Xuất khẩu nhiều, nông dân vẫn khổ

Cải thiện thu nhập người trồng lúa
Xuất khẩu nhiều, nông dân vẫn khổ

Những người trực tiếp làm ra sản phẩm và cung ứng nguồn nguyên liệu cho 2 ngành hàng xuất khẩu nông sản chủ lực là lúa gạo vào thủy sản, góp phần quan trọng mang về hàng tỷ USD mỗi năm, lại đang chịu nhiều thiệt thòi. Thu nhập của nông dân trồng lúa, nuôi cá, nuôi tôm bấp bênh; giá cả lên xuống thất thường khiến đời sống ngày càng khó. Đây là nghịch lý đối với 2 ngành hàng xuất khẩu chủ lực hiện nay.

Chuyển lúa về kho, chuẩn bị xuất khẩu. Ảnh: A.Bình

Chuyển lúa về kho, chuẩn bị xuất khẩu. Ảnh: A.Bình

Cải thiện thu nhập người trồng lúa

Tính đến cuối tháng 10-2012, Việt Nam chính thức đứng vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu gạo. Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), 10 tháng qua, các doanh nghiệp xuất khẩu được 6,484 triệu tấn gạo, trị giá gần 2,9 tỷ USD. Với lượng hợp đồng còn lại 1,1 triệu tấn, giao hàng đến hết tháng 12, nhiều khả năng Việt Nam có thể xuất 7,5-7,7 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, thu nhập người trồng lúa vẫn thấp kém, đời sống chậm cải thiện.

 Việt Nam đang “một mình một chợ” trong xuất khẩu cá tra, nhưng lại không làm chủ được thị trường thế giới do tổ chức chưa tốt. Các doanh nghiệp cạnh tranh lẫn nhau đã làm giá cá tra sụt giảm, nhà nhập khẩu biết điều này nên luôn ép giá. Ngoài ra, đa phần sản phẩm cá tra xuất dạng thô, không có thương hiệu, qua trung gian… Với những bất cập như trên, Việt Nam đã bị các nhà nhập khẩu đưa ra các rào cản thương mại cũng như các thủ thuật để gây khó. Hiện nay, nguồn thức ăn thủy sản phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài, trong khi thức ăn chiếm hơn 80% giá thành nuôi cá tra, giá thức ăn vẫn chưa thể kiểm soát… Đây là những hạn chế cần nhanh chóng khắc phụcThứ trưởng Bộ NN- PTNT Vũ Văn Tám

Ở góc độ thí điểm, bài toán làm thế nào để cải thiện thu nhập cho người trồng lúa, nâng tầm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo lên vị thế mới đã có lời giải. Hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn được các nhà quản lý, nhà khoa học và nông dân xác định là hướng đi cần thiết để tiến đến nền sản xuất lớn, hiện đại, bền vững; xây dựng được thương hiệu hạt gạo Việt Nam, hài hòa chuỗi giá trị…

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng: “Khi mô hình này được thực hiện đại trà trên diện tích lớn thì lo ngại lớn nhất là năng lực của các doanh nghiệp không đáp ứng được. Hiện nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực trong khâu vận chuyển, phơi sấy, kho trữ… nên khi nông dân thu hoạch đồng loạt sẽ dẫn đến dồn ứ. Giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng kho chứa, nhà máy sấy; phương tiện để đảm bảo thực hiện hợp đồng”. Theo GS-TS Võ Tòng Xuân,  mô hình này giúp nông dân trồng lúa tốt hơn, nhưng chưa giúp họ bán được lúa giá cao. Vì vậy, cần sự hỗ trợ của Nhà nước thì mới bền vững.

Nhiều ý kiến đề xuất sớm đổi mới chính sách thu mua tạm trữ, cơ chế điều hành xuất khẩu gạo. Ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Công thương Kiên Giang, cho rằng, việc điều hành xuất khẩu gạo hiện nay của VFA chưa hợp lý; nên giao cho Bộ Công thương đảm nhiệm. Đặc biệt nên xem xét, thành lập hiệp hội xuất khẩu gạo ĐBSCL, giao cho các địa phương quyền tự chủ. Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho rằng: “Quan trọng là Chính phủ nên tập trung đầu tư hệ thống kho chứa, lò sấy lúa. Đặc biệt, Chính phủ có thể đứng ra thu mua lúa gạo với giá đảm bảo có lợi cho nông dân với 2 mục tiêu “an ninh lương thực và thương mại”.

