“Với kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt 7,92 tỷ USD, vượt kế hoạch hơn 1 tỷ USD, đây là một năm rất thành công, nhưng cũng là năm đầy vất vả của cả nông dân và doanh nghiệp (DN)”, đó là nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tại buổi gặp gỡ báo chí TPHCM ngày cuối năm 2014.
Người nuôi tôm ở huyện Cần Giờ (TPHCM) luôn lo sợ vì dịch bệnh.
Không vui!
Thủy sản đã khẳng định vị thế quan trọng, đưa Việt Nam vào tốp 5 nước xuất khẩu lớn nhất. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 8 tỷ USD, so với con số 6,7 tỷ USD năm 2013, vượt xa mức dự báo lạc quan nhất trước đó. Tôm là mặt hàng chiếm 53% kim ngạch xuất khẩu thủy sản với 4 tỷ USD giá trị, còn cá tra, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, hệ lụy phát triển nóng nhưng vẫn giữ mức 1,7 tỷ USD.
Các mặt hàng khác như bạch tuộc, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ cũng gia tăng kim ngạch, trừ cá ngừ đại dương sụt giảm nhưng đã có những nét khởi sắc khi áp dụng công nghệ Nhật Bản trong khai thác và đấu giá trực tiếp cho thị trường này.
Thành quả trên còn nhờ việc nhập khẩu 1 tỷ USD nguyên liệu, chủ yếu con tôm từ Ấn Độ, do năng lực chế biến tăng nhanh hơn khả năng khai thác và nuôi. Để gia tăng giá trị kim ngạch, những năm tới việc nhập khẩu sẽ còn nhiều hơn.
Tuy nhiên, thành công ngoài mong đợi về mặt kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản năm 2014 cũng dễ tạo cho người ngoài ngộ nhận. Những thành tựu này rất đáng trân trọng, là nỗ lực của toàn ngành, nhưng với người nuôi và DN, đây là năm với biết bao lo toan, căng thẳng. Sự phục hồi chậm của bệnh tôm chết sớm ở các nước Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, trong khi Việt Nam nhờ bị ít hơn đã giúp con tôm Việt Nam được giá.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP, xuất khẩu nhiều nhưng DN và nông dân không vui là điều phải suy nghĩ! Mối quan tâm của người nuôi, nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi và nhà chế biến là được bao nhiêu lợi nhuận thu về chứ không phải sản lượng hay giá trị tăng cao...
Nguy cơ tôm nuôi không lớn
Việc tăng mạnh kim ngạch không đi đôi với hiệu quả mà nông dân và DN có được khi những khó khăn chưa được giải quyết căn bản như dịch bệnh, sự neo chặt và cố định tỷ giá VND với USD… khiến DN, người dân thêm đuối sức. Có thể khái quát khó khăn của thủy sản như sau: con tôm là dịch bệnh và rào cản dư lượng kháng sinh khi xuất khẩu; con cá tra là bất cập về quy định mạ băng và độ ẩm; hải sản là sự khan hiếm nguyên liệu. Những khó khăn cũ tiếp tục là vấn đề trong năm mới.
Vì vậy, mặc dù kế hoạch Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu 8,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2015, nhưng VASEP chỉ hy vọng với con số 8 tỷ USD. Khi dịch bệnh trên tôm chưa được giải quyết căn cơ và đồng bộ từ khâu con giống sạch bệnh, cũng như ngành chưa đưa ra được quy trình nuôi phù hợp nên nguy cơ luôn rình rập.
Theo ông Võ Quang Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh (tỉnh Sóc Trăng), sở dĩ sản lượng tôm Việt Nam năm qua tăng nhiều là do nông dân Việt Nam “gan dạ” hơn, chứ chưa phải do quy trình tốt hơn. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng cho biết, dịch bệnh đang đặt việc nuôi tôm ở ngã ba đường, hoặc trở về nuôi tôm sinh thái, theo lối quảng canh cải tiến, thả con giống ít để hạn chế dịch bệnh hay chuyển qua nuôi tôm thâm canh cực cao, nuôi tôm trong nhà như cách Tập đoàn CP đang nuôi trên 340ha tại Thái Lan, kiểm soát toàn bộ quá trình nuôi để khắc chế dịch bệnh, với mật độ rất cao. Chúng ta không thể lưng chừng, khi thuận lợi thả thêm con giống, thức ăn mà phải chuyển qua nuôi thật sự chuyên nghiệp.
Trong khi đó, vấn đề dư lượng kháng sinh trên tôm, một rào cản phi thuế quan đã và đang được nhiều nước áp dụng ngày thêm ngặt nghèo hơn. Việc nhà nước quy trách nhiệm cho DN khi để xảy ra việc phát hiện lô hàng có nhiễm dư lượng kháng sinh đã đẩy DN vào tình thế khó khăn. Mẫu xét nghiệm dư lượng kháng sinh phải 3 ngày sau mới có kết quả, trong khi với nguyên liệu của dân không thể chờ 3 ngày để quyết định có mua hay không.
Vì vậy, ông Nguyễn Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau) cho biết, DN phải chấp nhận mua theo kiểu may rủi, sau đó phân chia sản phẩm theo yêu cầu dễ, khó của từng thị trường. Do nhà nước chưa đưa ra quy trình nuôi hay đảm bảo chất lượng con giống sạch bệnh nên dịch bệnh xảy ra là điều không tránh khỏi. Với nông dân, vuông tôm là cả tài sản nên khi nhiễm bệnh, bà con tìm cách cứu lấy con tôm bằng mọi giá, kể cả lạm dụng kháng sinh nên nguy cơ cho DN chế biến ngày càng cao. Tập đoàn Thủy sản Minh Phú từng thử nghiệm 2 trại tôm không sử dụng kháng sinh nhưng đều thất bại và lỗ trên 200 tỷ đồng.
Không dừng lại ở đó, điều lo lắng hiện nay còn có tình trạng tôm nuôi hoài không chịu lớn. Nếu tôm bị dịch bệnh, người dân còn hy vọng “thua keo này bày keo khác”, còn với hiện tượng này người nuôi lâm vào tình thế, bỏ để nuôi mới thì “không đành” mà để lại sẽ nắm chắc lỗ.
CÔNG PHIÊN