(SGGPO).- Ngày 14-5, Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị bàn các giải pháp phát triển sản xuất tiêu thụ rau quả, trái cây theo hướng bền vững.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương, năm 2014, xuất khẩu nông sản suy giảm. Nhưng năm nay, tình hình xuất khẩu rau quả, trái cây lại tăng. Điều này đang đặt ra cơ hội cho nông sản, thuỷ sản mở rộng phát triển tại các thị trường mới.
Đặc biệt khi nhu cầu trên thế giới có xu hướng gia tăng, rau quả ngày càng có tầm quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp thế giới. Tuy nhiên, dù có nhiều tiềm năng nhưng việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan liên quan còn đứt đoạn trong xử lý, việc khai thác thông tin và cung cấp thông tin cho người dân chưa hiệu quả cũng gây nhiều khó khăn.
Theo ông Vũ Xuân Hồng - Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), hiện có 2 hàng rào kỹ thuật quan trọng nhất là kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Nếu đáp ứng được sẽ khai thác được rất lớn tiềm năng xuất khẩu trái cây, rau quả của Việt Nam. Thế nhưng, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đối phó với dịch bệnh như hiện nay làm nông sản của ta dễ vướng ở khâu kiểm dịch.
Giải pháp cho vấn đề này, theo ông Hồng, cần phải tăng cường quản lý sinh vật gây hại, đảm bảo yêu cầu xuất nhập khẩu, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với đó là bố trí kinh phí, nguồn lực, quảng bá sản phẩm và thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần thu thập thông tin thị trường để cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước.
Ông Lê Văn Ánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả chia sẻ, muốn nông nghiệp phát triển thì phải bền vững từ sản xuất, gieo trồng, tiêu thụ. Dù lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được ưu tiên, nông dân được miễn thuế, nhưng chúng ta lại yếu ở khâu tiêu thụ. Do đó, các bộ ngành cần có giải pháp đặt các nhà chế biến và các nhà lưu thông vào mắt xích để tiêu thụ tốt hơn.
HÀ MY