

Bộ phim điện ảnh Dòng máu anh hùng được một nhà phát hành phim nước ngoài mua với giá 1,5 triệu USD. Xuất khẩu phimViệt đang được các nhà làm phim trong nước tích cực khai thông thành một con đường “trải nhựa” tốt!
- Những “viên gạch”... lót đường
Để xuất khẩu được phim Việt ra nước ngoài, tất phải có thương hiệu. Phim Việt bấy lâu không phải không có thương hiệu. Hàng chục năm, những bộ phim như Chị Tư Hậu, Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng 10, Thung lũng hoang vắng… được chiếu giới thiệu ở một số liên hoan phim, chợ phim, trong khuôn khổ Tuần lễ phim Việt hay Ngày văn hóa Việt Nam ở nước ngoài luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của khán giả. Có điều, những bộ phim này chỉ chiếu miễn phí, chứ không mơ được chuyện bán vé.
Mấy năm gần đây, một số bộ phim xin được tài trợ của nước ngoài như Mê Thảo thời vang bóng, Mùa len trâu… thì điều kiện kỹ thuật của phim cải thiện hơn. Nhờ tài vận động, xoay xở của đạo diễn Việt Linh nên Mê Thảo… bán được vé, nhưng cũng chỉ nằm giới hạn trong hệ thống các rạp chiếu phim nhỏ, tư nhân của Pháp. Mùa len trâu “ra” được nước ngoài là nhờ kênh phát hành của đơn vị hợp tác làm phim ở Bỉ, song doanh thu bán vé không được bao nhiêu.
Từ 5 năm trước, nhờ có quan hệ nhập phim với các nhà phát hành phim trên thế giới, Việt Nam Media Corp (thuộc Công ty BHD) thường xuyên tổ chức các đoàn đi tham dự hội chợ phim quốc tế hay các LHP nước ngoài chào bán phim Việt. Họ đã bán được một số phim cho các hãng TFS, VTV, Giải Phóng… như Vũ khúc con cò, 39 độ yêu, Gái nhảy … Nhưng theo một đại diện của đơn vị này thì “lỗ chứ chưa hề lãi”!
Đề tài của phim Việt, hay hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam luôn hấp dẫn và đầy bí ẩn với khán giả quốc tế. Nhưng phim Việt vẫn khó phát hành ra nước ngoài bởi nhiều lý do, mà nguyên nhân chính là chất lượng kỹ thuật làm phim của phim Việt quá kém. Trong khi giá làm phim đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của nước ngoài là từ 25.000 USD - 50.000 USD/mét phim, thì phim Việt chỉ với số tiền đầu tư trung bình 1 tỷ – 2 tỷ đồng/phim theo giá tài trợ của nhà nước. Làm hậu kỳ kiểu thủ công, ít tiền nên hầu hết phim Việt đều mắc đầy lỗi kỹ thuật như âm thanh cọt kẹt, ánh sáng lờ mờ, có khi ban đêm sáng trưng, ban ngày thì tối thui; hình ảnh thì nhiều sọc…
Một số phim khá hơn khi được mang ra nước ngoài (Mỹ, Australia, Thái Lan…) làm hậu kỳ nhưng vì làm từng phần lại không chủ động nên chất lượng kỹ thuật của phim không đồng đều. Trầy trật giới thiệu ở các hội chợ phim mới có người mua nhưng đều phải làm lại vì lỗi kỹ thuật nhiều vô kể. Thung lũng hoang vắng từng được Hàn Quốc mua nhưng phải làm lại hoàn toàn phần âm thanh và hình ảnh bị sọc. Năm ngoái, hãng Thiên Ngân bán được phim Những cô gái chân dài cho hãng Sony (Mỹ), nhưng phải chỉnh lại toàn bộ phần âm thanh và một số khâu kỹ thuật khác mới đạt tiêu chuẩn tương đối.
- Cửa đã... mở
Một sự kiện đã góp phần quảng bá cho thương hiệu phim Việt ra nước ngoài là bộ phim Dòng máu anh hùng - của hãng Chánh Phương Film hợp tác với một hãng phim tư nhân của Mỹ - đã được nhà phát hành Weisteins.Co mua bản quyền phát hành độc quyền ở nước ngoài.
Để mở được cửa vào Hollywood, ngay từ ban đầu những người làm phim Dòng máu anh hùng gồm đạo diễn, nhà sản xuất, kịch bản đều là Việt kiều với quá trình từng làm việc ở đây thấu hiểu phải làm phim theo kiểu Hollywood như thế nào. Đầu tiên là kịch bản phải lạ, hấp dẫn bởi người Mỹ và Việt kiều chưa hiểu nhiều về Việt Nam, võ thuật Việt Nam. Thứ hai là chọn tên tuổi diễn viên tương đối đảm bảo tại Hollywood như Dutin Nguyễn với Con cá nhỏ từng đoạt giải thưởng của Australia, Trí Nguyễn - diễn viên thế thân trong nhiều bộ phim lớn. Thứ ba, hạn chế tối thiểu chuyện sai “rắc co” chẳng hạn như mặc trang phục không khớp.
Rất tích cực quảng bá bộ phim đến các nhà phát hành nước ngoài, Dòng máu anh hùng là một trong hai bộ phim đầu tiên của Việt Nam có trailer, poster quảng cáo trên trang web: IMDB.com của Mỹ. Ngày 14-4-2007, Dòng máu anh hùng còn được chọn chiếu khai mạc Đại hội Điện ảnh Việt Nam quốc tế tại California (Mỹ), trước khi phát hành ở Việt Nam và thế giới.
Tuy có một lượng khán giả khá lớn là 80 triệu dân nhưng với hơn 50 cụm rạp đủ tiêu chuẩn kỹ thuật mà chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn thì thị trường nội địa với phim Việt không hẳn là lớn. Nếu chỉ trông chờ vào thị trường nội địa thì chuyện thu hồi vốn sản xuất phim thật khó hy vọng. Xuất khẩu phim vừa để quảng bá thương hiệu phim Việt và vừa để “gỡ gạc” doanh thu. Nhưng để xuất khẩu được phim thì các nhà làm phim Việt phải có sự đầu tư kỹ về đề tài, nội dung, diễn viên và nhất là kỹ thuật cao.
Một đại diện của Việt Nam Media Corp cho biết: “Xuất khẩu phim có triển vọng tốt sẽ tạo động lực để các nhà sản xuất phim đầu tư lớn hơn cho phim Việt”. Có thể thấy điều này khi hầu hết các bộ phim Việt sản xuất trong năm 2007 đều có sự nâng cao hơn hẳn về kinh phí dành cho kỹ thuật làm phim. Một số hãng phim như Phước Sang bỏ ra hơn 1 triệu USD mua sắm trang thiết bị máy móc làm hậu kỳ để giảm thiểu chi phí mang ra nước ngoài, một số studio như Ánh Việt Green Post được trang bị công nghệ làm hậu kỳ kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế ra đời …
THỦY HƯƠNG