20 năm qua nền nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu mà chuyên gia nước ngoài nhận định, đó là “những câu chuyện thần kỳ”. Từ thiếu lương thực nhưng sau đó trở thành nước xuất khẩu gạo. Thị trường quốc tế về hồ tiêu, cà phê, nhân điều trước đây chưa có tên Việt Nam, vậy mà sau đó trở thành quốc gia xuất khẩu số 1, số 2 thế giới. Từ món ăn bình dân của người bản địa vùng đồng bằng sông Cửu Long, con cá tra Việt Nam trở thành mặt hàng xuất khẩu thống lĩnh thị trường thế giới. Những mặt hàng này đến nay vẫn ở tốp đầu thế giới nhưng bối cảnh đã khác, không thể chỉ nói về những con số mà phải là đời sống thực của con người tạo nên những sản phẩm đó thế nào.
Nhiều điểm sáng
Theo Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, năm 2012 tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cả nước 27,5 tỷ USD, tăng 9,7% so với năm 2011 (gần 25 tỷ USD), chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước (khoảng 114,6 tỷ USD). Theo tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn-Ipsard), duy nhất ngành nông nghiệp có giá trị thặng dư thương mại 10,6 tỷ USD, tạo nguồn ngoại tệ quan trọng cho nền kinh tế đất nước, giúp giảm nhập siêu. Một lần nữa, các mặt hàng nông sản xuất khẩu tiếp tục là những điểm sáng lấp lánh trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ kéo dài nhiều năm.
Lần đầu tiên Việt Nam vượt qua Brazil trở thành nước xuất khẩu cà phê Robusta nhiều nhất thế giới với khoảng 70% lượng cà phê Robusta giao dịch trên thị trường là từ Việt Nam khi năm nay xuất khẩu 1,76 triệu tấn cà phê, trị giá 3,7 tỷ USD, tăng 40% về lượng và 36% về giá trị so cùng kỳ năm trước. Năm nay, mặt hàng nhân điều mang về gần 1,5 tỷ USD kim ngạch với sản lượng 223.000 tấn, tăng 25,4% về lượng và 0,7% về giá trị so với năm 2011. Việt Nam tiếp tục giữ vững là nước xuất khẩu nhân hạt điều số 1 thế giới. Mặt hàng gạo năm nay đã vượt qua mức kỷ lục năm 2011 (7,1 triệu tấn, 3,5 tỷ USD) khi lượng xuất khẩu lên đến 7,72 triệu tấn với giá trị 3,4 tỷ USD, tăng gần 14% về lượng. Như vậy, Việt Nam vượt qua Thái Lan, quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo từ bao lâu nay, chỉ sau Ấn Độ (9,7 triệu tấn). Thế nhưng, mặt hàng gây ngạc nhiên lớn chính là rau quả, với 770 triệu USD, tăng trên 120% so với năm 2011. Đây là ngành hàng xuất khẩu ì ạch nhất so với các nông sản khác từ nhiều năm nay. Với đà tăng này, mục tiêu phấn đấu 1 tỷ USD năm 2013 sẽ không khó nếu duy trì và phát huy được những thành quả đã đạt hiện nay. Sắn (khoai mì) và sản phẩm từ sắn cũng là mặt hàng có mức tăng tốc khá mạnh và vượt kim ngạch 1 tỷ USD.
Năm 2012 kim ngạch hồ tiêu khoảng 802 triệu USD nhờ xuất khẩu gần 120.000 tấn, giảm 4,3% về lượng nhưng lại tăng 9,6% giá trị. Giá tiêu xuất khẩu bình quân đạt 6.792 USD/tấn, tăng 15,8% so với năm trước. Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu hồ tiêu số 1, chiếm hơn 50% lượng hàng giao dịch thế giới. Tuy là mặt hàng nhỏ bé nhưng giá trị và lợi nhuận của mặt hàng này mang lại rất ấn tượng. Diện tích hồ tiêu chỉ chiếm 2,5% trong tổng số gần 2 triệu ha của 5 loại cây công nghiệp nhưng lại chiếm trên 8% giá trị xuất khẩu, tương đương 6.800 USD/ha, gấp 4 lần cao su, 3,8 lần hạt điều, 2,6 lần cà phê, 6 lần trà (chè). Mỗi hécta hồ tiêu lãi 200-250 triệu đồng/ha/năm. Hồ tiêu lại có vị trí vững vàng và giá trị đáng nể. Đây là mặt hàng đầu tiên mà bà con nông dân không bán ra ồ ạt khi vào vụ thu hoạch, cùng tham gia dự trữ, điều tiết thị trường làm nhà nhập khẩu từ kinh ngạc đến lo ngại. Với mặt hàng gỗ chế biến, năm nay xuất khẩu 4,6 tỷ USD, tăng 10,5% năm 2012. Như vậy, so với năm 2000 (xuất khẩu 219 triệu USD) giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ chế biến tăng trên 20 lần, trở thành nước xuất khẩu gỗ số 1 vùng Đông Nam Á, số 2 châu Á (sau Trung Quốc) và thứ 6 thế giới.
Và mảng xám
Nếu đơn thuần căn cứ vào những con số thấy nhiều màu hồng, nhưng khi nhìn vào cuộc sống những người trực tiếp tạo ra các mặt hàng này là bà con nông dân sẽ thấy gam màu xám kém vui. Để góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế nói chung, bà con đã phải “gồng mình”, hy sinh nhiều hơn so với các thành phần khác trong xã hội. Chỉ số CPI mặt hàng lương thực trong nước không tăng cao, góp phần giảm mức lạm phát xuống 6,8%. Đời sống nông dân và vùng nông thôn luôn có một khoảng cách chênh lệch về thu nhập ngày càng lớn cũng như những hạn chế về tiện nghi đời sống so với người dân đô thị và công nghiệp. 70% người dân ở nông thôn chỉ chiếm 30% mức tiêu dùng xã hội.
Theo Tiến sĩ Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp miền Nam, nếu như thu nhập bình quân người dân cả nước (năm 2011) khoảng 1.200 USD/người/năm thì thu nhập bình quân của bà con nông dân chỉ khoảng 700 USD/người/năm. Nhưng với người trồng lúa, đảm bảo cái ăn cho xã hội chỉ có 380 USD/người/năm. Hơn 4 năm nay, khi nền kinh tế cả nước gặp khó khăn trong bối cảnh suy thoái chung của thế giới thì bà con càng thêm nhiều “thương tích”. Năm nay, khi giá xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông sản đều giảm (trừ hồ tiêu) nên dù lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng tăng nhưng giá trị lại giảm xuống như giá cà phê giảm 6,2%, giá nhân điều giảm 15%, giá gạo giảm 7,1%, giá sắn và sản phẩm sắn giảm 16,8%, cao su giảm gần phân nửa…
Điều đó có nghĩa là bà con nông dân đã phải gánh vác nhiều hơn, cật lực sản xuất nhiều sản phẩm hơn để xuất khẩu nhưng nhận lại ít hơn trên chính sản phẩm làm ra.
Công Phiên