Xuất khẩu gạo - xu hướng đảo chiều?

Xuất khẩu gạo đang có những chuyển động trái chiều và khá bất thường. Quý 1 tăng trưởng mạnh về lượng gạo xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2015, giá lúa gạo trong nước tăng và vững ở mức khá cao, nhưng 2 tháng đầu quý 2 lại sụt giảm mạnh cả lượng gạo xuất khẩu và hợp đồng ký mới. Dự báo tháng 6 này chỉ xuất khẩu khoảng 450.000 tấn. Giá lúa gạo sụt giảm…
Xuất khẩu gạo - xu hướng đảo chiều?

Xuất khẩu gạo đang có những chuyển động trái chiều và khá bất thường. Quý 1 tăng trưởng mạnh về lượng gạo xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2015, giá lúa gạo trong nước tăng và vững ở mức khá cao, nhưng 2 tháng đầu quý 2 lại sụt giảm mạnh cả lượng gạo xuất khẩu và hợp đồng ký mới. Dự báo tháng 6 này chỉ xuất khẩu khoảng 450.000 tấn. Giá lúa gạo sụt giảm…

Thu hoạch lúa tại ĐBSCL. Ảnh: THÀNH TRÍ

Chu kỳ biến động

Xuất khẩu gạo quý 1-2016 có bước khởi điểm tốt, tăng mạnh về lượng so với cùng kỳ năm rồi - lên đến 57,6%, trị giá FOB tăng 51,1%. Đây là mức cao so với bình quân xuất khẩu quý 1 hàng năm. Nguyên nhân do hợp đồng gối đầu chuyển sang từ năm 2015 còn nhiều, đặc biệt là hợp đồng chính phủ (G-to-G) với Indonesia, Philippines và hợp đồng thương mại ký mới với Trung Quốc khá nhiều. Điểm tích cực của xuất khẩu gạo 5 tháng qua chính là lượng gạo thơm luôn chiếm vị trí hàng đầu với 29% trong số 2,28 triệu tấn gạo xuất khẩu, tăng 34,4% so cùng kỳ. Lý giải về điều này, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết gạo thơm Việt đã lấn thị phần gạo thơm của Thái Lan tại châu Phi, nhất là 2 nước Ghana và Bờ Biển Ngà. Giá gạo thơm Jasmine giao dịch tăng từ cuối tháng 4, lên mức 485USD/tấn so với 470 - 475USD/tấn. Kế đến là gạo trắng cao cấp, chiếm 21,7%. Gạo nếp cũng có lượng xuất khẩu tăng hơn 16% so cùng kỳ, do nhu cầu trở lại mạnh mẽ từ Trung Quốc; gạo cấp thấp chỉ còn chiếm hơn 10% tổng lượng gạo xuất khẩu.

Theo VFA, sự tăng mạnh lượng gạo xuất quý 1, kèm theo hạn hán ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, lượng gạo gối đầu cuối năm 2015 thấp, nên giá lúa gạo trong nước tăng mạnh. Nhưng khi giá tăng cao hơn thị trường giao dịch thế giới lại là điều bất lợi, mất lợi thế cạnh tranh. Gạo Việt Nam cao hơn giá gạo chào bán các nước như Ấn Độ, Pakistan, kể cả với Thái Lan khoảng 10 - 20USD/tấn. Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp e ngại, không dám ký thêm hợp đồng. Hợp đồng mới, cả hợp đồng tập trung và thương mại, của hai tháng 4 và 5 sụt giảm dưới mức trung bình hàng năm (khoảng 600.000 tấn/tháng).

