Xuất khẩu dăm gỗ: Lợi và hại

Việc xuất khẩu dăm gỗ từ gỗ rừng trồng có thể nói đã giúp tháo gỡ khó khăn về nhu cầu tiêu thụ rừng trồng trong dân từ hàng chục năm qua và cũng góp phần không nhỏ vào việc tăng nhanh diện tích rừng trồng lên trên 2,5 triệu ha. Tuy nhiên, xung quanh việc xuất khẩu này ngày càng phát sinh nhiều bất cập.

Việc xuất khẩu dăm gỗ từ gỗ rừng trồng có thể nói đã giúp tháo gỡ khó khăn về nhu cầu tiêu thụ rừng trồng trong dân từ hàng chục năm qua và cũng góp phần không nhỏ vào việc tăng nhanh diện tích rừng trồng lên trên 2,5 triệu ha. Tuy nhiên, xung quanh việc xuất khẩu này ngày càng phát sinh nhiều bất cập.

Theo Bộ NN-PTNT, số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu dăm gỗ phát triển quá nhanh, không có quy hoạch, chưa gắn với vùng nguyên liệu. Việc có hàng trăm DN xuất khẩu dăm gỗ như Quảng Ninh 50 cơ sở, Bình Định 70 cơ sở. 2 năm trước Quảng Ngãi có 5 - 6 nhà máy trong Khu kinh tế Dung Quất hiện nay lên đến 11 nhà máy, nếu cả tỉnh lên đến 21 nhà máy. Do phát triển ồ ạt, lại thiếu quy hoạch nên nhiều nhà máy phải đối mặt với việc khan hiếm nguyên liệu, ảnh hưởng đến sản xuất. Diện tích rừng trồng trên cả nước dù có tăng hàng năm, nhưng mức gia tăng không theo kịp sự bùng nổ của các nhà máy, dẫn đến tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, không ít DN thiếu nguyên liệu, mua cả cây non, làm giảm chất lượng sản phẩm, khách hàng ép giá, không chỉ gây thiệt hại cho DN mà còn với người trồng rừng.

Nhưng điều đáng nói hơn, 70%-80% lượng dăm gỗ xuất khẩu lại tập trung vào Trung Quốc, khi thị trường này hạn chế nhập khẩu như năm 2012 làm giá dăm gỗ xuống thấp. Người trồng rừng phải bán nguyên liệu với giá thấp. Trong khi đó, DN chế biến gỗ xuất khẩu phải nhập nguyên liệu gỗ, kể cả ván MDF từ dăm gỗ với giá cao hơn rất nhiều để sản xuất. Một tấn gỗ dăm trên thị trường khoảng 500.000 đồng, trong khi 1 tấn gỗ xẻ cho giá cao gấp 4 lần.

Năm 2011, Tổng Công ty Giấy Việt Nam xuất khẩu hơn 606.000 tấn dăm với giá khoảng 125USD/tấn, nhưng bột giấy nhập khẩu để sản xuất với giá 900-1.000USD/tấn. Theo Bộ NN-PTNT, 5 năm qua, gỗ rừng trồng chủ yếu cung cấp 80% nguyên liệu làm dăm gỗ xuất khẩu (thực chất là xuất thô) nhưng giá trị không cao, thật ra là rất thấp so với các mặt hàng khác được chế biến từ nguyên liệu nhập khẩu và gỗ cao su. Năm 2012 xuất khẩu 5 triệu tấn dăm gỗ, tương đương 11 triệu m³ gỗ tròn chỉ mang về 650 triệu USD, bình quân 1,1 triệu đồng/m³ gỗ nguyên liệu xuất khẩu. Giá dăm gỗ xuất khẩu không thể đẩy lên được nhưng giảm giá là nguy cơ thường xuyên.

Đầu năm 2013 giá 138 USD/tấn, sau đó giảm xuống 120 USD/tấn, gần đây dù phục hồi nhưng cũng chỉ 130USD/tấn. Nếu thị trường gặp khó chính người trồng rừng sẽ gánh chịu hậu quả. Đây chính là sự trái khoáy trong điều hành và chính sách nên chưa tạo ra được chuỗi liên kết từ khâu trồng đến cung ứng cho DN chế biến để cả người trồng rừng và DN đều có lợi, giúp tạo ra thế cạnh tranh tốt hơn cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu với các nước.

Mặc dù Bộ NN-PTNT xác định, việc xuất khẩu dăm mảnh, ván bóc vẫn phải duy trì vì người trồng rừng đa phần còn khó khăn, không có vốn đầu tư kéo dài thời gian trồng để có được gỗ lớn, chất lượng, nhưng Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, đi sâu vào chế biến, xuất khẩu sản phẩm sau dăm gỗ là lộ trình sẽ phải hướng đến. Hiện tại chưa đánh thuế ngay vào dăm gỗ xuất khẩu vì ảnh hưởng ngay đến người trồng rừng, nhưng nhà nước sẽ có có chính sách cho người trồng rừng cũng như khuyến khích phát triển tinh chế sau dăm gỗ nhằm tiến dần đến việc thạn chế tình trang xuất khẩu “xuất thô”, nên về lâu dài sẽ đánh thuế dăm gỗ xuất khẩu.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục