Xuân về, đọc truyện trên báo Tết

Xuân về, đọc truyện trên báo Tết

Vào giờ khắc đất trời giao mùa, khép lại lo toan bộn bề của một năm, mỗi người chợt thấy lòng mình đọng lại một nỗi mênh mang, hoài niệm về người thân, về quê nhà và về những kỷ niệm còn lắng lại trong ký ức. Lần giở những trang báo xuân, đọc vài truyện ngắn, ta như lại tìm thấy sự đồng cảm, sự chia sẻ ...

Có lẽ, cảm tác trước câu thơ tình của Nguyễn Bính : “Hôm qua dưới bến xuôi đò. Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau. Anh đi đấy, anh về đâu? Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…” mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã viết truyện ngắn Cánh buồm nâu thuở ấy (báo Thanh Niên). Viết về tình giọng văn của anh ở đây không lãng đãng mà đầy góc cạnh.. “ Cánh buồm nâu từ từ trôi ngược. Đến chỗ ngoặt sang làng Cổ Am thì nó mất dạng vào sau lũy tre, rặng nhãn. Nhi ngơ ngẩn quay về. Bà Hân nhìn con gái, thương, bảo con: Nhi này, đàn ông bạc lắm con ơi...”.

Xuân về, đọc truyện trên báo Tết ảnh 1

Trong truyện ngắn này, cuộc đời của cô gái tên Nhi qua bao sóng gió nhưng kết thúc có hậu, như lời của tác giả “Mà tình yêu, bạn biết không – cái món quà tuyệt vời mà thượng đế hào phóng ban tặng cho người đời ấy, bao giờ cũng phải trả giá bằng những giọt nước mắt nghẹn ngào, dù muốn hay không cũng vậy”.

Không chỉ Nguyễn Huy Thiệp, mà bàng bạc trong các truyện ngắn trên báo xuân năm nay đều đề cập đến: Tình yêu. Truyện Đường dài hạnh phúc (báo Phụ nữ TPHCM) của nhà văn nữ Lý Lan là tự sự của hai nữ nghệ sĩ, vì quá mải mê với công việc, cho đến khi đã quá thì con gái mới kiếm được tấm chồng. Người nữ đạo diễn bùi ngùi “Tui gặp được người này, tử tế và muốn cưới tui, nên chắc phen này tui lấy chồng thiệt… …Tui mệt quá rồi…Tui muốn có một mái nhà để trở về, một gia đình để chăm sóc…”.

Cái hạnh phúc giản đơn đâu có xa vời gì. Vậy mà không phải ai cũng dễ dàng với tới. Còn nhà thơ nữ, chấp nhận lấy chồng người nước ngoài nhưng cũng day dứt trước hai nền văn hóa khác nhau, về cuộc sống thực tại khiến đôi khi chị thấy tủi thân và tự hỏi: “ Mình sinh ra để làm thơ, thì tại sao mình không làm thơ mà làm mứt?” Nhưng, tình yêu nào có biên giới: “Đang đọc Grace Paley. Rồi ngủ quên. Thức dậy thấy có cái chăn đắp trên mình, có tiếng nhạc nhè nhẹ vẳng ra từ phòng viết của M. Vậy là anh đã về…”

Trong Mùa gió (báo Người Lao Động) của Nguyên Hương, nhân vật chính là một cô giáo lên rừng dạy chữ cho trẻ ÊÂĐê. Nhiệt tình của cô giáo trẻ gặp phải nụ cười chế giễu của hiệu trưởng Y Miên. Từ những ngộ nhận, mâu thuẫn và cả khó khăn trong công việc, cô đã tìm được sự chia sẻ, sự đồng cảm và cả tình yêu với bạn đồng nghiệp.

Xuân về, đọc truyện trên báo Tết ảnh 2

Nhưng không phải lúc nào tình yêu cũng mang vị ngọt, mà nhiều khi còn có vị chát như nhân vật cô Miên trong truyện ngắn cùng tên của Ngô Thị Thu Vân (báo Tuổi Trẻ). Dường như cái tên Nguyễn Thị Cô Miên đã “vận vào cuộc đời chị như một định mệnh”; và lúc nào chị cũng “như con nhím có gai xù để đối phương không dám đụng vào mình”. Mang tâm trạng ấy vào tình yêu, nên chị gặp trắc trở là lẽ đương nhiên. Để rồi, trong những phút cô quạnh, chị đã òa khóc mà thốt lên: “ Không có người đàn bà mạnh mẽ; chỉ có người đàn bà cố giấu đi sự yếu đuối của mình…”.

Và có thể nói, quê hương – tuổi thơ, luôn là tình yêu lớn nhất của một đời người. Từ chính dòng cảm xúc ấy, báo xuân Sài Gòn Tiếp Thị đã đem đến cho bạn đọc chủ đề “Dọc đường thơ ấu” với ký ức tuổi thơ, quê nhà của 34 nhà văn, nhà báo. Với Mạc Can, tuổi thơ là cái “sân khấu đình chợ”.

Và ngộ thay, ký ức tuổi thơ của Tô Hoài lại là “ những con ma bình vôi”. Rồi tiếng bước chân thời gian, đã đưa Bùi Ngọc Tấn trở về với “những cái Tết đã thành cổ tích” ở quê nhà 70 năm trước. “Ngôi nhà ngày cũ” của Dương Thụ trong ký ức “đã đóng bụi, xanh rêu rồi” là “lờ mờ cái cổng ngõ thật lớn…lờ mờ sân gạch Bát Tràng...”. Và quê hương còn là hình ảnh “Xóm lách” của Bùi Chí Vinh, “Xóm đê” của Phan Thị Thanh Nhàn, “Chợ quê” của Thạch Lam…

Vâng, ghi sao cho hết những niềm thương, nỗi nhớ của đời người. Chỉ mong ai cũng “sống trong đời sống, cần một tấm lòng” cho nhau thật thơm thảo. Giao thừa trong vườn khuya, đâu đây thoang thoảng mùi hương đóa quỳnh mới nở…  

MAI LAN

Tin cùng chuyên mục