Xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè - Cần cuộc “ra quân” trường kỳ

Xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè - Cần cuộc “ra quân” trường kỳ

Sau gần một tháng UBND quận 1 quyết liệt triển khai xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè trái phép, ghi nhận của phóng viên Báo SGGP cho thấy động thái này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của đại đa số người dân. Hàng loạt vỉa hè đã được thông thoáng… Người dân chỉ còn một chút băn khoăn: Liệu cơ quan chức năng có “đánh trống bỏ dùi”, làm theo kiểu phong trào rồi sau đó đâu lại vào đấy?

Buôn bán chiếm hết vỉa hè, người chờ mua hàng đậu xe chiếm lòng đường trước hộ 49 đường Cô Giang, quận 1, TPHCM chiều 27-2 Ảnh: THÀNH TRÍ

Đồng tình, ủng hộ

Vỉa hè trên đường Trần Quang Khải những ngày này đã thông thoáng. Xe cộ được xếp ngay ngắn trong phạm vi cho phép. Những bậc thang trước mặt tiền nhà lấn ra vỉa hè đã bị đập bỏ và được sửa chữa, chỉnh trang gọn gàng, sạch sẽ. Khi được hỏi về chủ trương của quận trong việc lập lại trật tự, trả vỉa hè cho người đi bộ, anh Nguyễn Tuấn (nhà kế bên số 113 đường Trần Quang Khải) nói: “Tôi hoàn toàn ủng hộ. Làm như vậy để đường phố thông thoáng, sạch đẹp, ai không thích”. Anh Nguyễn Tuấn còn thật tình chia sẻ: “Để tiện dắt xe vào nhà, trước đây tôi có xây thêm cái gờ trước cửa nhà. Nay tôi đã đập bỏ rồi. Tôi mới đặt làm cái gờ di động bằng thép để dắt xe vào nhà. Mỗi lần vào nhà xong phải quay ra cất cái gờ, hơi cực chút, nhưng UBND quận 1 làm đúng thì mình phải ủng hộ thôi”.

Vỉa hè thông thoáng, gọn gàng, theo anh Nguyễn Tuấn, không chỉ có anh mà nhiều người hàng xóm cũng thích. Tuy nhiên, anh Nguyễn Tuấn cho rằng, nhằm tạo điều kiện người dân buôn bán, quận nên nghiên cứu bố trí bãi gửi xe. Không nên cho để xe trên vỉa hè vì khi khách đến nhiều, chủ các cửa hàng sẽ vin vào lý do này để đậu xe lấn ra vỉa hè. UBND quận 1 cũng nên xây dựng nhà vệ sinh công cộng và lắp đặt thùng rác, vì trên suốt tuyến đường Trần Quang Khải chưa có dịch vụ này. Vỉa hè không những thông thoáng mà còn cần sạch sẽ nữa.

Dù mưu sinh trên vỉa hè nhưng anh Trần Đức, bán giày cũ trên vỉa hè trước nhà số 111 Trần Quang Khải, rất ủng hộ chủ trương giữ cho vỉa hè thông thoáng, trật tự, ngăn nắp. Anh Đức luôn bày hàng gọn trong phần vỉa hè được cho phép kinh doanh và anh mong muốn TPHCM tạo điều kiện cho những người như anh kinh doanh. Anh chia sẻ: “Tôi bán ở đây gần 14 năm rồi. Thu nhập mỗi tháng được hơn 10 triệu đồng. Cùng với thu nhập của vợ, chúng tôi cũng tạm đủ nuôi hai đứa con ăn học (đứa lớn học lớp 11, đứa nhỏ học lớp 3)”. Trước đây, anh Đức làm nghề sơn nước, tai nạn ập đến khiến anh bị giãn cột sống. Sau nhiều năm chữa trị nhưng bệnh không bớt, anh không thể tiếp tục với công việc nặng nhọc ấy nữa. Anh đành phải chạy xe ôm kiếm sống rồi lân la qua nhiều việc. Anh Đức tâm sự: “Ai cũng mong muốn có một nghề nghiệp tốt để làm ăn. Nhưng cũng tùy từng người, có người có nghề ổn định, có người sức khỏe không cho phép, phải ra vỉa hè buôn bán chứ có ai muốn vậy đâu. Buôn bán vỉa hè phải hứng bụi bặm, khói xe nhiều, mệt lắm!”. Anh Đức mong muốn quận giúp và tạo điều kiện cho những người buôn bán như anh được vào một khu vực nào đó để được ổn định làm ăn.

