Thêm một công dụng nữa của giấy tái chế được nhóm sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM nghiên cứu thành công và giới thiệu: đó là hút dầu loang trên biển. Hiện nhóm nghiên cứu đang tiếp tục hoàn thiện cũng như tìm kiếm nhà đầu tư đỡ đầu để sớm đưa sản phẩm ra thị trường.
Sản phẩm có tên vật liệu xốp, với thành phần chính chủ yếu là cellulose (lấy từ giấy tái chế), NaOH, urea và nước. Đây là những nguyên liệu rất dễ tìm kiếm trên thị trường. Theo bạn Ngô Thị Thu Thảo, trưởng nhóm nghiên cứu, quy trình nghiên cứu không quá phức tạp. Giấy tái chế được cắt sợi, phối trộn với các thành phần trên theo tỷ lệ nhất định rồi xay nhỏ. Hỗn hợp được nhóm “đồng hóa” làm mịn thêm sợi cellulose, giúp liên kết của hỗn hợp này trở nên vững chắc hơn. Hỗn hợp sau đó qua các công đoạn làm đông, rã đông, ngâm với ethanol và sấy khô để ra thành phẩm.
“Để sản phẩm thân thiện với môi trường, nhóm đã xử lý qua rất nhiều phương pháp. Trong đó, quá trình ngâm nhằm rửa sạch lượng urea còn thừa cũng như lượng ethanol đã ngấm vào trong vật liệu. Quá trình sấy đảm bảo cho vật liệu đạt được độ ổn định và tăng khả năng hút dầu”, bạn Thân Thị Mai, thành viên nhóm nghiên cứu, lý giải. Cũng theo Mai, vật liệu tạo ra hướng đến mục tiêu sử dụng hiệu quả và dễ dàng. Bởi chỉ cần bỏ tấm vật liệu xốp này lên trên mặt nước có dầu, trong vài phút vật liệu xốp sẽ tự động hút dầu và trả lại môi trường nước như bình thường. Nhờ đặc tính hút chất lỏng của giấy tái chế, tấm xốp có khả năng hấp thụ dầu lên tới 17 lần khối lượng của nó. Tuy nhiên, để hạn chế tấm xốp hút quá nhiều nước thay vì dầu, sản phẩm còn được bổ sung tính kỵ nước. Sau khi hấp thụ no dầu, sản phẩm có thể tái sử dụng dễ dàng thông qua việc ép dầu đã hút ra khỏi miếng vật liệu.
Tiến sĩ Phạm Hải Định, Trưởng phòng Quản lý sau đại học, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, đánh giá tình trạng ô nhiễm dầu hiện gây ảnh hưởng nặng nề cho môi trường biển và các hệ sinh thái. Màng dầu làm giảm khả năng trao đổi ôxy giữa không khí và nước, khiến cán cân điều hòa ôxy trong hệ sinh thái bị đảo lộn, phá hủy cấu trúc tế bào sinh vật, dễ gây chết cả quần thể sống xung quanh.
Tuy nhiên, do các hoạt động hàng hải ngày càng tăng, các tai nạn hàng hải và tình trạng rò rỉ dầu trong quá trình khai thác hải sản đã khiến dầu lan trên biển và dạt vào bờ ngày càng nhiều. Trong thời gian dài, công tác thu gom dầu không hiệu quả làm ô nhiễm môi trường biển. Tại Việt Nam, trong gần 20 năm trở lại đây đã xảy ra hơn 100 vụ tràn dầu do tai nạn tàu, mỗi vụ đổ ra biển hàng chục đến hàng trăm tấn dầu. Tuy nhiên, việc sử dụng các sản phẩm hấp thụ để giải quyết việc thu gom dầu loang đang gặp rất nhiều khó khăn do phải nhập từ nước ngoài về với chi phí khá cao.
Trước thực tế đó, theo tiến sĩ Phạm Hải Định, việc các bạn trẻ trong nước nghiên cứu và chế tạo thành công tấm xốp hút dầu, mở ra khả năng xử lý ô nhiễm dầu trên biển với giá rất rẻ. Nếu được mở rộng ra quy mô công nghiệp, sản phẩm này có thể giải quyết được nỗi lo trong những sự cố môi trường về ô nhiễm dầu đang xảy ra hết sức thường xuyên ở thời đại công nghiệp ngày nay.
GIA QUẢNG