Xuất khẩu của Việt Nam không đe dọa hàng hóa Hoa Kỳ

Xuất khẩu của Việt Nam không đe dọa hàng hóa Hoa Kỳ

Qua 5 năm thực hiện BTA, Việt Nam đạt được những lợi ích gì? Điều gì cần tháo gỡ để phát huy hiệu quả, cơ hội mà BTA đem lại? Đây là những vấn đề được phóng viên ĐTTC đặt ra với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ (ảnh). Bà Phạm Chi Lan cho biết:

Xuất khẩu của Việt Nam không đe dọa hàng hóa Hoa Kỳ ảnh 1

Công bằng mà nói, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ không thể tăng mạnh nếu không có vai trò của các công ty Hoa Kỳ. Những “đại gia” như Nike chọn Việt Nam làm giày dép, những tập đoàn lớn đặt hàng dệt may…

Qua quá trình đó, do có sự cọ xát với các công ty nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam đã trưởng thành lên rất nhiều, học hỏi được cách làm, tìm hiểu được thị trường. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải sòng phẳng xem xét, dù xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng mạnh, nhưng giá trị gia công mà chúng ta có được chẳng bao nhiêu, chỉ khoảng 15%-20% ở tất cả các mặt hàng như đồ gỗ, dệt may, giày dép. Trong khi đó 80% còn lại trong thặng dư thương mại của Việt Nam trong quan hệ đối với Hoa Kỳ nằm trong tay người khác. Chính các công ty Hoa Kỳ, người đặt hàng, người có sở hữu nhãn mác, thiết kế, người cung cấp nguyên vật liệu… được hưởng.

Phóng viên: - Có nghĩa là, nếu chỉ nhìn thấy Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhiều hơn Hoa Kỳ xuất khẩu sang Việt Nam là không công bằng, thưa bà?
   
- Bà PHẠM CHI LAN: - Đúng vậy. Vì như thế không phản ánh đúng bức tranh thực tế. Trong thu hút đầu tư, cách tính cả nguồn vốn FDI của Hoa Kỳ vào Việt Nam qua nước thứ ba là rất đúng. Nhưng tại sao không áp dụng cách tính này đối với xuất khẩu? Tôi nghĩ, nếu làm rõ vấn đề này sẽ tránh sự ngộ nhận từ phía Hoa Kỳ, giảm đi những sức ép dẫn tới chống bán phá giá, biện pháp giám sát đối với hàng dệt may. Và phía Hoa Kỳ cần tạo điều kiện, khuyến khích hơn nữa cho xuất khẩu của Việt Nam.

- Ý bà nói là phải khơi thông vấn đề xuất khẩu hàng dệt may?  

- Đang có một trở ngại lớn là cơ chế giám sát đối với hàng dệt may. Xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ hiện có rất ít hợp đồng mới đối với hàng dệt may. Chính cơ chế trên đã làm “chùn tay” cả các nhà xuất khẩu Việt Nam và các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ. Tăng trưởng xuất khẩu tăng mạnh vài năm trước thực ra là do xuất phát điểm của Việt Nam vào Hoa Kỳ quá thấp, chứ đâu phải Việt Nam đã chiếm được thị phần lớn. Thực tế, xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 0,3%-0,4% tổng lượng hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ. Như vậy, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam hoàn toàn không đem lại bất kỳ mối đe dọa nào đối với hàng hóa của Hoa Kỳ và ngược lại nó còn mang lại lợi ích rất nhiều cho các công ty Hoa Kỳ. Những triển vọng thật chỉ có thể xảy ra nếu về lâu dài Hoa Kỳ không có các biện pháp bảo hộ phi lý dựng lên để ngăn chặn hàng xuất khẩu của Việt Nam.

- Xin cảm ơn bà!

Hàm Yên

Tin cùng chuyên mục