Đối với lượng lúa gạo thương mại, khi thị trường thuận lợi, giá lên thì Chính phủ cho các doanh nghiệp đấu giá. Làm cách này vừa có lợi cho nông dân, vừa có nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Cần có chính sách cho HTX vay vốn thu mua tạm trữ, cho nông dân ký gởi. Ngân hàng nên cho nông dân vay 1 năm chứ không theo mùa vụ vài tháng như hiện nay, nhằm giúp họ có điều kiện chờ giá lúa lên để bán, đảm bảo lợi nhuận…”.

Những cánh đồng mẫu lớn sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm của nông dân.

Những cánh đồng mẫu lớn sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm của nông dân.

Vực dậy ngành thủy sản

Hiện nhiều doanh nghiệp và nông dân nuôi thủy sản ở ĐBSCL lâm vào khó khăn chưa từng có. 10 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 5 tỷ USD, đưa Việt Nam đứng vững trong tốp 10 quốc gia xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Thế nhưng, người nuôi cá tra thua lỗ 3.000 - 4.000 đồng/kg, tình trạng treo ao đang diễn ra tràn lan.

Từ năm 2011 đến nay, người nuôi tôm đối mặt với dịch bệnh kéo dài gây thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng… 5 năm qua, do chính sách tăng trưởng tín dụng quá nóng và sự dễ dãi, thiếu kiểm soát của hệ thống ngân hàng nên hàng loạt nhà máy chế biến thủy sản dưới chuẩn ra đời, làm cho công suất vượt xa khả năng cung cấp nguyên liệu. Điều này dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hơn 50% nhà máy thủy sản ở ĐBSCL đang khốn đốn; nhiều nhà máy có nguy cơ phá sản…

Theo ông Phan Kim Sa, Phó Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp: “Chính phủ cần đặt ra quy định cụ thể về giá sàn. Các doanh nghiệp khi xuất khẩu phải tuân theo để nâng giá thu mua nguyên liệu trong nước”. Các chuyên gia cho rằng, phải có giải pháp liên kết quy hoạch lại vùng nuôi, nâng cao giá trị các mặt hàng thủy sản nhằm giúp nông dân đạt được lợi nhuận tối đa. Tổ chức đàm phán ký kết lại các hợp đồng xuất khẩu và hiệp hội giữ vai trò chủ đạo. Hiện tại, Bộ NN-PTNT đã và đang kêu gọi đầu tư từ các nguồn vốn ODA, FDI… cho phát triển thủy sản.

Để làm được điều này, sự ổn định về quy hoạch và những chính sách hấp dẫn các nhà đầu tư. Đồng thời, để ngành thủy sản phát triển ổn định, phải có sự kết nối và phân công giữa các địa phương trong vùng. Hiện Bộ NN-PTNT đang xúc tiến xây dựng trung tâm nghề cá ĐBSCL. PGS-TS Nguyễn Thanh Phương, Trưởng khoa Thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ, nhận định, xây dựng trung tâm này sẽ giúp cho ngành thủy sản ở ĐBSCL phát triển năng động, bền vững, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, tạo ra thị trường thủy sản có sức hút trong khu vực…

Xuất khẩu thủy sản năm 2012 chỉ tăng khoảng 1%

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngày 6-11, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đưa ra dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong cả năm 2012 vẫn có thể đạt trên 6,18 tỷ USD, tăng khoảng 1% so với năm 2011. Tuy nhiên, trong đó giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm chỉ đạt trên 2,2 tỷ USD, giảm 8,3% so với năm ngoái, cá tra đạt gần 1,8 tỷ USD, tương đương với năm 2011. Bù lại, các loại hải sản khác có giá trị xuất khẩu đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng khoảng 19% so với năm ngoái.

Ph.Văn

Bình Đại

Tin cùng chuyên mục