Việc sản xuất, kinh doanh hàng giả là hành vi vi phạm pháp luật. Đối tượng bị làm giả nhiều nhất là nhãn hiệu, theo khoản 1 Điều 212 Luật Sở hữu trí tuệ gọi là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Nhãn hiệu là một trong những đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Việc bảo hộ này được thực hiện thông qua thủ tục đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Khi một chủ thể tiến hành đăng ký nhãn hiệu và được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (hay còn gọi là văn bằng bảo hộ) thì chủ thể đó, với tư cách là chủ sở hữu nhãn hiệu có độc quyền để sử dụng, khai thác và định đoạt đối với nhãn hiệu đăng ký và có quyền ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu của mình. Lúc này, mọi hành vi sử dụng nhãn hiệu mà không được sự cho phép của chủ sở hữu đều là hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Như vậy, hành vi tự ý sử dụng các nhãn hiệu sẵn có trên thị trường rồi gắn vào sản phẩm, hàng hóa do mình tự sản xuất để bán tràn lan trên thị trường chính là hành vi được định danh pháp lý là sử dụng nhãn hiệu trùng với nhãn hiệu hàng hóa dịch vụ có nhãn hiệu được bảo hộ, từ đó tạo ra các hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Với hành vi xâm phạm này, theo quy định tại Điều 199 Luật Sở hữu trí tuệ, người sản xuất, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu có thể bị chủ sở hữu xử lý bằng các biện pháp thông qua con đường: dân sự, hành chính, hoặc hình sự tùy vào tính chất, mức độ xâm phạm. Bằng con đường dân sự, chủ sở hữu có quyền yêu cầu tịch thu và tiêu hủy toàn bộ các hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, đồng thời, yêu cầu người thực hiện hành vi xâm phạm phải bồi thường những thiệt hại vật chất do hành vi xâm phạm gây ra. Bằng con đường hành chính, chủ sở hữu có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra, kiểm tra. Trên cơ sở đó, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu có thể bị tịch thu, thậm chí là tiêu hủy, và người thực hiện hành vi xâm phạm sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền tùy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Nghị định 185/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính đối với người sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm quy định mức phạt tiền từ 30-35 triệu đồng đối với các cá nhân thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Nếu mức độ vi phạm đủ cấu thành tội phạm hình sự theo Điều 156 Bộ luật Hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả, người thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả còn bị phạt tù với mức thấp nhất là 3 tháng và cao nhất lên đến 15 năm, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm.
Có thể thấy pháp luật đã đặt ra các chế tài mang ý nghĩa trừng trị, răn đe đối với các chủ thể có hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Các cơ quan quản lý nhà nước cần phải thực hiện công tác kiểm tra, xử lý nghiêm túc và chặt chẽ hơn nữa để ngăn chặn vấn nạn này. Bên cạnh đó, các chủ thể sản xuất kinh doanh cần chủ động bảo vệ nhãn hiệu hay các đối tượng sở hữu công nghiệp khác mà mình sở hữu bằng việc xin cấp văn bằng bảo hộ để được bảo vệ bằng pháp luật. Cần nghiêm chỉnh thực hiện đúng quy định pháp luật nói chung và quy định về sở hữu trí tuệ nói riêng để đảm bảo sự vận hành của nền kinh tế, không bị ảnh hưởng bởi các hành vi tiêu cực như vấn nạn hàng giả.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG
(Văn phòng luật sư PHANS)