Xuất khẩu gạo - Những tín hiệu lạc quan

Tại buổi họp báo ngày 22-3 ở TPHCM, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Phạm Văn Bảy cho biết, thị trường gạo thế giới thời gian qua đã có những tín hiệu lạc quan.
Xuất khẩu gạo - Những tín hiệu lạc quan

Tại buổi họp báo ngày 22-3 ở TPHCM, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Phạm Văn Bảy cho biết, thị trường gạo thế giới thời gian qua đã có những tín hiệu lạc quan.

Nhà xuất và nhập khẩu “gặp nhau”

Đến ngày 18-3, Việt Nam xuất khẩu gần 1 triệu tấn gạo, đạt trên 465 triệu USD, so cùng kỳ năm 2009 giảm 25,98% về lượng và giảm 12,87% về giá trị. Như vậy, dù vẫn giảm nhưng so với tháng 2 tốc độ giảm đã ít hơn. Hiện nay số hợp đồng đã ký xuất khẩu được hơn 2 triệu tấn gạo.

Theo VFA, hiện nay đã có nhiều thị trường mới so với trước đây. Thị trường Iraq, sau nhiều năm gạo Việt Nam khó vào, đầu năm đến nay Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Công ty Liên doanh sản xuất chế biến và xuất khẩu gạo đã trúng thầu 150.000 tấn.

Sắp tới, Iraq sẽ tiếp tục đấu thầu đợt mua gạo mới. Trong khi Indonesia dù tuyên bố không thiếu gạo nhập khẩu, nhưng tồn kho chỉ còn khoảng 1,3 triệu tấn nên có nhiều khả năng phải nhập khẩu. Một thị trường khá mới nhưng đầy hứa hẹn là Nam Mỹ, một số nước bị mất mùa, do vậy phải tăng lượng gạo nhập khẩu để bổ sung lượng bị thiệt hại trong nước.

Thu hoạch lúa chế biến gạo xuất khẩu tại An Giang. Ảnh: CAO THĂNG

Thu hoạch lúa chế biến gạo xuất khẩu tại An Giang. Ảnh: CAO THĂNG

Vấn đề là doanh nghiệp (DN) cần theo dõi và chủ động thâm nhập. Thật ra, thị trường Nam Mỹ không phải hoàn toàn mới đối với DN, vì 5-7 năm trước Việt Nam đã từng xuất khẩu vào Brazil. Philippines, nhiều năm qua được xem là thị trường quan trọng của Việt Nam, hiện nay vẫn có nhu cầu mua thêm 800.000 tấn gạo, dự kiến sẽ mở thầu vào tháng 5, trong đó có 200.000 tấn gạo mua theo dạng hợp đồng thương mại.

Tuy nhiên, nhà xuất khẩu gạo số 1 thế giới – Thái Lan, đang cần giải phóng bớt lượng gạo tồn kho nên việc đấu thầu hợp đồng tập trung và cả đàm phán theo hợp đồng thương mại sẽ khó khăn hơn, đòi hỏi VFA phải có chiến lược và chiến thuật phù hợp để ứng phó, nhằm “bảo vệ” thị trường này.

Ngay cả thị trường sát Việt Nam là Trung Quốc, một số tỉnh giáp với Việt Nam bị hạn hán, một số DN đã qua tìm hiểu tình hình và cho biết, có tín hiệu sẽ mua vào qua đường biên giới, dù có thể không nhiều, nhưng trong bối cảnh hiện nay, nhiều thị trường mới mà cũ của Việt Nam muốn nhập khẩu gạo đã là những tín hiệu đáng mừng.
 
Thị trường được mong đợi nhất là châu Phi, nhu cầu vẫn cao như hàng năm. Nhưng vấn đề ở đây, những nhà nhập khẩu (ở các nước phát triển) mua và cung ứng cho thị trường này, sau thời gian chờ đợi, chưa muốn mua do Việt Nam đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân, vụ lúa có sản lượng và chất lượng cao nhất trong năm. Họ có ý chần chừ để chờ giá xuống thêm.

Nhưng hơn 1 tháng qua, dù thu hoạch rộ Việt Nam đã cho thấy khả năng và sức chịu đựng, khi mua gạo trữ vào kho, chưa cần phải bán vội. Trong khi đó, lượng gạo tồn kho của châu Phi không còn nhiều như trước, nên nhà nhập khẩu buộc phải mua vào.

Những ngày qua, nhà nhập khẩu tỏ ra thiện chí hơn, nên giá đàm phán gạo xuất khẩu Việt Nam đã nhích dần lên và thời gian tới, nếu đúng như nhận định, nhà nhập khẩu và xuất khẩu sẽ “gặp nhau” khi 2 bên thật sự đều có nhu cầu mua và bán.
 
Tiếp tục mua tạm trữ 500.000 tấn gạo

Các DN thuộc VFA đã mua tạm trữ 790.000 tấn gạo đạt 79%, theo kế hoạch, dự kiến sẽ mua hết chỉ tiêu trong tháng 3. Theo VFA, sẽ tiếp tục mua khoảng 500.000 tấn gạo sau đó.

Việc mua tạm trữ ngay từ đầu vụ của VFA không chờ nhà nước công bố giá thành lúa, giá sàn tối thiểu, cũng như việc VFA chỉ đạo hội viên tổ chức lại lực lượng các nhà máy xay xát, hàng xáo cùng với các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ tỏ ra hiệu quả, giữ ổn định được giá lúa cho nông dân.

Cùng với việc DN tiếp tục mua vào nên giá lúa đã lên khoảng 4.500 đồng/kg.VFA cho biết, 1 triệu tấn gạo mua dự trữ đợt này, các DN sẽ không kiến nghị Chính phủ được hưởng lãi suất ưu đãi, khi thị trường gạo thế giới có xu hướng tăng lên cả về nhu cầu và giá cả.

Cái khó cho DN hiện nay là việc vay ngân hàng để mua lúa, gạo phải chịu lãi suất khá cao từ 14% đến 20%/năm, đặc biệt là DN vừa và nhỏ. Mặc dù trước đó Chính phủ chỉ đạo việc vay vốn để xây dựng kho bãi sẽ được hưởng ưu đãi về lãi suất, nhưng đến nay, hầu như chưa có DN nào được vay theo dạng này để xây kho.

Tuy vậy, để chủ động trong việc đảm bảo tiến độ xây dựng kho bãi, VFA yêu cầu các DN có thể tận dụng nguồn vốn sẵn có hoặc vay ngân hàng khác để thi công thay vì chỉ trông chờ vào Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN.

Nhưng để giảm bớt rủi ro khi thị trường có những biến động thất thường, việc mua tạm trữ 500.000 tấn gạo đợt tới có thể kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục