Đọc báo nước ngoài

Xu thế hòa bình vẫn chiến thắng

Các cuộc xung đột trên thế giới đang thay đổi và có xu hướng giảm. Một trong những nguyên nhân là nghệ thuật tìm giải pháp hòa bình đang trên đà phát triển và số người theo đuổi vai trò trung gian hòa bình ngày càng tăng. Đó là nhận định trong báo cáo năm 2011 của Ngân hàng Thế giới (WB) về giải quyết xung đột năm 2011.

Báo The CS Monitor trích báo cáo trên cho biết, trong 15 năm qua, cộng đồng thế giới không chỉ học được nhiều hơn về khả năng ngăn chặn và chấm dứt xung đột mà số người dấn thân vì hòa bình ngày càng nhiều. Hiện nay, một số đáng kể các nhóm nghiên cứu tiếp tục theo dõi các cuộc xung đột toàn cầu nhằm xác định số lượng các vụ xung đột, nguồn gốc và có các giải pháp thích hợp. So với thế kỷ 20, trong những năm đầu thế kỷ 21, ngày càng có nhiều cuộc xung đột có thể chấm dứt thông qua thương thuyết.

Theo WB, các cuộc chiến tranh giữa các nước đang giảm so với quá khứ, số lượng các cuộc nội chiến cũng giảm. Giải thích về kết quả này, nhà hoạt động hòa bình kỳ cựu, ông Gareth Evans, cho rằng “đơn giản chỉ vì ngày càng có nhiều nhà hoạt động quốc tế vì hòa bình với tầm hoạt động rất rộng từ ngăn chặn xung đột đến kiểm soát xung đột, xây dựng nền hòa bình thời hậu xung đột”.

Các hoạt động duy trì hòa bình đã tăng gấp ba từ năm 1989 tại hơn 30 điểm trên toàn thế giới. Theo ông Evans, số lượng các nhóm ủng hộ hòa bình và có nhiều sáng kiến cho hòa bình đã tăng 10 lần từ năm 1991 đến năm 2007.

Những nhà trung gian hòa bình trở nên chuyên nghiệp hơn trong đàm phán hòa bình và LHQ cũng thực hiện tốt hơn vai trò giữ gìn hòa bình. Những năm 1990, khoảng 45% các cuộc thương lượng hòa bình đều đổ vỡ trong vòng 5 năm. Nhưng những năm đầu của thế kỷ 21, tỷ lệ thành công đạt gần 85%.

Viện Kinh tế và Hòa bình có trụ sở tại Australia vừa đưa ra một bản “Chỉ số hòa bình toàn cầu” trong 5 năm qua, xếp hạng 153 đất nước theo 23 chỉ số về xung đột và hòa bình. Somali là nước thay Iraq trở thành nơi ít hòa bình nhất trong khi Iceland được xem là nơi bình yên nhất.

Một bản báo cáo khác của Đại học Simon Fraser, Canada đưa ra tháng 12-2010 cho thấy các cuộc xung đột nghiêm trọng (với hơn 1.000 người chết mỗi năm) và các vụ thảm sát trong những năm đầu thế kỷ 21 giảm 80% so với những năm đầu thập niên 1990. Đã có xu hướng lâu dài là giảm các cuộc nội chiến và chiến tranh giữa các nước.

Để lý giải cho xu thế hòa bình, có một số nguyên nhân như sau: thứ nhất, sự phụ thuộc vào nhau ngày càng lớn hơn giữa các nước, chủ yếu qua thương mại; thứ hai, công tác điều hành chính quyền ngày càng tốt hơn thông qua các chiến dịch dân chủ và chống tham nhũng; thứ ba là ngày càng có ít các cuộc chiến do khác biệt về hệ tư tưởng; thứ tư là việc sử dụng công nghệ nghe nhìn càng ngày càng phổ biến như điện thoại để ghi hình các vụ bạo động dẫn đến dễ phát hiện các phần tử gây bạo động.

Thế giới đang chuyển hướng sang các giá trị cao đẹp hơn như tập trung vào nền công lý và quý trọng cuộc sống hơn. Mặc dù vậy, hiện thế giới vẫn còn ¼ số người sống trong các nước có xung đột hoặc bị ảnh hưởng do xung đột, trong đó vùng hạ Sahara ở châu Phi là nơi được xem ít bình yên nhất thế giới. Điều đó cho thấy các nhà thương lượng hòa bình vẫn còn nhiều việc phải làm. 

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục