Một phóng sự khá xúc động trên đài VTV mới đây cho hay, khá nhiều công nhân ở các khu công nghiệp phải đi vay nặng lãi tới 20%/tháng để có tiền mua vé xe về quê, sắm vài món quà tết đơn sơ đem về cho mẹ già, con nhỏ… Trong khi đó, mặc dù mức tăng giá cả tiêu dùng đã được kiềm chế khá tốt trong năm 2013, song đồng lương của họ vẫn không đủ chi dùng cho cuộc sống và tích lũy.
Chúng tôi đã trao đổi nhanh với TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM. Cả hai chuyên gia đều cho rằng, những khó khăn trong cuộc sống của người lao động có nguyên nhân sâu xa không phải từ câu chuyện giá lên hay xuống, mà chủ yếu do những căn bệnh kinh niên của nền kinh tế.
- TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:
Tôi cho rằng nếu so với các quy luật thị trường thì mặt bằng giá cả của chúng ta vẫn còn những chỗ “méo mó”. Chỗ này chỗ khác thì lại không cung cấp đầy đủ thông tin, giải thích minh bạch để công luận và người lao động hiểu được. Lấy ví dụ giá xăng, việc điều chỉnh giá xăng với mục đích tiệm cận với mặt bằng giá thế giới. Hiện tại chúng ta có 13 đầu mối nhập khẩu xăng dầu nên không thể nói là độc quyền được nữa. Nhưng chỉ nói “giá xăng tăng theo thị trường thế giới vì chúng ta phải nhập khẩu” là không đủ; lẽ ra phải nói rõ là dù đã có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, nhưng nhà máy này vẫn phải nhập khẩu dầu thô về để chế biến.
Điện cũng thế, giá điện phải tính đúng, tính đủ. Nhà nước đi vay vốn ODA về sản xuất và phân phối điện, giờ EVN được giao quản lý và trả nợ; nếu cứ kìm giá thì đương nhiên nợ công phải cao. Mà chỉ riêng một động thái điều chỉnh tỷ giá vào năm 2011 thôi đã làm ngành điện bị lỗ đến 23.000 tỷ đồng.
Hay như việc EVN xây nhà ở cho người lao động, cũng không nên có cách nhìn cứng nhắc. Ngân sách cũng còn phải cấp đất, chi tiền để dựng xây nhà ở xã hội cơ mà! Muốn đánh giá việc tăng giá có vô lý hay không, phải nhìn toàn diện. Đừng nên giữ lối tư duy bao cấp kiểu “giá không đổi”. Đã là kinh tế thị trường rồi thì giá cả phải thuận theo quy luật của thị trường, quy luật cung - cầu. Có thể cũng mặt hàng đó nhưng mùa hè giá khác, mùa đông giá khác.
Nhưng đúng là cuộc sống của người lao động rất khó khăn, đến mức xảy ra tình cảnh chua xót như báo chí phản ánh. Vấn đề ở đây là thu nhập của người lao động có đủ để thực hiện theo thị trường hay không.
Giá nhân công trong nhiều lĩnh vực thâm dụng lao động, đặc biệt là dệt may, rất cần được nghiên cứu chi tiết. Đã qua rồi thời kỳ triển khai mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất bằng lợi thế của nhân công giá rẻ. Nhìn lại, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, đến nay chúng ta cơ bản vẫn là sản xuất kiểu gia công lắp ráp. Thế thì làm sao đòi hỏi thu nhập cao cho được?!
- TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM:
Thu nhập của người lao động không đủ sống là hệ quả sâu xa của một nền công nghiệp gia công kéo dài; phát triển dựa trên chi phí lao động rẻ. Đã có những thời điểm mặt bằng sinh hoạt tăng rất cao, mà làm gia công thì ngưỡng chi phí lao động rất thấp. Mình cũng không thể “ép” doanh nghiệp tăng lương vì tỷ lệ chi phí lao động trong giá thành sản phẩm có giới hạn của nó; muốn đảm bảo tính cạnh tranh thì không thể tăng lương cao được. Muốn giải quyết mâu thuẫn buộc phải giải quyết một cách căn cơ, tức là có chính sách giảm dần công nghiệp gia công, phát triển sản xuất linh phụ kiện ngay trong nước, nâng hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm lên. Chỉ bằng cách đó mới nâng tiền lương của người lao động lên được.
Ngay cả sản phẩm công nghệ cao cũng thế, sản phẩm là công nghệ cao, nhưng lao động thì vẫn đơn giản, người đứng trong dây chuyền sản xuất chỉ thực hiện vài động tác đơn giản thôi. Thành ra giá lao động cũng không thể cao được.
Về việc điều chỉnh giá các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, trong đó có giá điện thì tôi đồng ý chủ trương của Chính phủ là phải điều chỉnh giá điện theo hướng tính đúng, tính đủ. Nhưng dư luận đang bức xúc ở chỗ phải minh bạch trong cấu thành giá điện. EVN đang mua điện ở những nguồn cung cấp khác nhau với giá khác nhau, người ta không biết EVN hòa lưới, bán điện như thế nào?...
Thủ tướng yêu cầu phải minh bạch hóa giá điện đã lâu, nhưng tôi thấy chuyện này vẫn làm quá chậm. Hoàn toàn có thể đi từng bước, có lộ trình để tiến tới tính đúng, tính đủ giá điện; công bố rành mạch để các hộ tiêu thụ điện, đặc biệt là các doanh nghiệp, tính toán chi phí, có kế hoạch đổi mới công nghệ, giảm tiêu hao năng lượng...
Ngoài ra, việc tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục cũng cần thiết nhưng đã có trường hợp chọn chưa đúng thời điểm nên gây khó khăn không đáng có cho nhân dân.
| |
CẨM HÀ (ghi)