Hầu hết ý kiến của người dân kinh doanh buôn bán trên địa bàn quận 1 như đường Phạm Ngũ Lão, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Trãi... đều ủng hộ chủ trương chấn chỉnh lòng lề đường của UBND quận 1 và UBND TPHCM. Tuy nhiên, họ cũng mong muốn: Đã làm thì phải làm triệt để chứ đừng làm theo kiểu “chiến dịch” như trước đây.

Tự tháo dỡ công trình xây dựng chiếm vỉa hè góc ngã tư Tôn Thất Tùng - Bùi Thị Xuân quận 1, chiều 27-2. Ảnh: THÀNH TRÍ

Nguy cơ lấn chiếm tiếp diễn

Trong khi lãnh đạo quận 1 cương quyết “trả lại vỉa hè cho người đi bộ”, Chủ tịch UBND TPHCM cũng đã lên tiếng khẳng định việc làm của quận 1 là đúng đắn, song vỉa hè ở nhiều tuyến đường vẫn… tiếp tục bị lấn chiếm, như đường Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi, Lý Tự Trọng, Hai Bà Trưng… Cứ đêm xuống, trên đường Nguyễn Trãi, nhiều hộ kinh doanh ăn uống vẫn vô tư bày hàng tràn ra vỉa hè. Xe máy, ô tô của thực khách đậu đầy dưới lòng đường, lề đường. Người đi bộ phải chật vật lắm mới tìm được đường đi an toàn.

Tương tự, tại đường Phạm Ngũ Lão, mặc dù ban ngày các quán cà phê không bày bàn ra vỉa hè nhưng về đêm, các hộ kinh doanh lại kê bàn ghế lấn chiếm gần hết cả vỉa hè khiến người đi bộ không còn lối đi. Bên cạnh đó, nhân viên các điểm kinh doanh tour du lịch tràn xuống lòng đường để chào mời khách, khiến nhiều khách nước ngoài đi qua khu vực này bức xúc.

Bà Nguyễn Thị Hương, ngụ ở đường Nguyễn Trãi, nói: “Ban ngày những hộ kinh doanh còn ngại, chứ về đêm, họ vô tư chiếm dụng vỉa hè để buôn bán khiến cả một đoạn đường dài gần cây số rất bát nháo”. Theo bà Hương, thời gian qua, quận chỉ mới giải quyết cơ bản tình trạng vỉa hè bị cơi nới, nghĩa là chỉ tháo dỡ những hiện vật cố định nằm trên vỉa hè chứ việc buôn bán tái lấn chiếm vẫn thường xuyên xảy ra. Khi có lực lượng đi kiểm tra thì họ thu dọn gọn gàng, khi đoàn kiểm tra đi qua thì họ lại bày ra buôn bán tiếp.

Một lãnh đạo phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) cho biết: “Phường liên tục triển khai lực lượng trật tự đô thị đi kiểm tra xử phạt đối với các trường hợp buôn bán lấn chiếm lề đường. Anh em làm việc thậm chí đến 11 giờ đêm để xử lý vi phạm. Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra rời đi thì một số hộ lại tái lấn chiếm vỉa hè để buôn bán. Tại những điểm nóng về tái lấn chiếm, phường cử cán bộ theo dõi xử lý thường xuyên để khắc phục”.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông TPHCM Nguyễn Ngọc Tường khẳng định: Dứt khoát phải thực hiện nghiêm chủ trương đường thông, hè thoáng. Chúng ta phải thấy được chủ trương này mang lại lợi ích chung cho đại đa số người dân, được người dân ủng hộ. Không thể nại lý do này nọ để biện minh cho hành động sai trái của một bộ phận rất nhỏ, làm ảnh hưởng và gây thiệt hại đến đại đa số người phải chịu đựng cảnh ùn tắc, lộn xộn.

“Để trả vỉa hè cho người đi bộ, Ban An toàn giao thông TPHCM kiến nghị xử lý người đứng đầu địa phương nếu để tình trạng lấn chiếm vỉa hè diễn ra. Người đứng đầu địa phương phải ra quân, phải trực tiếp kiểm tra và có kế hoạch tuyên truyền cụ thể để người dân nâng cao ý thức chấp hành”, ông Tường cho biết. Không thể nói chính quyền địa phương không biết và không quản lý được vỉa hè, lòng đường của những con đường thuộc địa bàn mình phụ trách.

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục