Ngày 10-1, tại buổi triển khai kế hoạch xuất khẩu gạo năm 2011 tổ chức tại TP Đà Nẵng, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, năm 2010 Việt Nam xuất khẩu 6,828 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 3,212 tỷ USD, tăng 20,6% so với năm 2009, giá xuất bình quân 431,09 USD/tấn (FOB, tăng 5,88% so cùng kỳ). Đây là năm Việt Nam xuất khẩu có số lượng và giá trị cao nhất từ trước đến nay.
- Kinh doanh tận gốc
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên nhấn mạnh đến việc xuất khẩu gạo năm 2010 có chuyển biến mạnh về điều hành chính sách và cơ chế trong kinh doanh. Có sự gắn kết thị trường trong nước và thế giới khi lấy giá gạo trong nước chi phối giá xuất khẩu thay vì ngược như những năm trước. Trong năm 2010, ta đã vận dụng yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để duy trì giá có lợi nhất. Sang năm 2011, VFA cần tiếp tục tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp (DN) - thương lái - với nông dân. Gắn kết xuất khẩu với thị trường trong nước, tham gia thị trường gạo, góp phần bình ổn giá lương thực, không để xảy ra sốt giá. Cùng với Hội Nông dân, các địa phương, bộ ngành cần chú ý hơn đến việc tổ chức công tác xúc tiến thương mại thương hiệu gạo; kết nối DN, thương lái, nông dân để tạo ra chuỗi sản xuất và kinh doanh lúa gạo. Đây là nhiệm vụ khó khăn, cần làm thí điểm tại những địa phương có điều kiện, rồi nhân rộng ra.
Nhìn chung, thị trường lúa gạo năm 2011 tương đối thuận lợi, nhưng không có nghĩa dễ dàng khi mở thêm thị trường ở Indonesia, Bangladesh và phải đa dạng hóa sản phẩm… Không chỉ đơn thuần xuất khẩu hạt gạo mà còn đưa văn hóa ẩm thực VN ra thế giới.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), cần đầu tư cho hạt lúa, xây dựng vùng nguyên liệu để kinh doanh “tận gốc” hạt lúa. Muốn vậy phải có bộ giống tốt, chất lượng. DN là nơi cung cấp giống tốt, phân bón, thuốc trừ sâu và mua lại lúa của bà con. Cần nâng cao giá trị của lúa gạo thông qua đầu tư công nghệ giống, công nghệ sau thu hoạch, kho trữ lúa gạo chuyên dùng, xây dựng thương hiệu qua đó giúp nâng cao giá trị hạt lúa, tạo ra chuỗi gia trị lúa gạo mà mục đích cuối cùng là nâng cao thu nhập nông dân.
- Thêm đối thủ cạnh tranh
2 vấn đề DN xuất khẩu gạo phải đối mặt trong năm 2011, đó là thực hiện Nghị định 109 và mở cửa xuất khẩu gạo theo lộ trình cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, công ty nước ngoài có thể vào tham gia kinh doanh và trực tiếp xuất khẩu, thay vì liên doanh nhập khẩu từ DN Việt Nam như trước, sẽ khiến không ít DN trong nước gặp khó. Ưu thế của công ty nước ngoài là nguồn vốn rất mạnh so với DN trong nước. Công ty nước ngoài lại có thị trường xuất ổn định, lại còn được hưởng lãi suất ngân hàng ở mức 4,5%/năm. Những lợi thế của các công ty nước ngoài lại là hạn chế của các DN trong nước. Với tình hình này, năm 2011 không ít DN Việt Nam, nhất là DN nhỏ, vốn ít, khả năng cạnh tranh thấp, từ chỗ xuất khẩu nay trở thành đơn vị cung ứng cho đối tác, thậm chí sẽ có DN phá sản. Năm 2011 DN xuất khẩu gạo còn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện mà Nghị định 109 của Thủ tướng Chính phủ về xuất khẩu gạo, như DN xuất khẩu gạo phải có kho chứa, ít nhất là 5.000 tấn, nhà máy xay xát 10 tấn/giờ.
Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư số 44 /2010/TT-BCT yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo phải tự kê khai lượng gạo có sẵn và chịu trách nhiệm về tính xác thực trước những thông tin của mình. Thông tư nêu rõ, khi đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải báo cáo về tổng lượng thóc, gạo có sẵn trong kho; địa chỉ cụ thể và lượng thóc gạo có trong mỗi kho chứa thóc, gạo. Thông tư có hiệu lực từ ngày 14-2-2011. V.PHÚC |
Ông Trương Thanh Phong cho biết, công ty nước ngoài mới được tham gia trực tiếp thị trường xuất khẩu gạo, nhưng thực tế, nhiều công ty nước ngoài đã đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam từ mấy năm nay, nay họ mới được chính danh xuất khẩu trực tiếp. Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Thường trực VFA, hiện nay ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế vẫn còn, nên những công ty nước ngoài vào Việt Nam chưa thể vội vàng đầu tư chiều sâu như DN trong nước về nhà máy xay xát, kho chứa. Các công ty cũng chưa thể đổ bộ ào ạt vào Việt Nam. Những năm qua, cả nước có 30 DN là những nhà xuất khẩu thực sự khi chiếm đến trên 80% tổng lượng xuất khẩu năm 2010. Vì vậy, lợi thế đang thuộc về Tổng Công ty Lương thực miền Nam. Đến hết năm 2011 tổng tích lượng kho chứa lúa toàn vùng đạt 4 triệu tấn, đảm bảo dự trữ lưu thông hàng hóa cả năm 10 triệu tấn ở ĐBSCL.
Ngay cả Nghị định 109 của TTCP cũng tạo cho DN một khoảng lùi phù hợp để chuẩn bị. Theo đó, đến 1-10-2011, chỉ những DN không có giấy phép đủ điều kiện xuất khẩu gạo mới bị ngưng xuất, và phải đáp ứng về kho chứa (ít nhất là 5.000 tấn), nhà máy xay xát 10 tấn/giờ, nhưng điều kiện này thời gian đầu, từ nay 10-2012 vẫn được thuê kho và đó là biện pháp tạm thời để đáp ứng điều kiện xuất khẩu, để DN có thêm thời gian tự đầu tư kho chứa. Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Tổng Giám đốc Angimex, sự tham gia của công ty nước ngoài sẽ là cơ hội thúc đẩy DN trong nước hợp tác với bà con nông dân chặt chẽ hơn theo dạng liên kết 4 nhà
CÔNG PHIÊN