Do vậy, sang tháng 5, lượng hợp đồng thương mại sụt giảm khá mạnh, hợp đồng tập trung hầu như không còn, đã kéo giá lúa gạo trong nước giảm xuống khoảng 250 đồng/kg, nhưng vẫn cao hơn giá cùng kỳ khoảng 500 đồng/kg. Lượng xuất khẩu giảm mạnh, phải điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu quý 2 nhiều lần, từ 1,8 triệu tấn, xuống 1,5 triện tấn. Nhưng với tình hình hiện nay, quý 2 chỉ xuất khoảng 1,3 - 1,4 triệu tấn, trong đó, tháng 6 dự kiến ở mức 450.000 tấn. VFA cho biết, đây là con số thấp nhất của quý 2 trong nhiều năm qua. Như vậy, 6 tháng đầu năm chỉ có thể xuất khẩu 2,7 - 2,75 triệu tấn. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc diễn biến bất thường: Quý 1 nhập khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh nhất trong nhiều năm, tăng trên 50% và hợp đồng đã ký cũng tăng 23%; sang quý 2 lại giảm mạnh nhất trong nhiều năm. Trung Quốc điều chỉnh nguồn cung do giá gạo Việt Nam cao hơn nơi khác, nên 5 tháng qua Trung Quốc nhập gạo của Việt Nam giảm nhẹ so với cùng kỳ 2015. Ngay cả gạo nhập tiểu ngạch cũng sụt giảm mạnh nhất trong những năm qua, do chính phủ Trung Quốc siết chặt tiêu chuẩn nhập khẩu. Từ tháng 5, giá gạo Việt chào bán thấp nhất so với 3 nước nêu trên, trở thành nguồn cung cấp gạo cạnh tranh nhất khu vực. Ông Huệ cho rằng, đây là chu kỳ biến động khi thị trường đảo ngược do thiếu nhu cầu mới. 

Giá vẫn tốt hơn 2015?

Trước khi mùa mưa 2016 bắt đầu, với tình hình khô hạn tác động đến các nước xuất khẩu gạo chủ yếu ở châu Á như Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, đã có lúc người ta dự báo về xu hướng tăng giá mạnh, thậm chí như hồi năm 2008. Nhưng gần như giờ đây có sự đổi chiều. Mùa mưa tới bình thường ở các nước, trong đó Ấn Độ được dự báo có một mùa mưa thuận lợi, nên việc sản xuất khá tốt. Đó là lý do xu hướng giá lúa gạo suy yếu trở lại trong thời gian tới. Trước đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ nhận định sản lượng thấp, tồn kho giảm; nhưng với xu thế hiện nay, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho rằng sản lượng toàn cầu tăng vượt nhu cầu tiêu thụ. Trong nước, dự báo sản lượng hè thu và thu đông tăng bù cho sản lượng vụ đông xuân, nên không thay đổi nhiều về khả năng cung ứng lượng gạo xuất khẩu. Hiện nay đang vào vụ thu hoạch hè thu. Vấn đề quan trọng hiện nay là cân đối cung - cầu. Thông thường gạo tồn kho từ đông xuân sang hè thu các năm nhiều hơn, 500.000 - 700.000 tấn để trộn với lúa hè thu thường có chất lượng thấp. Theo VFA, 6 tháng cuối năm, nhu cầu hợp đồng tập trung sẽ tăng trở lại. Nhờ nhu cầu chỉ là gạo chất lương trung bình, gạo Việt đáp ứng được. Nhưng theo nhận định của các chuyên gia, xu hướng giá thị trường thế giới không sụt giảm nhiều, cả ở Thái Lan, Ấn Độ và  Pakistan. Vì vậy, dù xu hướng giá có xuống trở lại nhưng vẫn tốt hơn năm 2015.

Sự kiện được chú ý gần đây của ngành xuất khẩu gạo là Trung Quốc, nước nhập khẩu gạo Việt Nam nhiều nhất từ mấy năm qua, nhưng cũng khá bát nháo về chất lượng, vừa ký Nghị định thư với Việt Nam về xuất khẩu gạo và cám gạo. Hai mặt hàng này khi xuất sang Trung Quốc, kể cả xuất theo đường tiểu ngạch đều phải được kiểm dịch và khử trùng trước khi xuất, phải đảm bảo trong sản phẩm không có 9 loại côn trùng gây hại, không có kim loại nặng và vi khuẩn Samonella. Đây được xem là thắng lợi của Việt Nam. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, đây là nỗ lực rất lớn của bộ và Cục Bảo vệ thực vật, tạo hành lang pháp lý nhằm tháo gỡ rào cản kỹ thuật, tạo thuận lợi và sự chủ động, giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp để hạt gạo Việt Nam vào Trung Quốc. Nếu thực hiện tốt sẽ tạo đà đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang Trung Quốc trong thời gian tới, cũng như tạo vị thế hạt gạo Việt Nam cho việc xuất khẩu sang thị trường các nước khác.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục