Xuất khẩu thủy sản 2012 - Phấn đấu đạt 6,5 tỷ USD

Tăng tốc đầu năm
Xuất khẩu thủy sản 2012 - Phấn đấu đạt 6,5 tỷ USD

Năm 2011, xuất khẩu thủy sản dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn cán đích với kim ngạch 6,1 tỷ USD, một con số rất ấn tượng đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành thủy sản, đồng thời đưa Việt Nam trở thành một trong 4 quốc gia xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Từ thành công đó, Bộ NN-PTNT cùng Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đặt mục tiêu xuất khẩu thủy sản 6,5 tỷ USD trong năm 2012.

Vận chuyển cá ngừ đại dương tại cảng cá Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên).

Vận chuyển cá ngừ đại dương tại cảng cá Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên).

Tăng tốc đầu năm

Sáng mùng 6 Tết Nhâm Thìn, Công ty cổ phần Thủy sản Gò Đàng đã khai trương sản xuất trở lại sau thời gian nghỉ tết. Tổng giám đốc Nguyễn Văn Đạo mừng ra mặt khi đơn hàng đầu năm từ các nước về tới tấp, buộc công ty phải chế biến khẩn trương để kịp giao hàng cho đối tác. Tổng cộng 3 xí nghiệp với hơn 2.100 công nhân nỗ lực sản xuất trong tuần đầu tiên khoảng 30 container loại 40 feet cá tra phi lê để đưa xuống tàu cấp tốc sang châu Âu. Ngoài đơn hàng tăng thì giá xuất đầu năm duy trì ở mức ổn định từ 3,1 - 3,2 USD/kg, đảm bảo cho doanh nghiệp có lời.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, từ mùng 4 Tết đến nay nhiều nhà máy chế biến tôm xuất khẩu trong tỉnh đã hoạt động sớm với quyết tâm tăng tốc ngay thời điểm đầu năm. Hiện Cà Mau là địa phương xuất khẩu mặt hàng tôm đứng đầu cả nước với kim ngạch 910 triệu USD trong năm 2011. Mục tiêu xuất khẩu tôm năm 2012 phấn đấu mang về 1 tỷ USD.

Theo ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, thuận lợi cơ bản của Cà Mau là nhiều nhà máy thủy sản lớn được đầu tư công nghệ tiên tiến thế giới, đội ngũ cán bộ, kỹ sư giỏi, công nhân lành nghề… chế biến ra nhiều sản phẩm chất lượng cao đáp ứng cho những thị trường khó tính. Đặc biệt, mặt hàng tôm của Cà Mau chiếm lĩnh các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản… Đây là ưu thế để nâng cao giá trị xuất khẩu. VASEP lạc quan khi nhiều nhà máy thủy sản đã khởi động sớm trở lại. Điều đáng mừng là công nhân đi làm rất đông, không còn cảnh nghỉ tràn lan vào đầu năm như trước.

Thu mua, chế biến cá tra xuất khẩu ở Cần Thơ. Ảnh: H.Lợi

Thu mua, chế biến cá tra xuất khẩu ở Cần Thơ. Ảnh: H.Lợi

Còn nhiều lo toan...

Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP cho rằng, trong điều kiện kinh tế thế giới có nhiều biến động đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp xuất khẩu. Thế nhưng ngành thủy sản đã thể hiện bản lĩnh “vượt khó” để vượt kế hoạch đề ra, đạt kim ngạch xuất khẩu 6,1 tỷ USD trong năm 2011 là thành tích đáng tự hào. Song, chỉ tiêu xuất khẩu 6,5 tỷ USD trong năm 2012 là một thách thức không nhỏ. VASEP lưu ý, năm 2011 xuất khẩu thủy sản tăng trưởng nhưng số lượng doanh nghiệp “ăn nên làm ra” không nhiều như trước. Nguyên nhân là do các khoản chi phí đầu vào quá cao đã làm tăng giá thành, cộng với trượt giá khiến mức lợi nhuận teo tóp, thậm chí nhiều doanh nghiệp không có lời.

Năm 2012, dự báo tình hình sẽ tiếp tục khó khăn, căng thẳng nhất là tình trạng thiếu vốn sẽ đẩy nhiều doanh nghiệp lâm vào khó khăn. Trong đó một số doanh nghiệp nhỏ, nội lực kém có nguy cơ ngừng hoạt động; song đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp lớn, hoạt động bài bản mở rộng quy mô sản xuất và xuất khẩu. Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và xuất khẩu thủy sản An Giang lo lắng, hiện giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL dao động từ 25.000 - 26.000 đồng/kg, giá này người nuôi lời từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Dù vậy, nhiều hộ nuôi cá vẫn tiếp tục treo ao do không có vốn để tái đầu tư, trong khi ngân hàng rất hạn chế cho vay.

Đối với con tôm, hiện nay các tỉnh ven biển ĐBSCL đang chuẩn bị vào vụ nuôi mới. Giá tôm nguyên liệu duy trì ở mức cao từ 150.000 - 230.000 đồng/kg (tùy loại), nhưng người nuôi vẫn phập phồng bởi thời tiết thất thường, dịch bệnh tràn lan, con giống kém chất lượng, môi trường ô nhiễm... Sở NN-PTNT các tỉnh cảnh báo: Một lượng lớn tôm chết trong năm 2011 là một bài học cay đắng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. Để tránh xảy ra tình trạng tương tự, năm 2012 các tỉnh yêu cầu người nuôi tuân thủ lịch thời vụ, hạn chế việc “xé rào” thả giống sớm. Quản lý chặt nguồn giống, kiểm soát tốt dư lượng kháng sinh, tuân thủ việc lấy nước vào - xả nước ra để tránh lây lan mầm bệnh…

Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP thừa nhận: Nghề nuôi tôm bây giờ đối mặt với nhiều rủi ro, vì vậy sớm tìm ra mô hình nuôi tôm an toàn, bền vững đang là vấn đề bức bách. Nếu làm đồng bộ thì xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục tăng trưởng, hoàn thành chỉ tiêu 6,5 tỷ USD trong năm 2012; đồng thời chinh phục kim ngạch 10 tỷ USD vào năm 2020.

Huỳnh Phước Lợi


Nghề câu cá ngừ đại dương trúng mùa đầu năm

Ngày 29-1, ông Nguyễn Văn Long, Trưởng Trạm khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản huyện Hoài Nhơn (Bình Định) - cho biết từ mùng 1 Tết Nguyên đán đến nay đã có 45 tàu khai thác cá ngừ đại dương của địa phương cập bến, sản lượng đạt 70 tấn. Bình quân mỗi chiếc đánh bắt được 1,4 tấn, lãi từ 40 - 80 triệu đồng/tàu. Năm nay, huyện Hoài Nhơn có hơn 400 tàu chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương cùng với 5.000 lao động ăn tết trên biển và sẽ trở về đất liền sau mùng 10 tháng giêng âm lịch. Từ sau tết đến nay, tại tỉnh Phú Yên cũng đã có hơn 150 tàu câu cá ngừ đại dương cập bến. Do những chuyến ra khơi đầu năm thắng lớn nên hầu hết các tàu câu cá ngừ đại dương tại miền Trung đều khẩn trương chuẩn bị cho chuyến đánh bắt mới.

H.Trọng – H.Thanh

Tin cùng chuyên mục