Tại diễn đàn xuất khẩu 2015 với chủ đề “Giải pháp thâm nhập thị trường Hoa Kỳ và Mỹ Latinh” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, nếu Hoa Kỳ là thị trường chủ lực của xuất khẩu Việt Nam thì khu vực Mỹ Latinh lại là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp (DN), bởi thị hiếu tiêu dùng không quá khó tính. Chính vì vậy hàng hóa của Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng tốt, đặc biệt là nhóm các mặt hàng có thế mạnh như quần áo, giày dép, thực phẩm chế biến…
Thị trường tiềm năng
Theo Bộ Công thương, khu vực Mỹ Latinh gồm 33 nước, dân số 600 triệu người. Về ngoại thương, Mỹ Latinh là nguồn cung nhiều sản phẩm quan trọng cho thị trường thế giới như khoáng sản và dầu mỏ, các mặt hàng chế tạo. Khu vực này cũng là thị trường có nhu cầu tiêu dùng rất lớn về sản phẩm sơ chế, hàng tiêu dùng.
Dây chuyền may quần áo xuất khẩu sang nhiều thị trường của Tổng Công ty May Nhà Bè
Đến nay, Việt Nam có quan hệ buôn bán với 33 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Mỹ Latinh. Kim ngạch hai chiều năm 1990 chỉ vài chục triệu USD, thì đến năm 2000 đã đạt 245 triệu USD. Năm 2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Mỹ Latinh đạt 9,5 tỷ USD, tăng 40,7% so với năm 2013, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực đạt 4,71 tỷ USD, tăng 36,8% so với năm 2013; nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ Latinh đạt 4,8 tỷ USD, tăng 44,9%. Xét trên bình diện toàn khu vực, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ Latinh tương đối cân bằng. Đối tác thương mại chính của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh gồm: Brazil, Mexico, Chile, Colombia, Panama, Cuba, Peru, Argentina, Uruguay, Ecuador.
Riêng với Peru, ông Luis Tsuboyama, Đại biện Đại sứ quán Peru tại Việt Nam khẳng định, thương mại hai chiều giữa hai quốc gia tăng trưởng cao liên tiếp trong một thập niên (2005 - 2015), tuy khối lượng giao dịch vẫn còn ở mức thấp. Bắt đầu từ thương mại hai chiều chỉ dưới 50 triệu USD, xuất nhập khẩu của Việt Nam và Peru tăng 159% trong giai đoạn 2005-2010, sau đó tăng hơn 74,3% chỉ trong hai năm tiếp theo (2010-2012). Từ khi thành lập Đại sứ quán Peru tại Việt Nam (năm 2013), các mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia đã được nâng lên, kim ngạch hai chiều năm 2014 đạt trên 350 triệu USD, tăng 104% so với năm 2013. Điều này cho thấy thị trường Peru được biết đến nhiều hơn với các công ty Việt Nam. 9 tháng đầu năm 2015, Peru xuất khẩu sang Việt Nam đạt hơn 50 triệu USD và nhập khẩu từ Việt Nam hơn 250 triệu USD.
Ông Trần Duy Đông, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ - Bộ Công thương nhận định, Mỹ Latinh có dung lượng nhập khẩu lớn, dân số đông, nhu cầu hàng hóa cho sản xuất và tiêu thụ ở mức cao. Phần lớn người tiêu dùng vẫn ưa chuộng hàng nhập khẩu, phù hợp với hàng hóa của Việt Nam. Các nước Mỹ Latinh có chính sách kinh tế đối ngoại hướng về châu Á, trong đó có Việt Nam. Theo đó, thương mại hai chiều từ nhiều năm qua có tính tương hỗ rất lớn nên không lo phải cạnh tranh trực diện với hàng hóa của các nước trong khu vực này. Tuy vậy, thâm nhập thị trường Mỹ Latinh cũng không ít khó khăn vì DN còn thiếu thông tin, rào cản ngôn ngữ giao tiếp, vận chuyển xa xôi nên chi phí vận tải cao, phương thức thanh toán chưa thuận lợi, xu thế bảo hộ gia tăng tại một số thị trường như Mexico, Brazil và Argentina, sự cạnh tranh gay gắt với hàng một số nước châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ) và với hàng tại khu vực Mỹ Latinh, trong khi các hoạt động xúc tiến thương mại tại khu vực này chưa được ưu tiên.
Lợi ích kép từ TPP
Cùng với quan hệ tốt đẹp sẵn có với Việt Nam, các nước Mỹ Latinh đang ngày càng thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Đáng chú ý, trong 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có 3 nước thuộc khu vực Mỹ Latinh gồm Chile, Peru, Mexico. Ông Luis Tsuboyama cho rằng, tham gia Hiệp định TPP, một trong những lợi ích quan trọng của Peru là tiếp cận với 5 thị trường mới, trong đó có Việt Nam. Việt Nam sẽ loại bỏ 66% dòng thuế tương đương với 98% xuất khẩu của Peru tới thị trường Việt Nam, riêng cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá cơm đông lạnh, dầu cá sẽ được miễn thuế ngay sau khi TPP có hiệu lực. Ngược lại, Peru cam kết xóa bỏ tới 80,7% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực, tương đương 62,1% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam. Peru xóa bỏ thuế quan đối với 99,4% tổng số dòng thuế vào năm thứ 17.
Lợi ích chính mà Việt Nam nhận được từ Peru là ngoài 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực từ Việt Nam sang Peru được duy trì trước và sau TPP, Việt Nam còn có tiềm năng xuất khẩu mặt hàng hạt điều, nhãn, vải, thanh long nếu đáp ứng quy định về SPS của Peru (dự kiến sẽ hoàn thành vào năm tới). Ngoài ra, các công ty Việt Nam còn có cơ hội thâm nhập tốt hơn trong lĩnh vực mua sắm công của Peru về hàng hóa, dịch vụ, xây dựng.
Mexico xóa bỏ 77,2% số dòng thuế ngay khi thực thi cam kết, chiếm 36,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico, tương ứng với 282 triệu USD. Vào năm thứ 10, 98% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu, tương ứng 440 triệu USD. Mexico không cam kết xóa bỏ thuế đối với mặt hàng đường và áp dụng hạn ngạch thuế đối với sữa kem và sản phẩm, dầu cọ. Riêng với Chile cam kết xóa bỏ đối với 95,1% số dòng thuế ngay khi TPP có hiệu lực, tương đương 60,2% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang nước này.
Mặc dù không nằm trong 12 nước tham gia TPP, song Cuba cũng được nhận định là một thị trường ở Mỹ Latinh được các DN Việt Nam quan tâm. Theo Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Cuba năm 2014 là 206 triệu USD. Cuba có nhu cầu cao nhất với nhóm thiết bị sản xuất và thực phẩm. Thương mại song phương còn nhiều tiềm năng phát triển.
Chia sẻ thêm về thị trường Cuba, ông Trần Thanh Tú, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Thái Bình, cho biết, công ty mở văn phòng đại diện tại Cuba vào năm 1998, văn phòng đại diện tại Mỹ, Dominican vào năm 2014. Công ty hướng tới trở thành tập đoàn thương mại và đầu tư hàng đầu giữa Việt Nam và Cuba, từ đó mở rộng ra các quốc gia vùng Mỹ Latinh. Lợi thế cạnh tranh của Công ty Thái Bình là có tầm nhìn, tâm huyết và kinh nghiệm thị trường, hiểu được ngôn ngữ và bản sắc địa phương, nên đáp ứng nhu cầu các phân khúc tiêu dùng. Công ty cung cấp cho thị trường sản phẩm chất lượng tốt, ổn định với giá cạnh tranh, nhận được sự tín nhiệm cao từ đối tác cung ứng, hệ thống bán lẻ và người tiêu dùng.
Công ty Thái Bình sẵn sàng hợp tác cùng các DN Việt Nam có nhu cầu đầu tư và mở rộng sang thị trường Cuba. Mô hình hợp tác kinh doanh là sản xuất hàng dệt may; gia công túi xách, ví, giày dép, bàn chải, xà bông, bột giặt, chất tẩy rửa; phân phối vật liệu xây dựng, thực phẩm, phụ tùng xe, sản phẩm gia dụng, điện - điện tử, điện lạnh, cửa nhựa.
Tiềm năng để tăng lượng hàng xuất khẩu vào Mỹ Latinh là rất lớn. Ông Trần Duy Đông nhìn nhận, cần tăng cường thông tin về thị trường Mỹ Latinh cho DN Việt Nam và thông tin về Việt Nam cho doanh nhân khu vực Mỹ Latinh; đẩy mạnh cung cấp thông tin hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến; tổ chức các đoàn đi hội chợ, triển lãm, khảo sát thị trường tìm đối tác, bạn hàng; mời các đoàn nước ngoài vào làm việc, hội thảo, gặp gỡ DN và tham dự hội chợ, triển lãm tại Việt Nam. Những vấn đề này cần được giải quyết rốt ráo, Việt Nam mới có thể tận dụng tốt hơn các cơ hội từ TPP để tăng mạnh lượng hàng xuất khẩu vào thị trường này.
Hải Hà-Vân Khánh