
Cận Tết, chúng tôi lên bản Ơn, bản Mo Ó Ồ Ồ, bản Yên Hợp thuộc xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình để hòa cùng niềm vui Tết với đồng bào người Rục. Mưa và rét buốt. Con đường hun hút trong vách núi đá vôi dựng đứng. Chúng tôi vượt rét đến với đồng bào và gặp Trưởng bản Yên Hợp, Trần Trực, anh cười to: “Lên kiểm tra Tết bà con phải không? Đừng lo, bản no Tết vui Tết lắm đi thôi”.
- Những hồi tưởng thời gian đã qua

Già, trẻ đồng bào Rục nhiệt tình vỗ tay trước các tiết mục văn nghệ.
Trần Trực nói: “Chuyện lâu lắm rồi, hồi nớ năm 1959, mình còn nhỏ hỏn sống cùng cha mẹ trong hang, một hôm bộ đội người Kinh bắt gặp đồng bào mình trong hang, họ nói là người rừng vì không ai có áo, tóc dài ngang lưng, leo trèo nhanh lắm, thấy người lạ cả hang người bỏ chạy tán loạn vô rừng. Lúc đó bộ đội người Kinh mất ăn mất ngủ băng rừng lội suối tìm đồng bào về. Mình còn nhớ trưởng đoàn là Lê Bá Cương dẫn đầu, tìm và phát hiện đồng bào mình ở hang Cà Rưng. Lúc đó ai cũng sợ, may có một già làng người Sách đi cùng nên không lo nhiều nhưng lạ lắm, không ai dám lại gần đoàn người khác mình đâu.
Già làng người Sách cùng bộ đội thuyết phục dân mình tròn một cái nắng (một ngày) mới rón rén đi theo bộ đội biên phòng ra thung lũng dựng lều làm rẫy. Thiếu muối bộ đội cho, thiếu gạo bộ đội cũng cho, bộ đội còn may áo quần cho mặc. Lúc đầu uống không được cái nước nấu sôi, nóng là lũ lượt bỏ vào rừng. Bộ đội lại đi tìm, lại trốn chạy. Nhưng chui lủi mãi trong rừng thì củ mài cũng hết, cái đói, cái rét hành hạ mà bộ đội thì được cái bụng gọi về cho ăn nên mọi người mon men về lại”.
Những năm tháng chiến tranh, Trần Trực lại kể: “Mỗi lần nghe bom nổ, người mình lại chạy lẩn vào rừng. Bộ đội biên phòng lại đi theo ăn, ở động viên thuyết phục mãi tới năm 1971 người Rục mới lũ lượt rời khỏi hang. Rồi chiến tranh đi qua, nghèo đói vồ lấy mọi người, mới ra khỏi hang, không biết chăn nuôi, trồng cây, chỉ biết bộ đội cho gì ăn nấy, dựng nhà cho thì ở chẳng biết sửa. Ba năm nhà dột thì họ hàng cùng nhau xô ngã rồi ù chạy lên hang. Bộ đội lại tất tưởi đi tìm. Đồng bào mình chẳng biết làm công cụ lao động, chỉ có cây ná, ngọn lao. Bộ đội cho cuốc, rựa, cày… nhưng không biết sửa, hư là vất nên đói vẫn hoàn đói.
Rồi năm 1989, không biết răng dân bản Yên Hợp mình chết một lúc 36 người, cứ nghĩ con ma rừng bắt nên kéo nhau vô hang lại. May lúc đó bộ đội giải thích thuận tai, ưng bụng quay về, lại được học cái chữ. Lúc đầu cái chữ cứ loi choi, nhưng mình biết cái chữ làm cho người Rục mình hồi sinh”.
- Tết vui xuyên rừng già
Hôm chúng tôi lên, một hình ảnh xúc động lần đầu tiên sau 46 năm phát hiện người Rục, họ được Đoàn nghệ thuật Quảng Bình lên tận nơi diễn văn nghệ phục vụ bà con đón vui Tết. Những gương mặt bà con người Rục ngạc nhiên vì lạ lẫm, áo quần chưa đủ lành lặn và bên chân họ, lũ trẻ con nhếch nhác, nhưng ai cũng háo hức nhìn những diễn viên đẹp như mơ biểu diễn văn nghệ. Họ xúm quanh sân khấu, cười nói rộn ràng, vỗ tay nhiệt liệt.
Chị Đinh Thị Thanh vạch áo cho con bú, nói rất to: “Mình đưa con đi từ hơn ba giờ chiều. Mừng lắm. Sáng nay nhà còn hai lon gạo, mình bảo chồng nấu cho con ăn hết để đi xem hát. Mai bộ đội cho gạo, nếp ăn Tết rồi, Tết này không sợ đói nữa. Mà chừ mình còn được xem hát, thấy nhiều thứ đẹp lắm, rứa là cái bụng mình thiệt vui, Tết này vui lắm, no lắm khi có gạo bộ đội cho”.
Ông Cao Nhịn, Trưởng bản Ơn xuýt xoa: “Sướng quá cán bộ ạ, mấy năm nay chỉ biết coi ti vi bên bộ đội biên phòng chiếu, chừ coi tận mắt mấy o, mấy chú văn công diễn thiệt thích con mắt. Ngày mai còn được đi nhận quà Tết của Nhà nước cho nữa thì quá vui rồi. Tết ni no tinh thần, no bụng lắm đây”. Cao Nhịn kể rằng, trước đây bản anh rất khổ, không điện, không đường, không trường, không trạm, nay có hết, rất vui. Anh cũng nói, mấy Tết trước không có văn nghệ tưng bừng như thế này, năm nay quá vui. Rồi nhà nước cho quà thì bếp lửa lũ làng đỏ mãi mấy ngày Tết thôi.
Với đồng bào Rục có lẽ như đứa con út trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Lịch sử tộc người này chỉ được biết đến khi bộ đội biên phòng đồn Cà Xèng Óc Sách tình cờ phát hiện tháng 5-1959 trong trạng thái nguyên thủy. Vậy mà bây giờ họ đã cùng cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, để được như thế này, loài người phải mất hàng vạn năm còn người Rục chỉ mất 46 năm! Người Rục bây giờ đã có chi bộ Đảng, Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, cũng có đại biểu HĐND huyện Minh Hóa tên Cao Xuân Đàn, 30 tuổi. Có nghĩa rằng, người Rục đã thực sự cùng dân tộc hội nhập và đi lên.
Dân số người Rục bây giờ đã hơn 600 người, họ đã trồng 14ha ngô, 10ha sắn. Để được như thế đồng bào Rục đã vật vã học tập đến mệt nhoài, nhưng họ còn quyết tâm học cho bằng được làm cây lúa nước như những người anh em khác. Để có những thành quả ban đầu tuyệt vời ấy, tỉnh Quảng Bình đã không lùi bước khi quyết định đầu tư 32 tỷ đồng phát triển toàn diện đồng bào Rục. Huyện và xã cũng đang dậy lên quyết tâm tuyên truyền, vận động bà con cố gắng học chữ, mở mang kiến thức thâm canh, chăn nuôi để đến một ngày không xa bà con tự làm được hạt lúa, đẩy lùi được nạn đói.
NAM DƯƠNG