Nền nông nghiệp Việt Nam đã và đang bộc lộ những lỗ hổng lớn trong chuỗi sản xuất, công nghệ sau thu hoạch, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tay nghề của đa số nông dân chưa ngang tầm với vị thế của một quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu. Hàm lượng chất xám tạo nên giá trị gia tăng trong sản phẩm chưa cao. Dù là quốc gia hàng đầu xuất khẩu nông sản, nhưng tính bền vững trong sản xuất chưa có, khiếm khuyết từ giống, kỹ thuật, chăm sóc cho đến thu hoạch và sau thu hoạch làm đời sống của nông dân vẫn còn thấp, bấp bênh. Bên cạnh việc đầu tư nhiều hơn vào khoa học công nghệ là việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Báo SGGP tiếp tục nêu lên vấn đề này sau loạt bài đã đăng từ số báo 11-1-2013.
Nông dân nhỏ với cánh đồng lớn
Xuất phát từ một nền sản xuất quy mô nhỏ, trình độ học vấn của nông dân thấp, nhưng Việt Nam đạt những thành tựu lớn của một nền nông nghiệp phát triển theo chiều rộng. Khi tổ chức lại sản xuất để phát triển theo chiều sâu, chất lượng nông sản, sức cạnh tranh của hàng hóa sẽ đạt những chuẩn mực nhất định để nâng thêm giá trị gia tăng hàng hóa, cạnh tranh mạnh mẽ với các nước. Qua đó, vấn đề an sinh xã hội và nâng cao thu nhập của bà con nông dân cũng được giải quyết.
Mô hình cánh đồng mẫu lớn trong cây lúa đang được xem xét dưới nhiều góc cạnh, với sự lạc quan và nhiều kỳ vọng. Cánh đồng mẫu lớn với mục tiêu và nội dung hành động rõ ràng đã chứng minh nền nông nghiệp đang chuyển mình sang giai đoạn “phát triển theo chiều sâu”, tập trung ruộng đất dưới hình thức liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp (DN), tạo ra sản phẩm hàng hóa thật sự có chất lượng, hướng đến sự phát triển bền vững, với khẩu hiệu “nông dân nhỏ, cánh đồng lớn” và nông sản Việt Nam sẽ có thương hiệu mạnh trên thương trường thế giới.
Mô hình cánh đồng mẫu lớn đang phát huy những giá trị bước đầu, nên cần có chính sách nhà nước hỗ trợ thích đáng. Nhà nước, các địa phương đang cố gắng thuyết phục nông dân tập họp lại, cũng như thuyết phục DN hãy sẵn sàng giúp nông dân xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, hướng dẫn quy trình canh tác lúa hợp lý, bao tiêu sản phẩm, để có vùng nguyên liệu ổn định, đồng đều, cơ hội xây dựng thượng hiệu. Nhưng số DN thiết tha thật sự với bà con nông dân không phải là nhiều. Ở khía cạnh nào đó, đây là cuộc vận động mang tính kêu gọi sự tri ân của DN với nông dân khi bà con đã xuất sắc đạt nhiều thành tựu trong chặng đường đổi mới, nhưng vẫn còn nghèo. Thực tế đã và đang có một số cam kết giữa hai bên bị vi phạm. Tiến sĩ Bùi Chí Bữu, Viện Trưởng Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam cho rằng, chúng ta không thể kêu gọi DN chung chung khi đầu tư cho nông nghiệp có xác suất rủi ro cao, hoàn vốn chậm, thậm chí thất bại.
Kinh tế hợp tác
Cánh đồng mẫu lớn đang được nhiều người xem như là cứu cánh, nhưng cần tỉnh táo để nhận định, đây là giải pháp có thể nói hiệu quả trước mắt. Khi DN đứùng ra làm giúp cho hạt lúa đi đúng quy trình. Đó là đầu tư từ cây lúa thay vì từ hạt gạo. DN xuất khẩu mua lúa thay vì mua gạo. Nhưng theo một số chuyên gia trong ngành, về lâu dài, vẫn phải là hợp tác hóa. Trong đó, phải là tổ hợp tác, tổ liên kết hay hợp tác xã nông nghiệp cải tiến với chính sách phát triển rõ ràng. Tiến sĩ Bùi Chí Bữu đề xuất, phải tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác hóa mới có thể phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, có quy mô sản xuất lớn, bao gồm cả khâu tồn trữ, chế biến, lưu thông, cũng như mở thêm ngành nghề khác trong nông thôn. Kinh tế hợp tác chưa phát triển khiến cho các nông hộ nhỏ bé bị chia cắt khỏi thông tin thị trường, khả năng cạnh tranh yếu, khả năng tiếp cận thị trường khoa học công nghệ thấp, chịu nhiều thua thiệt trong kinh tế thị trường.
Tổ chức lại sản xuất trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là yêu cầu bức thiết cho sản xuất không chỉ là cây lúa mà ở các ngành hàng nông sản khác. Cho dù trình độ thâm canh của không ít nông dân được mọi người ngưỡng mộ, nhưng chỉ diễn ra trên cánh đồng nhỏ bé của họ, và đang bị chia cắt bởi thị trường lớn. Các nông hộ nhỏ bé với tâm lý ngán ngại tham gia vào các tổ chức làm ăn quy mô lớn (vốn có những dấu ấn tiêu cực theo kiểu áp đặt cũ). Họ trở nên bị cô lập và là nạn nhân của biến động thị trường khi có khủng hoảng kinh tế lan rộng, thậm chí dù chỉ một áp lực nhỏ về giá cả tại một thị trường nào đó. Bà con không thể tự “bơi ra biển rộng” thế giới. Nhà nước cần tích cực nhiều hơn, thông qua cơ chế và chính sách, cũng như quyết liệt hơn trong cuộc vận động hợp tác hóa, có như vậy mới có thể giúp giảm bớt khâu trung gian trong chuỗi giá trị ngành hàng, để bà con nông dân trồng lúa nói riêng cũng như các mặt hàng nông sản khác thực sự có nguồn thu nhập cao, an sinh xã hội được đảm bảo.
Nhìn những nước hay vùng lãnh thổ quanh ta như Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan và cả Nhật Bản dù với quy mô ruộng đất nhỏ hẹp như Việt Nam, nhưng nông dân các nước này có cuộc sống sung túc không thua kém gì người ở thành thị. Đặc biệt là Israel, đất nước mà sản xuất nông nghiệp cá thể hầu như không tồn tại. Thành công lớn ở đây chính là xây dựng được kinh tế hợp tác với các hợp tác xã nông công nghiệp. Nhờ đó, 1ha lúa ở lãnh thổ Đài Loan tạo ra 18.000 USD/năm so với 380 USD/năm của Việt Nam. Thái Lan, một nước trong khối ASEAN, rất chú trọng chính sách phát triển hợp tác xã và đã có thành công nhất định. Đây là những bài học tốt cho Việt Nam.
CÔNG PHIÊN