Thông tin Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) ký hợp đồng tập trung cấp Chính phủ (G to G) với Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) để xuất khẩu sang Indonesia 300.000 tấn gạo loại 15% tấm (theo hãng Reuters, giá của hợp đồng này là 545 USD/tấn) đã tạo ra thông tin vui cho người dân trồng lúa Việt Nam. Điều này đã giải tỏa phần nào sự căng thẳng trong cuộc đấu tranh “cân não” giữa nhà xuất khẩu (các doanh nghiệp Việt Nam) với nhà nhập khẩu nước ngoài. Nhưng thực tế, đã xuất hiện lo ngại mới…
Thách thức từ Ấn Độ
Từ đầu năm 2011 đến nay, các doanh nghiệp (DN) đã xuất khẩu hơn 6,5 triệu tấn gạo, trị giá gần 3,2 tỷ USD. Hợp đồng đã ký với số lượng cung ứng khoảng 7,3 triệu tấn, theo kế hoạch, ngành gạo Việt Nam sẽ xuất khẩu 7 triệu tấn gạo trong năm 2011, số còn lại sẽ giao trong năm 2012. Việc Bulog cùng lúc quyết định mua gạo Việt Nam và cũng ký hợp đồng mua 250.000 tấn gạo loại 10% từ Ấn Độ với giá 483 - 485 USD/tấn đã tạo ra lo ngại cho các DN. Vì trước nay, Indonesia là bạn hàng mua gạo quen thuộc của Việt Nam và Thái Lan, nay lại quyết định mua gạo của Ấn Độ, điều có thể làm giảm sản lượng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.
Theo nhận định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đây là động tác nhằm “thử sức” của Bulog với các DN Ấn Độ về việc giao hàng. Những người trong ngành đều biết rằng, do hậu cần yếu kém đã tác động không ít đến khả năng vận chuyển và giao hàng, nhất là những đơn hàng yêu cầu giao nhanh của Ấn Độ. Lâu nay, Thái Lan và Việt Nam vẫn là nơi cung cấp nhu cầu gạo nhập khẩu của Indonesia và Philippines.
Để đảm bảo an ninh lương thực từ cơn sốt giá gạo năm 2008, Ấn Độ không tham gia xuất khẩu, dự trữ một lượng ngũ cốc lên đến 54 triệu tấn, trong đó phần lớn là gạo. Vì vậy, Ấn Độ trở thành đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trong xuất khẩu gạo giai đoạn này. Khi có cơ hội bán giá cao, Ấn Độ đã quyết định tham gia thị trường. Tuy nhiên, giá xuất khẩu của Ấn Độ rất cạnh tranh, luôn rẻ hơn gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan và Việt Nam khoảng 100 USD/tấn. Vì vậy, nhà nhập khẩu đang dồn về Ấn Độ và xem như là nơi cung cấp thay thế cho gạo Việt Nam và Thái Lan.
Thời gian qua, Việt Nam đã mất một lượng gạo không nhỏ xuất khẩu sang các nước châu Phi. Theo VFA, hiện nay chỉ riêng loại gạo 5% tấm là có người mua, còn lại, các loại gạo phẩm cấp khác nhà nhập khẩu hầu như chuyển qua mua của Ấn Độ. Đó là lý do vì sao lượng gạo xuất khẩu trong tháng 10 -2011 của Việt Nam bị chậm lại, thấp hơn nhiều so tháng 9-2011; hợp đồng thương mại ít được ký mới, nhà nhập khẩu chỉ hỏi rồi qua Ấn Độ mua hàng.
Phương án dự phòng đầu ra
Sẽ còn có thêm nhiều hợp đồng mới được ký kết giữa 2 nước Ấn Độ và Indonesia. Như vậy đầu ra cho vụ đông - xuân tới ở ĐBSCL có thể bị hạn chế ít nhiều. Nhưng khả năng cao hơn là Indonesia sẽ căn cứ vào giá của Ấn Độ để ép ngược lại với Việt Nam trong đàm phán. Đó là điều không khỏi lo lắng khi lúa đông - xuân 2011-2012 đang được gieo sạ ở những nơi không chịu tác động của mùa nước nổi.
Vì vậy, bên cạnh việc tìm kiếm thêm thị trường mới, VFA cũng đã tính đến phương án mua tạm trữ lúa gạo như trước đây nhằm giải tỏa áp lực đầu ra khi vào thời điểm thu hoạch, không để giá giảm mạnh, ảnh hưởng đến thu nhập và lợi nhuận của bà con nông dân. Dù được các chuyên gia kinh tế thế giới nhận định, năm 2012 giá nông sản vẫn ở mức cao nhưng từng thời điểm khác nhau, không loại trừ trường hợp đầu ra của gạo Việt Nam sẽ gặp khó khăn, giá bán bị giảm, đặc biệt là đông - xuân, vụ lúa có diện tích lớn nhất và quan trọng nhất ở ĐBSCL.
Vì vậy, dù giá lúa gạo thế giới vẫn cao, nhưng phải nghĩ đến trường hợp xấu có thể xảy ra vụ đông - xuân tới để chủ động chuẩn bị các phương án. Cái khó của DN là phải nhận định đúng bản chất thị trường để ký với giá phù hợp. Nếu nóng vội, ký sớm với giá cho là cao như hiện nay cũng chưa phải là thuận lợi vì lỡ có một diễn biến khác do tác động của an ninh lương thực toàn cầu dẫn đến nguồn cung khan hiếm… Đó là những điều có thể xảy ra trên thị trường lương thực thế giới.
CÔNG PHIÊN