Xuất khẩu rau quả - Sẽ thoát khỏi vai phụ?

Xuất khẩu rau quả - Sẽ thoát khỏi vai phụ?

Trong các mặt hàng nông sản giao dịch trên thị trường thế giới, trái cây có giá trị giao dịch vào loại cao nhất, trên dưới trăm tỷ USD/năm. Điều này cho thấy đây là thị trường hấp dẫn cho những nước có tiềm năng và thế mạnh về rau quả như Việt Nam - nước sản xuất rau quả lớn thứ 5 ở châu Á.

Tiềm năng của trái cây vùng nhiệt đới

Với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi, Việt Nam có tiềm năng phát triển ổn định trong sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm rau quả. Ông Huỳnh Quang Đấu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN (Vinafruit) cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm nay khoảng 600 triệu USD, so với 450 triệu USD của năm 2010. Đây là con số tăng trưởng khá lớn so với nhiều năm lận đận trong xuất khẩu. Trái cây VN có mặt ở 50 nước nhưng thị trường chính vẫn là Trung Quốc, sau đó là Nhật Bản, Indonesia, Hà Lan… năm nay cũng đã xuất khẩu trở lại thị trường Nga.

Sản xuất chôm chôm xuất khẩu tại Công ty Thực phẩm xuất khẩu Tân Bình. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất chôm chôm xuất khẩu tại Công ty Thực phẩm xuất khẩu Tân Bình. Ảnh: CAO THĂNG

Tuy vậy, nhìn tổng thể, rau quả lại là mặt hàng xuất khẩu vào loại yếu nhất trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu của VN. Nhìn vào thống kê 25 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông sản năm nay, trong đó, thủy sản đạt 6 tỷ USD, gạo 3,7 tỷ USD, đồ gỗ 3,5 tỷ USD, cao su 2,7 tỷ USD, cà phê hơn 2,3 tỷ USD, nhân điều trên 1,1 tỷ USD, ngay cả mặt hàng gia vị giao dịch hạn chế là hồ tiêu cũng đạt 730 triệu USD hay khoai mì (sắn) cũng đạt hơn 700 triệu USD, thì con số 600 triệu USD của rau quả còn quá khiêm tốn so với tiềm năng của mặt hàng này. Các chuyên gia cho rằng, nhu cầu thị trường thế giới về rau quả vẫn tăng với con số giao dịch có thể nói là lớn nhất trong số các mặt hàng nông sản trên thế giới.

Theo nhận định của Vinafruit, chính nguồn cung ứng manh mún, hệ thống kho lạnh và quản lý chất lượng còn hạn chế, cùng với việc an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo, hao hụt và tổn thất sau thu hoạch còn cao, việc truy nguyên nguồn gốc, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bản quyền sở hữu trí tuệ chưa đảm bảo… là những hạn chế tác động đến sự phát triển xuất khẩu rau quả.

Đột phá vào thị trường Mỹ

Ông Matthew Lantz, chuyên gia về chính sách thương mại và rau quả nhiệt đới thuộc USAID STAR plus (Mỹ) cho biết, Mỹ là một trong số quốc gia tiêu thụ trái cây nhiều nhất thế giới. Và rau quả là mặt hàng Mỹ phải nhập đến 50%. Có thể nói, trong các loại nông sản, rau quả là mặt hàng còn có nhiều cơ hội để vào thị trường này nhờ tính độc đáo, với thế mạnh là dòng trái cây đặc trưng nhiệt đới, một số trái cây VN thuộc dạng trái mùa với các nước xuất khẩu khác nên có thời điểm gần như một mình một chợ. Nhưng những loại trái cây đặc trưng của VN vẫn chưa được thị trường này biết đến nhiều.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, thuộc Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, sau 7 năm cùng chuẩn bị đáp ứng các điều kiện yêu cầu nhập khẩu của Mỹ, đến năm 2008, với mặt hàng thanh long, VN mới “mở” được cửa vào thị trường Mỹ. Sau đó phải triển khai các tiêu chuẩn xuống vùng trồng, cấp mã số cho vùng trồng, cơ sở đóng gói, nhà máy chiếu xạ đạt chuẩn.

Đến năm 2011, VN có 1.300ha vùng trồng thanh long, chủ yếu ở Bình Thuận với 9 cơ sở đóng gói và 2 nhà máy chiếu xạ được cấp mã số xuất khẩu. Hiện lượng thanh long xuất vào Mỹ tăng mạnh, từ 100 tấn năm 2009 lên 1.300 tấn năm 2011. Sau khi mở cửa được thị trường trái cây khó tính của Mỹ bằng trái thanh long, hiện VN đã có thêm nhãn, vải và mới đây nhất trái chôm chôm cũng đã vào Mỹ.

Tháng 11-2011, chuyến hàng đầu tiên đưa chôm chôm sang Mỹ, đến nay, chỉ sau vài tuần, lượng hàng xuất khẩu tăng mạnh, từ 2 container/tuần tăng lên 20 container/tuần. Chôm chôm Việt Nam đang hút hàng là do trái vụ, không bị cạnh tranh bởi hàng Thái Lan, Mexico. Sắp tới sẽ có thêm xoài, vú sữa xuất vào thị trường này. Mỹ là thị trường có nhu cầu cao về nhiều loại trái cây nhiệt đới như thanh long, chôm chôm, nhãn, xoài, vải, vú sữa, măng cụt… Những loại trái cây này đều là thế mạnh của VN.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Đạt, điều đáng nói ở đây là sau khi trái cây VN mở cửa được thị trường khó tính Mỹ, trái cây VN cũng đã vào được thị trường khó tính khác là Nhật Bản (năm 2009), Hàn Quốc (2010), sắp đến là Chile, New Zealand và Australia. Đây là những thị trường có những quy định nhập khẩu nghiêm ngặt nhưng lại có giá trị xuất khẩu cao. Nhờ cái nền sẵn có về mã số vùng sản xuất có thể truy xuất nguồn gốc, cơ sở đóng gói, nhà máy chiếu xạ và hơi nóng nên trái cây VN sẽ đáp ứng được các yêu cầu từ những thị trường khó tính.

Vấn đề hiện nay là việc cần tổ chức lại sản xuất, với những hộ trồng nhỏ lẻ cần phải tập hợp vào tổ hợp tác hoặc hợp tác xã mới có thể được cấp mã số. Điều căn bản lá trái cây phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Những yếu tố này sẽ giúp việc xuất khẩu trái cây VN tăng tốc, thoát khỏi tình cảnh vai phụ như hiện nay.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục