Xuất khẩu nông sản: Tập trung khai thác giá trị gia tăng

Đa phần hàng nông sản xuất khẩu chỉ cạnh tranh về giá và xuất khẩu đến các nước không đòi hỏi cao về chất lượng hoặc chỉ sơ chế như là nguyên liệu đầu vào, sau đó được tinh chế lại và đóng gói, xuất sang thị trường khác với giá trị lớn hơn. Nhân điều, cà phê, trà (chè), cao su… là những sản phẩm điển hình. Thời kỳ nền nông nghiệp phát triển nhanh, chủ yếu dựa vào sản lượng, nguồn tài nguyên, lao động dồi dào, giá nhân công rẻ như là một lợi thế đang qua đi. Đây là giai đoạn đưa yếu tố tri thức vào quản lý và sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên từng mặt hàng nông sản xuất khẩu.
Xuất khẩu nông sản: Tập trung khai thác giá trị gia tăng

Đa phần hàng nông sản xuất khẩu chỉ cạnh tranh về giá và xuất khẩu đến các nước không đòi hỏi cao về chất lượng hoặc chỉ sơ chế như là nguyên liệu đầu vào, sau đó được tinh chế lại và đóng gói, xuất sang thị trường khác với giá trị lớn hơn. Nhân điều, cà phê, trà (chè), cao su… là những sản phẩm điển hình. Thời kỳ nền nông nghiệp phát triển nhanh, chủ yếu dựa vào sản lượng, nguồn tài nguyên, lao động dồi dào, giá nhân công rẻ như là một lợi thế đang qua đi. Đây là giai đoạn đưa yếu tố tri thức vào quản lý và sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên từng mặt hàng nông sản xuất khẩu.

  • Những làn sóng nhỏ

Năm 2010, Công ty cổ phần Vinamit xác lập việc kinh doanh chính ngạch và lâu dài tại thị trường Trung Quốc bằng việc thành lập công ty tại Quảng Châu, từng bước xây dựng các văn phòng đại diện chính thức tại Nam Ninh, Bắc Kinh và Thượng Hải, chấm dứt giai đoạn buôn bán tiểu ngạch qua đường biên mậu, bị đối tác phân phối đăng ký thương hiệu để bán giá cao hơn hoặc giả nhãn hiệu. Vì vậy, sau hơn 4 năm theo đuổi với 3 phiên tòa, cuối năm 2012, khi Tòa án Thương mại Bắc Kinh (Trung Quốc) chính thức công bố bản án vụ tranh chấp thương hiệu Đức Thành giữa Công ty cổ phần Vinamit (Việt Nam) với một đối tác phân phối cũ của Vinamit tại Trung Quốc là Xie Hong Yi, Vinamit mới chính thức được thừa nhận là chủ sở hữu thương hiệu Đức Thành, vốn là thương hiệu của Vinamit từ ngày đầu thành lập cách đây 20 năm.

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinamit, hiện nay, 60% sản lượng các sản phẩm nông nghiệp được tinh chế với giá trị gia tăng cao của Vinamit được xuất khẩu sang nhiều nước. Việc trực tiếp bán sản phẩm nhập chính ngạch vào các hệ thống siêu thị lớn nhất như Wal-mart, Carre Four hoặc Lotus tại Trung Quốc làm gia tăng sức mạnh hàng hóa và thương hiệu Việt Nam cũng như giúp nâng cao giá trị gia tăng các mặt hàng nông sản như mít, chuối, khoai…

Chế biến hạt điều xuất khẩu. Ảnh: Kim Ngân

Chế biến hạt điều xuất khẩu. Ảnh: Kim Ngân

Sau 10 năm, sản phẩm cà phê hòa tan G7 của Công ty cà phê Trung Nguyên trở thành cà phê hòa tan số 1 Việt Nam. Năm 2011, cà phê hòa tan G7 chính thức vào hệ thống phân phối của tập đoàn bán lẻ hàng đầu châu Á E-Mart (Hàn Quốc). Kế hoạch thâm nhập hệ thống siêu thị Costco (Mỹ) cũng được thực hiện. Tháng 3-2012, Trung Nguyên khánh thành nhà máy chế biến cà phê thứ 5 tại Bắc Giang. Hiện Trung Nguyên đã xuất khẩu cà phê sang 60 nước, dự kiến sẽ có một bước tiến lớn mới vào thị trường Mỹ và công ty hy vọng sẽ đảo ngược tỷ lệ doanh thu hiện nay là 70% từ thị trường nội địa và 30% từ xuất khẩu… Có thể nói, đã và đang xuất hiện những sản phẩm nông nghiệp với giá trị gia tăng, thương hiệu ở nhiều nơi trên thế giới như hàng chục sàn phẩm của Vinamit, cà phê hòa tan Trung Nguyên, sữa Vinamilk, Công ty Antesco (An Giang). Điều này minh chứng những đổi thay tích cực, dù còn khiêm tốn nhưng là những “làn sóng” thay thế dần mặt hàng nông sản xuất khẩu chung chung.

  • Trông giỏ bỏ thóc

Theo Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), về lâu dài, tiêu thụ lúa gạo bình quân đầu người sẽ giảm xuống khi thu nhập tăng lên. Nông nghiệp Việt Nam phải dựa vào những nghiên cứu về định hướng an ninh lương thực để có chiến lược phù hợp. Ông Steven Jaffee (Ngân hàng Thế giới) cho rằng, không chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu bao nhiêu tấn gạo mà phải hướng đến lợi ích của nông dân. Tương lai, lợi nhuận từ khai thác lúa sẽ giảm, vì thế Việt Nam phải tính đến việc đa dạng hóa các loại cây trồng, cần tính toán lợi thế so sánh về khí hậu, thổ nhưỡng, lợi nhuận thật sự mang lại cho bà con để định vị ngành chủ lực và có các bước đi phù hợp, không thể chạy theo số lượng.

Rau quả là mặt hàng thế giới giao dịch khoảng 160 tỷ USD/năm, gỗ chế biến gần 100 tỷ USD, thương mại về cà phê khoảng 250 tỷ USD. Đây là những mặt hàng có lợi thế mà đến nay Việt Nam vẫn chưa khai thác đúng mức. TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt cho rằng, Việt Nam là nước nhiệt đới, có thể sản xuất rau quả quanh năm trong khi những thị trường lớn tiêu thụ rau quả Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Mỹ… ở vùng ôn đới, mùa đông không thể trồng trọt nên tiềm năng và thế mạnh của lĩnh vực này còn rất lớn, nhưng Việt Nam hiện chiếm thị phần rất nhỏ bé. Năm nay, mặt hàng rau quả có bước tăng trưởng khá ấn tượng và có thể nói bắt đầu vào “guồng” sau thời gian ì ạch. Ngưỡng 1 tỷ USD năm 2013 là khả thi.

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa), với kim ngạch đạt được 4,6 tỷ USD, ngành gỗ Việt Nam mới chiếm 2,6% trong 96,7 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu gỗ chế biến thế giới. Trong khi ngành này đang có lợi thế lớn về lao động và tay nghề, chi phí… so với Trung Quốc và Malaysia, 2 nước cạnh tranh chủ yếu ở châu Á. Nếu có chính sách, biện pháp phù hợp, kịp thời với chiến lược đúng đắn, ngành chế biến gỗ có thể đạt con số 15-20 tỷ USD trong hơn 1-2 chục năm tới. Hơn thế nữa, ngành chế biến gỗ hoàn toàn có thể trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn nếu biết khai thác. Cần có chính sách đầu tư tập trung, để giúp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

Nếu xuất khẩu 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tạo ra khoảng 1 triệu việc làm, khi ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển con số này có thể lên 2 triệu việc làm. Trong khi đó, theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cà phê Trung Nguyên, nông dân chỉ hưởng 1 USD trong số 20 USD kiếm được từ ngành cà phê toàn cầu. Việt Nam có thể thu về 20 tỷ USD/năm từ cà phê trong 1-2 chục năm tới, nếu làm gia tăng giá trị cho cà phê bằng con đường rang xay, pha chế và đóng gói thay vì chỉ nhận 3,7 tỷ USD năm 2012 do xuất khẩu 90% cà phê nhân thô, không thương hiệu. 

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục