Sau khi công ước Berne có hiệu lực tại Việt Nam, sách lậu vẫn là căn bệnh nan y. 8 năm thực thi Berne, các đơn vị làm sách đã thử làm nhiều cách để chống sách lậu. Vừa qua, tại TPHCM, Công ty TNHH Văn hóa Sáng tạo Trí Việt (First News) đã đem đến một mô hình chống sách lậu mới, mang lại hiệu quả bất ngờ.
Hù dọa và kiện tụng
First News là một đơn vị chuyên làm sách dịch, trong đó mảng sách quan trọng nhất là sách dạy ngoại ngữ. Năm 2009, đơn vị này phát hiện ra tình trạng nhiều trường dạy ngoại ngữ tại TPHCM đã sao chép các ấn phẩm do mình giữ bản quyền. Thậm chí, có nơi còn lấy sách của First News nhưng sửa lại bìa để biến thành sách độc quyền mà chỉ riêng trường đó mới có. Các bản sách sao chép này có chất lượng rất thấp do chủ yếu là được photocopy, nhưng giá bán thậm chí có nơi còn cao hơn cả sách thật.
Biện pháp xử lý lúc đó của đơn vị cũng như của nhiều nhà làm sách khác, rầm rộ nhờ các cơ quan báo chí lên tiếng, đưa thông tin đến với các cơ quan chức năng, dọa kiện ra tòa… Quả thật, ban đầu các biện pháp này cũng đem lại hiệu quả nhất định. Một trường ngoại ngữ đã đến thương lượng mua sách để đơn vị bỏ qua việc kiện tụng.
Tuy nhiên, đa số các trường, trung tâm khác thì làm lơ, né tránh trách nhiệm và tiếp tục vi phạm. Chính vì thế, tháng 2-2012, First News đã chính thức khởi kiện và đưa ra tòa 2 đơn vị là Trường Anh ngữ Quốc tế Úc Châu và Trường Anh văn Hội Việt Úc.
Ban đầu, nhiều người cho rằng vụ kiện trên chỉ là hình thức, mang tính hù dọa hơn là thực tế.
Tố giác nguồn cung cấp
Mới đây, sau một thời gian thương lượng, Trường Anh ngữ Quốc tế Úc Châu đã chính thức xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại theo yêu cầu của First News với số tiền 380 triệu đồng.
Đây được xem là một thành quả chung của cả cộng đồng trong cuộc chiến chống sách lậu. Rất nhiều học viên, sau khi đọc thông tin trên phương tiện truyền thông đã chủ động tố giác trường có hành vi sử dụng sách sao chép. Tại nhiều diễn đàn trực tuyến, trong phần tư vấn học ngoại ngữ đã ưu tiên dành một phần quan trọng để tư vấn sách học có chất lượng tốt, việc các trường ép mua sách cũng không thể dễ dàng như trước, khi học viên đã biết tìm sách thật ở đâu. Chính vì thế, một số trường đã lựa chọn bắt tay với nhà làm sách, đặt mua sách với số lượng lớn để giảm giá sau đó bán lại cho học viên, vừa có lợi ích kinh doanh vừa tránh được các rắc rối về mặt pháp luật.
Tuy nhiên, kết quả bất ngờ lớn nhất từ vụ việc này lại nằm ở chỗ khác. Theo ông Phước, nhiều trường sau khi thay đổi, bắt tay với nhà làm sách đã tố giác nguồn cung cấp sách lậu, sách sao chép. Thực tế các loại sách này đa số không phải do các trường tự làm, mà được chào bán từ một số đầu nậu chuyên sao chép sách. Các trường đã nêu ra nhiều tên tuổi, địa chỉ làm sách lậu với những bằng chứng cụ thể. Đại diện Sở TT-TT cũng đã tiếp nhận thông tin này để có biện pháp xử lý. Từ thế đối đầu, một số trường, trung tâm đã trở thành đồng minh với nhà làm sách trong cuộc chiến chống sách lậu.
Một hệ quả tích cực khác từ vụ kiện này là từ trước đến nay, trở ngại lớn nhất từ việc kiện bản quyền là chi phí. Với lần này, sau khi trừ đi chi phí doanh nghiệp vẫn còn đến khoảng 100 triệu đồng, số tiền này được dùng làm quỹ học bổng cho học sinh giỏi, thậm chí, chính cả phía phải bồi thường cũng góp một phần vào quỹ. Từ một vụ kiện đã thành một cơ hội để quảng bá tên tuổi, còn lợi nhuận sẽ thu từ việc có thêm khách hàng mua sách. Chính vì thế, khác một số đơn vị thường kiệt sức do quá tốn kém khi chạy theo việc tố tụng, First News lại tiếp tục theo đuổi vụ kiện với đơn vị còn lại là Trường Anh văn Hội Việt Úc.
TƯỜNG VY
Bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan Vừa qua đề án “Tăng cường năng lực quản lý, thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đối với các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam đến năm 2015” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. B.N. |