Thêm nhiều chương trình giới thiệu hàng Việt
Theo nội dung ký kết, Bộ Công thương và Tập đoàn AEON sẽ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau nhằm thực hiện việc khai thác thị trường trong và ngoài nước, cũng như tăng cường cơ hội kinh doanh, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các DN. Đặc biệt, Tập đoàn AEON cam kết đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống của AEON trên toàn cầu đạt 500 triệu USD vào năm 2020 và đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.
Bên cạnh đó, AEON cam kết sẽ hỗ trợ cho các nhà cung ứng Việt Nam, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa của Việt Nam từng bước nâng cao năng lực sản xuất, trình độ quản lý để đáp ứng các tiêu chuẩn hàng hóa của AEON phù hợp với quy định pháp luật, đặc biệt là tại những thị trường quan trọng mà Tập đoàn AEON hiện đã có mặt như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Nhật Bản. Theo nhận định của Bộ Công thương, việc Tập đoàn AEON sẵn sàng cam kết mục tiêu xuất khẩu cao đã phản ánh niềm tin của tập đoàn vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, vào những cam kết thuận lợi hóa môi trường kinh doanh của Chính phủ. Đồng thời, phản ánh thực tế là ngày càng có nhiều DN Việt chọn hướng kinh doanh bài bản, lâu dài, tập trung đầu tư sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong từng sản phẩm cụ thể, đảm bảo được yêu cầu của các hãng phân phối và đã thâm nhập thành công vào các hệ thống phân phối hiện đại.
Theo tính toán của AEON Việt Nam, hiện có 1.675 nhà cung cấp Việt Nam đang cung cấp hàng hóa cho hệ thống AEON. AEON đã xuất khẩu trực tiếp hàng hóa của Việt Nam vào 14.000 cửa hàng của Aeon tại châu Á và Nhật Bản với tổng giá trị đạt hơn 200 triệu USD trong năm 2017, riêng mặt hàng cá tra đạt 1.500 tấn với trị giá 9 triệu USD.
Ngoài AEON, còn có các tập đoàn, DN nước ngoài đang phân phối tại Việt Nam như E-Mart, Lotte (Hàn Quốc), Auchan (Pháp), Central Group (Thái Lan)… đã thực hiện các chương trình, tuần lễ giới thiệu hàng Việt tại các kênh phân phối của nước sở tại, cũng như ở các điểm bán Việt Nam. Cụ thể, ngày 22-8 vừa qua, Tập đoàn Central Group Việt Nam phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Tuần hàng và du lịch Việt Nam 2018 tại Trung tâm thương mại Central World Bangkok, Thái Lan với sự tham gia của 51 DN Việt (trong đó có 30 DN thực phẩm và các DN hàng gia dụng, thời trang, thủ công mỹ nghệ).
Bên cạnh việc tổ chức giới thiệu hàng hóa, tập đoàn còn tổ chức chương trình kết nối DN Việt Nam gặp gỡ trực tiếp bộ phận thu mua của hệ thống cửa hàng bán lẻ thuộc Central Group Thái Lan để tìm hiểu về nhu cầu và tín hiệu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, các quy định và thủ tục theo luật định, sản phẩm chủ lực nào mà DN Việt Nam cần tập trung cũng như những điều chỉnh phù hợp để có thể thâm nhập thị trường Thái Lan nói riêng và ASEAN nói chung.
Bà Lê Thị Mai Linh, Phó Chủ tịch điều hành Central Group Việt Nam, cho biết, trong năm 2017 đã thực hiện xuất khẩu hàng Việt qua kênh phân phối tại Việt Nam đạt khoảng 60 triệu USD. Hiện tập đoàn này đang tiếp tục tìm kiếm các DN sản xuất các mặt hàng phù hợp để tăng lượng hàng xuất khẩu vào Thái Lan trong thời gian tới.
Cần đầu tư bài bản, nghiêm túc
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, vào đầu những năm 2000, thị trường phân phối tại Việt Nam bắt đầu được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm như: Đức với Metro, Pháp với Tập đoàn Bourbon, sau đó là các nhà phân phối đến từ châu Á như Lotte Mart... Đây chính là cơ hội các DN xuất khẩu Việt Nam bắt đầu tiếp cận trực tiếp để bán hàng vào hệ thống phân phối của nước ngoài tại Việt Nam. Trên cơ sở này, Bộ Công thương hình thành ý tưởng kết nối giữa hệ thống phân phối nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam với chính những DN xuất khẩu để trực tiếp đưa hàng vào hệ thống của họ tại thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, DN Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn về kinh nghiệm cũng như kiến thức kinh doanh quốc tế. Để hỗ trợ các DN, Bộ Công thương đã xây dựng Đề án Thúc đẩy các DN Việt Nam trực tiếp tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020, trình Thủ tướng Chính phủ và được phê duyệt. Từ đó đến nay, Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, nhất là DN, địa phương để thực hiện đề án hiệu quả.
Ông Yoon Byung Soo, Giám đốc chiến lược sản phẩm Lotte Mart Việt Nam, cho hay tổng giá trị hàng hóa mà Lotte Mart Hàn Quốc đã nhập khẩu hàng Việt Nam trong năm 2016 là 1.300 tỷ đồng. Riêng giá trị hàng mà Lotte Mart tại 2 nước Indonesia và Trung Quốc nhập khẩu đạt khoảng 100 tỷ đồng. Những mặt hàng nhập khẩu bán được nhiều nhất là hàng thủy sản, hàng quần áo thời trang, những mặt hàng dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Trong năm 2017, xuất khẩu sản phẩm Việt Nam đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, bao gồm các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hàng nông sản và các sản phẩm chuyên dùng cho sinh hoạt hàng ngày có chất lượng cao và giá bán tốt.
Nhìn nhận về kết quả thực hiện, ông Yoon Byung Soo cho rằng, nhu cầu sử dụng hàng Việt trên các kênh phân phối của Lotte Mart vẫn còn rất lớn. Cái khó là các DN vẫn chưa đáp ứng tốt về bao bì, mẫu mã dẫn đến hàng hóa còn đơn điệu, chưa tạo sự bắt mắt. Để cải thiện vấn đề trên cũng không hề đơn giản, bởi DN Việt chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ, gặp khó khăn về vốn, công nghệ. Việc thiết kế vẫn còn tùy tiện, sao chép mẫu mã của nước ngoài, thiếu sáng tạo, ấn tượng, chưa có bản sắc riêng.
Để khắc phục những điểm yếu của hàng Việt, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công thương tiến hành phối hợp với các tập đoàn, DN của nước ngoài tổ chức những lớp tập huấn để cung cấp cho DN Việt Nam kiến thức, thị trường, sản phẩm, thị hiếu của người tiêu dùng tại các nước. Qua đó, Bộ Công thương phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng, địa phương và đối tác của nước ngoài để lựa chọn DN Việt Nam có đủ năng lực tham gia vào đề án. Các DN ngoài việc trực tiếp cung cấp thông tin về thị trường hàng hóa còn tham gia vào đoàn khảo sát, phối hợp DN nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam để nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng các nước. Mặt khác, bộ sẽ kết nối để thúc đẩy các DN phân phối FDI chuyển giao công nghệ, năng lực cho DN Việt Nam có đủ điều kiện để tham gia cung cứng vào chuỗi phân phối tại các nước.
Theo khuyến cáo của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, để kênh xuất khẩu hàng Việt đạt được hiệu quả cao nhất vẫn phụ thuộc vào năng lực nội tại của DN Việt Nam. Các DN cần đầu tư bài bản, nghiêm túc, lâu dài từ nguồn nguyên liệu để làm ra sản phẩm, khâu sản xuất, lưu thông, đặc biệt bảo đảm chất lượng hàng hóa đáp ứng yêu cầu cao của các nước. Các DN cần kết hợp để tạo nên dung lượng hàng hóa đủ lớn cho các tập đoàn nước ngoài tiêu thụ trong hệ thống siêu thị của họ, chứ không chỉ đơn thuần của một DN nào. Chỉ như vậy hàng Việt Nam mới có thể rút ngắn các khâu trung gian, cạnh tranh tốt hơn về giá bán.