Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sụt giảm 2 tháng liên tiếp

Sau thời gian dài tăng trưởng trên bình quân 2 con số mỗi năm, nhưng từ tháng 4-2022 việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có dấu hiệu chựng lại, đến tháng 6 và 7-2022, tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2021 khi lần lượt giảm 11% và 5,5%.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sụt giảm 2 tháng liên tiếp

Đó là thông tin tại tọa đàm Hội chợ Quốc tế đồ gỗ & mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (VIFA-EXPO 2022) sẽ diễn ra từ ngày 31-8 đến 3-9-2022 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, TPHCM.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho rằng, nguyên nhân là do các thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ và châu Âu đang phải đối đầu với nhiều khó khăn do tác động cuộc xung đột giữa Nga - Ucraina. Lạm phát cao ở các nhiều nước khiến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, dẫn đến giảm nhu đối với các sản phẩm chưa thật sự cần thiết, trong đó có các sản phẩm gỗ và đồ dùng nội thất. Cũng theo ông Phương, còn có nguyên nhân khác là do các nhà nhập khẩu thế giới tính toán chưa chính xác nên thời gian qua nguồn hàng còn ùn ứ với số lượng khá lớn tại kho bãi, cảng ở nước ngoài và ngay ở Việt Nam. Phải giải quyết nguồn hàng tồn kho này với thời gian xử lý từ 3-4 tháng, thậm chí 12 tháng.

Thông tin trước đó từ Bộ NNPTNT cho thấy, Trung Quốc là 1 trong 3 thị trường nhập khẩu các sản phẩm đồ gỗ lớn nhất Việt Nam vẫn triệt để áp dụng chính sách Zero Covid. Những yếu tố này tác động lẫn nhau dẫn đến việc đứt gãy chuỗi cung ứng, giá thành sản phẩm tăng do nguyên vật liệu và phí vận chuyển đều tăng, thậm chí có lúc tăng rất cao. Đặc biệt, Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, nhưng việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đến quốc gia này sụt giảm tác động đến hoạt động xuất khẩu của toàn ngành. Bên cạnh đó, ngành gỗ còn đối mặt với việc khởi xướng điều tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) với mặt hàng tủ gỗ và bàn trang điểm. Làm cho đơn hàng giảm, tồn kho nhiều. 

Theo nhận định từ HAWA, dù vậy, thị trường cũng có những tín hiệu tích cực: Nhiều dự án xây dựng trong nước đang khởi động tốt; các thị trường Nhật, Hàn Quốc, Úc... vẫn có đơn hàng ổn định ở phân khúc cao. Ngoài ra, từ tháng 9 tới sẽ có đơn đặt hàng mới cho mùa mua sắm cuối năm trên thế giới. 

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Hội chợ VIFA - EXPO 2002 là thời điểm phù hợp để nhà sản xuất và nhà nhập khẩu có điều kiện gặp nhau tìm hiểu, trao đổi và ký kết hợp đồng hoặc văn bản ghi nhớ cho thời gian tới. Đây cũng là điều kỳ vọng của các doanh nghiệp chế biến gỗ. Nếu vượt qua mùa đông tới đây thì mùa xuân 2023 sẽ tươi sáng hơn. Ngành chế biến gỗ có thời gian dài tăng trưởng từ năm 2009 nên khó khăn hiện nay cũng là điểm dừng để các doanh nghiệp có dịp nhìn lại cơ cấu đơn hàng, thị trường, sắp xếp và tổ chức lại sản xuất.

Bộ NNPTNT dự báo, năm nay kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có thể đạt 16,3 tỷ USD. Con số này đến tháng 7 là 10,3 tỷ USD.

Tin cùng chuyên mục