Xử nghiêm, phạt nặng để giảm tai nạn lao động

Báo SGGP ngày 17-4 đã đăng bài Tai nạn lao động gia tăng báo động, nêu thực trạng số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) ở TPHCM tăng cao. Mới đây, Bộ LĐTB-XH cũng vừa công bố: Trong năm 2017 cả nước đã xảy ra 8.956 vụ TNLĐ, làm 928 người chết, 1.915 người bị thương nặng. Trước thực trạng đó, việc dồn sức kéo giảm TNLĐ đang là vấn đề cấp bách.
Hiện trường vụ tai nạn lao động tại công trình thi công nút giao thông Tân Vạn (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Ảnh: THANH HẢI
Hiện trường vụ tai nạn lao động tại công trình thi công nút giao thông Tân Vạn (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Ảnh: THANH HẢI
Nhiều vụ TNLĐ do lỗi của người sử dụng lao động
Trong số các vụ TNLĐ năm 2017, có những vụ nghiêm trọng như: vụ ngạt khí (ngày 12-1) tại Công ty cổ phần Foodtech chi nhánh Phú Yên làm 5 công nhân chết dưới hầm chứa nước hấp cá; vụ rơi thang máy ngày 22-8 tại công trình xây dựng chung cư Newlife Tower (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) làm 3 người chết; vụ sập giàn giáo ngày 10-9 tại xã Xuân Quang (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) làm 3 người chết, 6 người bị thương; vụ nổ tàu lai dắt ngày 12-11 tại Công ty Đóng tàu Phà Rừng (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) làm 4 người chết...
Qua khảo sát nguyên nhân xảy ra TNLĐ chết người cho thấy có đến 45,41% vụ do lỗi của người sử dụng lao động, như không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, không tổ chức huấn luyện an toàn lao động (ATLĐ), hoặc huấn luyện chưa đầy đủ… 
Là địa phương đang tập trung rất nhiều người lao động làm việc trong nhóm nghề lao động tự do, làm việc trên các công trình xây dựng nhà cao tầng, năm 2017 TPHCM xảy ra số vụ TNLĐ cao nhất nước và có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất (123 người). Hầu hết các vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra tại các công trình đang thi công xây dựng, do té ngã từ trên cao xuống. Nhiều người lao động, nhất là trong các nhóm lao động tự do, do thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức về biện pháp ATLĐ, nên lơ là, bất cẩn trong thi công xây dựng.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành xây dựng cũng xem thường việc tuân thủ các biện pháp đảm bảo ATLĐ trong thi công các công trình cao tầng, như thiếu biện pháp che chắn, lưới phòng hộ, dây treo an toàn, đặc biệt là thiếu tổ chức huấn luyện, đào tạo định kỳ bài bản về công tác ATLĐ cho người lao động. 
Theo Bộ LĐTB-XH, có một thực tế là nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết người đã không bị xử lý nghiêm minh, nên việc bảo đảm ATLĐ vẫn còn bị xem thường. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp có suy nghĩ nếu lỡ xảy ra TNLĐ chết người thì có thể dùng tiền bồi thường tính mạng người lao động là xong, vì vậy số vụ TNLĐ vẫn cứ tăng cao.
 Không thể nhân nhượng sai phạm 
Thực tế cho thấy, với các doanh nghiệp làm ăn bài bản, quan tâm chu đáo các biện pháp ATLĐ, quan tâm đến công tác đào tạo, huấn luyện ATLĐ cho người lao động khi tuyển dụng vào làm việc, sẽ hạn chế đến mức thấp nhất các vụ TNLĐ nghiêm trọng. Trong quy định pháp lý về ATLĐ, Bộ luật Lao động đã dành hẳn một chương (Chương IX) với 20 điều quy định về công tác ATLĐ cũng như các biện pháp về ATLĐ đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và trong mối quan hệ sử dụng lao động.
Ngoài ra, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 cũng quy định rõ ràng, cụ thể về các biện pháp ATLĐ, cũng như trách nhiệm của người sử dụng lao động, cơ quan, doanh nghiệp trong công tác ATLĐ. Thế nhưng vẫn chưa đủ chế tài hiệu quả tình trạng người sử dụng lao động, tức doanh nghiệp, chưa quan tâm đúng mức vấn đề ATLĐ, thiếu các quy trình, biện pháp làm việc đảm bảo ATLĐ. 
Hiện nay, có một thực tế đáng lo ngại là dù Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 cũng như Bộ luật Lao động có quy định về việc khai báo, điều tra TNLĐ khi để xảy ra TNLĐ, và nghiêm cấm các hành vi che giấu, khai báo không đúng sự thật khi để xảy ra TNLĐ, nhưng lại thiếu các biện pháp chế tài răn đe hiệu quả. Do vậy, nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng đã không được khai báo, thống kê đầy đủ theo quy định, thân nhân người bị TNLĐ thường thỏa thuận với chủ sử dụng lao động để nhận chế độ “bồi thường một cục”, thay vì khai báo, làm thủ tục để được giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội do TNLĐ.
Theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP (về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội), Khoản 2, Điều 16 quy định phạt tiền 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi của người sử dụng lao động không khai báo, điều tra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng. Có thể thấy mức xử phạt này còn quá thấp nên chưa đủ sức răn đe tổ chức, doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng về ATLĐ. Để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ TNLĐ nghiêm trọng do chủ quan của chủ sử dụng lao động, không thể nhân nhượng sai phạm. Cần sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật liên quan đến ATLĐ đầy đủ và toàn diện hơn, trong đó cần nâng cao thẩm quyền của Cục ATLĐ Bộ LĐTB-XH và cơ quan Thanh tra ATLĐ cấp tỉnh của các địa phương. Các cơ quan này có quyền yêu cầu khởi tố nếu xét thấy vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra có yếu tố tội phạm, mang tính chủ quan, làm chết và bị thương nặng nhiều người. Cần thiết phải xử lý hình sự về hành vi che giấu, khai báo không đúng sự thật về TNLĐ.

Tin cùng chuyên mục