Xuất khẩu gạo - cánh cửa hẹp dần

Không còn thị trường tập trung
Xuất khẩu gạo - cánh cửa hẹp dần

Từ năm 2013 trở lại đây, việc xuất khẩu gạo ngày càng khó khăn, sản lượng gạo xuất khẩu giảm từ mức gần 8 triệu tấn (năm 2012) xuống còn 6,5 triệu tấn năm 2015. Năm nay, con số này nhiều khả năng còn dưới 6 triệu tấn.

Không còn thị trường tập trung

Bên cạnh giảm sút về sản lượng, cơ cấu thị trường xuất khẩu gạo từ năm 2010 đến nay cho thấy có sự chi phối mạnh từ 4 nhà nhập khẩu lớn và truyền thống là Trung Quốc, Philippines, Indonesia và Malaysia. Cùng với đó là sự sụt giảm giá trị của gạo xuất khẩu, năm 2015 chỉ còn 2,6 tỷ USD so với mức 3,5 tỷ USD của nhiều năm trước. Tính đến cuối tháng 8 này, tình hình xuất khẩu gạo tiếp tục sụt giảm mạnh. Theo Bộ NN-PTNT, xuất khẩu gạo đến tháng 8-2016 chỉ khoảng 3,3 triệu tấn với trị giá 1,5 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2015, giảm 16,6% về khối lượng và giảm 13,1% về giá trị. Nhiều thị trường xuất khẩu gạo truyền thống đồng loạt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái như Philippines (giảm 66,4%), Malaysia (giảm 54,5%), Singapore (giảm 36,3%). Trung Quốc, thị trường lón nhất của gạo Việt Nam nhiều năm qua cũng giảm khoảng 21% về lượng và 11,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Như vậy, chỉ có quý 1-2016 việc xuất khẩu gạo là khởi sắc nhờ những hợp đồng từ cuối năm 2015, nhưng từ đó trở lại đây, việc xuất gạo trở nên khó khăn đến mức phải điều chỉnh lượng gạo xuất khẩu xuống còn dưới 6 triệu tấn. Cuối tháng 8, Vinafood 2 trúng thầu xuất khẩu 150.000 tấn gạo trong tổng số 250.000 tấn gạo của Philippines (số còn lại Thái Lan trúng thầu) với giá 424,85 USD/tấn (giao tại kho của Philippines). Tuy nhiên, theo nhận định của các doanh nghiệp, mặc dầu có khả năng Philippines mở tiếp gói thầu, nhưng với lượng mời thầu như trên là không như kỳ vọng.

Thu hoạch lúa chế biến gạo xuất khẩu tại ĐBSCL. Ảnh: THÀNH TRÍ

Việc xuất khẩu theo những hợp đồng tập trung cấp chính phủ sẽ không còn dễ dàng khi các nước trên đều tỏ rõ quyết tâm sản xuất để tự cung cấp lương thực trong nước. Thông tin từ Philippines, chính phủ nước này sẽ hỗ trợ nông dân chi phí đầu vào tất cả các khâu như giống, phân bón, tưới tiêu… nhằm đạt mục tiêu trong thời gian gần nhất. Mặc dù kế hoạch này sẽ gặp nhiều khó khăn vì hàng năm Philippines hứng chịu rất nhiều cơn bão từ Thái Bình Dương tràn qua, tàn phá nặng nề đất nước, nhưng việc tự cung ứng gạo là một trong những mục tiêu lớn nhất của Tổng thống Duterte và Bộ Nông nghiệp Philippines quyết tâm hoàn thành trong thời gian tới. Trong khi đó, Malaysia sau khi mua khoảng 70.000 tấn gạo hồi đầu năm cũng chưa có dấu hiệu nhập tiếp.

Nút thắt từ Trung Quốc

 

 Điểm khích lệ của việc xuất khẩu là gạo thơm đang nổi lên đáng kể khi chiếm tỷ trọng lớn, trên 15%/năm trong tổng số gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, bắt đầu xuất hiện thông tin chất lượng gạo thơm Việt Nam xuất khẩu bị khách hàng nước ngoài phàn nàn do tình trạng một số doanh nghiệp phối trộn gạo trắng để cạnh tranh giá bán. Đây là điều VFA nhiều năm trước đã từng cảnh báo sẽ ảnh hưởng đến uy tín của hạt gạo Việt Nam nếu doanh nghiệp chỉ nghĩ cái lợi trước mắt.

 

Nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam về nông sản, trong đó mặt hàng gạo thường chiếm trên 30%. Nhưng việc xuất khẩu gạo sang Trung Quốc nay đã không còn suôn sẻ và đầy rủi ro. Đầu tháng 6, Bộ NN-PTNT công bố Nghị định thư vừa được ký với Trung Quốc vào cuối tháng 5 về xuất khẩu gạo và cám gạo. Theo đó, việc xuất khẩu 2 mặt hàng này sang Trung Quốc, kể cả xuất theo đường tiểu ngạch đều phải được kiểm dịch và khử trùng trước. Trung Quốc yêu cầu Bộ NN-PTNT gửi danh sách 30 doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu 2 mặt hàng này để phía Trung Quốc xem xét. Cũng như tên đơn vị được quyền khử trùng. Nhưng đến nay, Trung Quốc chưa công nhận các công ty giám định, khử trùng của Việt Nam để kiểm soát chất lượng gạo trước khi xuất khẩu vào thị trường này theo Nghị định thư và cùng lúc lại siết chặt buôn bán theo đường biên mậu nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu gạo sang thị trường này. Hiện việc xuất khẩu gạo sang Trung Quốc chủ yếu từ những hợp đồng còn lại nên số lượng không nhiều. Do đó, 7 tháng qua xuất khẩu gạo sang thị trường này giảm 21,6% về khối lượng và 11,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015; trong đó, lượng mua bán tiểu ngạch giảm 30%. Nhiều thương nhân Trung Quốc đến Việt Nam thăm dò thị trường nhưng đã chuyển qua Pakistan hay Myanmar để mua gạo vì nút thắt này.

Những yếu tố trên khiến việc xuất khẩu gạo thêm khó. Tuy các chuyên gia nhận định, nguồn cung trong nước hạn chế do thiệt hại từ đợt hạn kéo dài và nghiêm trọng, góp phần làm thị trường trong nước thêm trầm lắng nhưng giúp giá lúa gạo không bị “sốt lạnh” như những năm trước. Thế nhưng, với tình hình này, khi lúa vụ 3 (thu đông) vào thời điểm thu hoạch là điều đáng lo khi trước đó Bộ NN-PTNT kêu gọi nông dân đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh sản xuất lúa thu đông để bù đắp thiệt hại các vụ trước. Chính vì những điều này, ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), cho rằng, từ nay đến cuối năm là quá trình vượt khó.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục