Chưa bao giờ xuất khẩu lao động (XKLĐ) Việt Nam lại phải hứng chịu cú sốc quá lớn như hiện nay mà đỉnh điểm là phải đưa hơn 10.000 lao động đang làm việc tại Libya về nước. Tiếp đến là hàng loạt thị trường XKLĐ khu vực châu Phi và Trung Đông cũng bị thu hẹp dần… Liệu mục tiêu đưa 87.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2011 có đạt được hay không? Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH), cho biết:
Tình hình XKLĐ ở nước ta trong những tháng đầu năm 2011 phải đối mặt với không ít khó khăn khi hơn 10.000 lao động tại Libya - thị trường mới thu hút nhiều lao động Việt Nam trong vài năm trở lại đây - phải về nước trước thời hạn. Nỗ lực đưa hơn 10.000 lao động từ Libya về nước an toàn là một thành công lớn. Hiện chúng tôi đang tập trung giải quyết các chế độ và tạo việc làm cho số lao động này.
- PV: Với tình hình XKLĐ hiện nay, liệu mục tiêu đưa 87.000 lao động đi làm việc trong năm 2011 có hoàn thành?
Ông Đào Công Hải: Đứng về góc độ quản lý nhà nước, theo tôi, mục tiêu đưa 87.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2011 vẫn có thể hoàn thành. Bởi lẽ, số lao động đi làm việc tại Libya chỉ khoảng 5.000 người/năm. Trong khi đó, chỉ ở thị trường Libya, lao động phải về nước trước thời hạn, còn các thị trường các nước khác trong khu vực này chưa bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, một số thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc)… đang có xu hướng tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam. Cụ thể, 3 tháng đầu năm, chúng ta đã đưa 19.814 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, phần đông lao động đến Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản…
- Trước đây, thị trường Malaysia thu hút rất nhiều lao động Việt Nam, hướng khai thác thị trường này sắp tới như thế nào?
Tôi vừa trao đổi với Bộ trưởng Nguồn nhân lực Malaysia để nâng tỷ lệ tiếp nhận lao động Việt Nam của họ. Dù lao động Việt Nam phải cạnh tranh khá gay gắt với lao động Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar, nhưng phía Malaysia cam kết sẽ dành chỉ tiêu đáng kể cho lao động Việt Nam. Bộ Nguồn nhân lực Malaysia đã cho phép các doanh nghiệp (DN) nước này tuyển dụng 45.000 lao động nước ngoài trong năm 2011. Tuy nhiên, trên thực tế Malaysia đang thiếu tới 90.000 lao động trong năm 2011 nên lao động Việt Nam có rất nhiều cơ hội. Những ngành nghề Malaysia đang có nhu cầu tuyển là dệt may, sản xuất - chế tạo, nhà hàng - khách sạn, xây dựng... Đây là thị trường có mức thu nhập trung bình, không đòi hỏi trình độ lao động cao và nhu cầu ổn định. Từ năm nay, chúng tôi sẽ tập trung khai thác thị trường này. Để đẩy mạnh số lượng lao động đưa sang làm việc tại Malaysia, cần phải làm tốt công tác thẩm định các hợp đồng ổn định, ít rủi ro; hướng dẫn các DN ký kết, triển khai đưa lao động đi. Hỗ trợ DN phối hợp với các cơ quan chính quyền, đoàn thể ở địa phương tổ chức tư vấn, tuyển chọn lao động đi làm việc tại Malaysia. Cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan về thị trường để người lao động đăng ký đi làm việc…
- Ngoài Malaysia, chúng ta sẽ tập trung khai thác những thị trường XKLĐ nào?
Ngoài việc duy trì khai thác các thị trường truyền thống châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia… chúng ta sẽ tập trung vào một số thị trường khác ở châu Âu, châu Úc và châu Mỹ… Hiện tại, Việt Nam là nước đưa được nhiều lao động nhất trong 15 nước có chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS).
Dù thực tế nảy sinh nhiều khó khăn, nhưng với nhiều chính sách mới, hoạt động XKLĐ năm 2011 được hy vọng sẽ có bước đột phá. Hiện nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang triển khai các chính sách đào tạo, giáo dục định hướng cho lao động khi đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp phối hợp với các trường đẩy mạnh đào tạo nghề theo cơ chế đấu thầu, để đào tạo đúng địa chỉ, cấp kinh phí đúng nơi, tập trung vào các nghề công nghệ cao như đốc công; điều dưỡng viên; hàn 3G, 6G; xây dựng để đạt tiêu chuẩn khu vực, quốc tế...
Hồ Thu thực hiện