

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo VN trao đổi với doanh nghiệp vùng Tây và Trung Phi. Ảnh: M.V.
Nếu chỉ tính 22 nước vùng hạ Sahara (châu Phi), lượng gạo nhập khẩu hàng năm cũng đã lên đến 6 triệu tấn trong tổng nhu cầu tiêu thụ là 16 triệu tấn và con số này sẽ còn tăng lên từng năm.
Theo bà Macatia Barai, đến từ Guinée Bissau, các nước trong khu vực này nhập khẩu gạo từ nhiều quốc gia, trong đó nhiều nhất là từ Thái Lan, Pakistan và Việt Nam (VN). Tuy VN hiện chỉ đứng thứ 3, nhưng các nước này đang có xu hướng chuyển qua nhập khẩu gạo VN do giá gạo cạnh tranh hơn.
Từ ý kiến trên có thể thấy, gạo VN đang có thuận lợi tại thị trường xuất khẩu gạo rất tiềm năng này. Hơn thế, đây còn là thị trường phù hợp với loại gạo chất lượng trung bình, được sản xuất manh mún hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long - như nhận định của bà Phan Thị Thúy Truyền, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư - du lịch - thương mại tỉnh An Giang.
Tại buổi gặp gỡ đầu tiên giữa các nhà buôn VN với người mua là các nước thuộc khối Cộng đồng Kinh tế và tiền tệ Trung Phi (CEMAC) và Liên minh Kinh tế và tiền tệ Tây Phi (UEMOA) được tổ chức tại TPHCM từ ngày 25 đến 27-11, đại diện các nước này đều cho rằng, nhà nhập khẩu châu Phi đang cần đối tác là nhà xuất khẩu châu Á hơn bao giờ hết, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giới.
Nhu cầu rất lớn, nhưng các nước này hiện không thể nhập khẩu gạo được, vì những công ty thuộc các nước châu Âu và Bắc Mỹ (vốn nhập khẩu phần lớn lượng gạo từ châu Á, trong đó có VN để cung cấp cho châu Phi theo những chương trình viện trợ) do tác động khủng hoảng, ngân hàng gặp khó khăn, nên không thể mở tín dụng thư (L/C). Tuy nhiên, cũng theo các vị đại diện này, về mặt địa lý, VN đối với châu Phi là xa, nhưng không phải quá xa. Nhật Bản còn xa hơn VN mà châu Phi vẫn có được thông tin, xa ở đây chủ yếu là do thiếu thông tin trực tiếp. Vì vậy, cần tổ chức những diễn đàn doanh nghiệp tiểu vùng Mekong với vùng Tây và Trung Phi.
Bên cạnh đó, cần phải có chiến lược quảng bá về nhà sản xuất, sản phẩm, thương hiệu VN. Và quan trọng hơn, thành lập những hiệp hội đủ năng lực bảo vệ quyền lợi của 2 phía. Vấn đề thanh toán đảm bảo và an toàn cũng là vấn đề rất đáng quan tâm, bởi đây là khâu quyết định để các doanh nghiệp VN mạnh dạn hơn với thị trường các nước thuộc 2 khu vực Pháp ngữ này. Nếu hai bên mở được nút thắt, gạo VN vào khu vực này chắc chắn không dừng lại ở tỷ lệ khiêm tốn 12% nhu cầu như hiện nay.
6 quốc gia khối CEMAC: Cameroon, Trung Phi, Congo, Gabon, Guinée Xích đạo và Tchad. Tổng dân số 35 triệu người. 8 quốc gia khối UEMOA: Senagal, Guinée Bissau, Bờ biển Ngà, Burkina Faso, Niger, Mali, Togo, Benin. Tổng diện tích là 3,5 triệu km2, với khoảng 80 triệu người. Chiều 27-11, sau 3 ngày gặp gỡ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Huỳnh Minh Huệ cho biết, gặp gỡ lần đầu chưa thể mong đợi nhiều điều, mà đây là nền tảng cho chiến lược hợp tác thương mại lâu dài giữa tiểu vùng Mekong với CEMAC và UEMOA. Trên tinh thần đó, theo ông, những trao đổi, hứa hẹn từ cuộc gặp gỡ này có nhiều cơ sở trở thành hiện thực. Qua gặp gỡ trực tiếp, hai bên có thể hiểu nhau hơn, nhận diện được khó khăn và cùng tìm cách tháo gỡ. Phía các bạn châu Phi cũng đã nhận ra điểm yếu là sự manh mún trong nhu cầu đặt hàng nhỏ lẻ (chỉ vài ngàn tấn) nên đã đưa ra đề xuất là lập một tổ chức điều phối, một hiệp hội như VN, để tập hợp thành những đơn hàng lớn. Có thể nói đây là yếu tố tích cực. Vấn đề thứ hai là thanh toán, trong đó điều mà các doanh nghiệp VN quan tâm nhiều nhất là chi phí vận chuyển. Những điều này sẽ còn phải tiếp tục trao đổi. Nhưng như ông Huệ nói, khi đã ngồi trên cùng một chiếc thuyền, vì quyền lợi chung thì sẽ có cách giải quyết tốt cho cả đôi bên. |
Công Phiên