu lại trả lại.
- Đấy là trong trường hợp bán được nợ xấu. Mà trong bối cảnh kinh tế hiện nay, liệu có bán được không, kể cả bán cho nhà đầu tư nước ngoài?
Vậy mới cần phải tháo gỡ về khung pháp lý, thủ tục hành chính. Điểm nghẽn ở đó, chứ không phải nghẽn ở thị trường; thị trường có bán là có mua, chỉ là với giá nào. Như nhà đầu tư nước ngoài, mua rồi có bán được tài sản thế chấp không. Việc này liên quan khá chặt chẽ đến Luật Kinh doanh bất động sản, nếu được thông qua kỳ này thì giữa năm tới luật này mới có hiệu lực. Một loạt vấn đề khác nữa liên quan Bộ luật Dân sự, cũng phải sửa đổi, bổ sung... Tôi đề nghị phải xây dựng một luật sửa nhiều luật để gỡ tất cả những cái này. Gỡ được, nhất định nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia.
- Cảm ơn ông!
ANH THƯ thực hiện
|
|
* Bộ trưởng Bộ Tài chính ĐINH TIẾN DŨNG: Nợ công sẽ bắt đầu giảm từ năm 2017 Tham gia phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã dành toàn bộ thời gian để báo cáo thêm vấn đề quản lý nợ công và khẳng định các chỉ tiêu quản lý nợ của Việt Nam hiện vẫn trong giới hạn cho phép (nợ Chính phủ và nợ nước ngoài dưới 50%, nợ công dưới 65%). Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận, nợ công tăng nhanh cả về số tuyệt đối và tỷ lệ. Mặc dù Việt Nam luôn đảm bảo trả đầy đủ, kịp thời các khoản đến hạn, không phát sinh nợ xấu, tỷ lệ vay trong nước tăng lên, song cơ cấu nợ hiện không bền vững, phần lớn các khoản vay trong nước là ngắn hạn, phải phát hành trái phiếu đảo nợ với tổng số tiền dự toán trong vòng 3 năm qua khoảng 137.000 tỷ đồng. Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, mục tiêu đặt ra là giữ mức khống chế trần nợ công không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 55% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Chính phủ đưa ra phương án tăng GDP giả định: năm 2015 là 6,2%, năm 2016 là 6,5%, năm 2017 là 6,7%, năm 2018 là 6,8%, năm 2019 là 6,9% và năm 2020 là 6,8%. Lạm phát năm 2015 là 5%, và từ năm 2016 đến năm 2020 sẽ điều hành ở mức 5% - 6%. Bội chi ngân sách năm 2015 là 5% GDP và từ năm 2016 giảm dần tới năm 2020 còn 4% GDP. Theo đó, chỉ tiêu nợ công trong giai đoạn 2015 - 2020 được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng báo cáo như sau: năm 2015 nợ công ở mức 64% GDP, tới năm 2016 là 64,9%, năm 2017 là 64% và giảm dần đến 2020 là 60,2%. * Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng: Năm 2014 không tăng giá điện Chính phủ yêu cầu giá điện theo cơ chế thị trường nhưng thời điểm hiện nay, việc điều chỉnh giá điện cũng phải dựa trên tình hình kinh tế - xã hội, phải tính đến tác động đến đời sống của người dân, người thu nhập thấp và sự khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp ở thời điểm này. Từ tháng 8-2013, giá điện đã không thay đổi, dù từ thời điểm đó đến nay, việc kinh doanh của EVN có thua lỗ nhất định. Việc không điều chỉnh giá điện trong năm nay đã góp phần tích cực đến yêu cầu kiềm chế lạm phát, không gây thêm khó khăn cho đời sống người có thu nhập thấp và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì đến năm 2015, giá điện sẽ phải điều chỉnh hoàn toàn theo giá thị trường. Từ năm 2016, giá điện sẽ biến động, có tăng nhưng cũng có khả năng giảm. Dù điều chỉnh giá điện để đảm bảo bài toán kinh doanh cho doanh nghiệp, nhưng vẫn phải tính đến hỗ trợ cho người nghèo, người thu nhập thấp và các đối tượng chính sách khác. | |
|
|