Xuất khẩu gạo năm 2013 lại gặp khó

Tại cuộc họp giao ban xuất khẩu gạo ngày 4-12 ở TPHCM, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, lượng gạo xuất khẩu năm 2012 sẽ là con số lớn nhất từ trước đến nay: từ 7,65 triệu tấn trở lên.
Xuất khẩu gạo năm 2013 lại gặp khó

Tại cuộc họp giao ban xuất khẩu gạo ngày 4-12 ở TPHCM, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, lượng gạo xuất khẩu năm 2012 sẽ là con số lớn nhất từ trước đến nay: từ 7,65 triệu tấn trở lên.

  • Nỗ lực vượt khó

Theo VFA, xuất khẩu gạo 11 tháng năm 2012 đạt 7,101 triệu tấn, gần bằng cả năm 2011 (7,128 triệu tấn). Dự kiến năm nay sẽ xuất khẩu từ 7,65 đến 7,7 triệu tấn gạo; 11 tháng qua đạt 3,2 tỷ USD. Giá xuất khẩu bình quân 445,56 USD/tấn. So với cùng kỳ, lượng tăng 5,5% nhưng giá giảm bình quân 43 USD/tấn. Như vậy lợi nhuận đã giảm xuống, mặc dù bà con làm nhiều hơn nhưng hưởng lại ít hơn và ngoại tệ mang về cho đất nước cũng bị giảm theo.

Thu hoạch lúa tại ĐBSCL. Ảnh: DIỄM THY

Thu hoạch lúa tại ĐBSCL. Ảnh: DIỄM THY

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA, Giám đốc Công ty XNK Nông sản thực phẩm An Giang (Afiex) cho rằng, nếu so với người nuôi cá tra thì nông dân trồng lúa ĐBSCL vẫn khá hơn nhiều, trái với nhiều năm trước. Nếu nhìn ở khía cạnh khác, giá gạo có thể giảm hơn nếu như việc xuất khẩu năm nay không có những thay đổi cơ bản về chất lượng.

Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, việc gạo cao cấp 5%, bao gồm cả gạo thơm, nếp, tấm… chiếm hơn 59%, tăng 78% so với 11 tháng năm 2011 là nỗ lực rất lớn trong việc chuyển đổi chủng loại sản phẩm. Đó là điểm thay đổi rất lớn. Trong bối cảnh nông sản thế giới nhìn chung đều giảm giá, sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước, việc tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa trong dân cũng như cách điều hành trong việc xuất khẩu không để xảy ra biến động lớn là điểm sáng đáng ghi nhận.

  • Giá gạo giảm

Theo Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), thương mại toàn cầu năm 2013 đạt 37,5 triệu tấn gạo, tăng không nhiều so với năm 2012 nhưng là mức cao nhất từ trước đến nay. Điều này phản ánh sự mong muốn giảm tồn kho lớn từ các nước xuất khẩu để có chỗ cho các vụ mới, đặc biệt là Thái Lan sẽ khôi phục lại xuất khẩu gạo, dự kiến khoảng 8 triệu tấn. Do lượng tồn kho lớn có thể là áp lực khiến Thái Lan bán ra ở mức giá rẻ hơn trong bối cảnh thế giới đầy gạo.

Vì vậy, nếu Thái Lan bán ra nhiều sẽ làm giá gạo suy yếu thêm. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo năm 2013, Ấn Độ có thể giảm xuất khẩu còn 7,25 triệu tấn do sản lượng thu hoạch giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa tăng lên và Việt Nam là 7 triệu tấn. Trong khi đó, Philippines, Indonesia tuyên bố không nhập khẩu trong năm 2013. Có thể đây vẫn là “chiêu” Philippines từng tuyên bố nhưng thực tế vẫn tiếp tục mua gạo và tạo ra áp lực cho những nước bán ra.

Trước tình thế này, VFA xác định Philippines không còn là thị trường tập trung do Tổng Công ty Lương thực miền Nam đại diện ký nữa.

Công nhân Công ty Gạo Việt sắp xếp gạo chuẩn bị xuất khẩu. Ảnh: T.M.T

Công nhân Công ty Gạo Việt sắp xếp gạo chuẩn bị xuất khẩu. Ảnh: T.M.T

Diễn biến này lặp lại như cuối năm 2011 và đầu năm 2012, thậm chí còn khó khăn hơn khi Malaysia, châu Phi vẫn còn đủ gạo cho đến hết quý 1 năm 2013. Trong khi đó, theo VFA, cả trước mắt và lâu dài, Myanmar sẽ là đối thủ cạnh tranh chủ yếu với hạt gạo Việt Nam, đặc biệt với loại gạo phẩm cấp thấp khi giá bán của nước này rất thấp.

Tuy nhiên, dù khó khăn, ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) vẫn cho rằng, năm nào tình hình thế giới cũng đầy những bất trắc và khó khăn, ít khi thuận lợi nhưng với cách điều hành linh hoạt về giá cũng như việc tạm trữ gạo kịp thời sẽ giúp mở hướng ra trong những thời điểm khó khăn.  

CÔNG PHIÊN

Theo các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo tại ĐBSCL, giá gạo nguyên liệu đang giảm khá mạnh. Cụ thể, gạo nguyên liệu loại 1 để làm gạo xuất khẩu có giá 7.500đ/kg, loại gạo nguyên liệu phẩm cấp thấp hơn có giá khoảng 7.300 đồng/kg. Theo đó, giá gạo nguyên liệu đã giảm đến 500 đồng/kg so với 2 tuần trước đây mặc dù chất lượng gạo được người mua đánh giá tốt so với cùng thời điểm năm trước.

Nguyên nhân giá gạo giảm do hợp đồng xuất khẩu không được dồi dào như trước đây, các doanh nghiệp chủ yếu thực hiện hợp đồng xuất khẩu cho Indonesia và Malaysia. Trong khi đó, giá chào gạo xuất khẩu đã giảm khá mạnh, trung bình khoảng 20 USD/tấn. Cụ thể, giá chào gạo xuất khẩu của Việt Nam loại 5% tấm còn 420 - 430 USD/tấn, thấp hơn đến 125 USD/tấn so với gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Ấn Độ vào khoảng 420 - 430USD/tấn. Giá chào gạo xuất khẩu 25% tấm của Việt Nam cũng giảm 20 USD/tấn so với tuần trước, chỉ còn 390 - 400 USD/tấn.

PH. THỊ

Tin cùng chuyên mục