Các mặt hàng thủy sản của Việt Nam đã có mặt ở 130 quốc gia trên thế giới, mang về 6,1 tỷ USD trong năm 2011, cao nhất trong ngành nông nghiệp. Ngoài 2 mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra, ngành thủy sản Việt Nam đang đặt ra mục tiêu tìm thêm mặt hàng chủ lực mới, đồng thời nâng tỷ lệ hàng thủy sản chế biến để nâng cao giá trị xuất khẩu.
Vẫn là tôm, cá
Dẫn đầu trong kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực thủy sản hiện nay vẫn là 2 mặt hàng tôm, cá. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm đạt 2,4 tỷ USD so với 2 tỷ USD năm 2010, trong đó tôm sú chiếm gần 60% tổng giá trị. Tuy giữ tỷ trọng lớn nhưng khối lượng và giá trị mặt hàng tôm sú đang giảm dần, nhất là tôm sú tươi đông lạnh. Thay vào đó là sự tăng lên của mặt hàng tôm qua chế biến. Sản phẩm tôm của Việt Nam đã có mặt ở 91 thị trường nước ngoài, trong đó, thị trường Mỹ, Nhật Bản và EU chiếm hơn 65,8%. Bên cạnh đó, con tôm đã xâm nhập sâu hơn vào thị trường Hàn Quốc, ASEAN, đặc biệt là Nga.
Mặt hàng tôm thẻ chân trắng (chiếm gần 30% giá trị xuất khẩu) đã phát huy được lợi thế cả trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu, khi năm qua, diện tích tôm sú bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh (trên 81.000ha) gây ra sự thiếu hụt trầm trọng nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Tôm thẻ chân trắng là nguồn nguyên liệu bù đắp quan trọng cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2012, nguồn tôm nguyên liệu trong nước sẽ ổn định hơn nhờ sự góp mặt nhiều hơn từ con tôm thẻ chân trắng. Hơn nữa, người nuôi cũng có được kinh nghiệm từ các đợt dịch bệnh tôm sú năm rồi, sẽ hạn chế được việc giảm sản lượng nguyên liệu tôm sú. Hiện nay, ngoài thị trường EU đang gặp khó khăn lớn, nhu cầu mặt hàng tôm tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam vẫn cao và đang có xu hướng tăng nhập khẩu sản phẩm qua chế biến.
Xuất khẩu cá tra năm qua đạt trên 600.000 tấn (tăng 3% so với năm 2010), mang về 1,8 tỷ USD, tăng gần 26,5% so với năm 2010. Liên tiếp nhiều năm qua, giá trị xuất khẩu cá tra duy trì mức 2 con số dù khối lượng chỉ tăng trưởng 1 con số. Giá xuất khẩu bình quân tăng 15% - 25% so với năm qua. Cá tra đã có mặt ở 130 nước, thị trường tiêu thụ lớn nhất vẫn là Mỹ, EU (chiếm hơn 47,5% giá trị). Trong đó, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ tăng rất mạnh, trên 88% nhưng EU lại giảm nhẹ do tác động của các thông tin cố tình bôi xấu hình ảnh cá tra Việt Nam. VASEP nhận định, năm nay nguồn nguyên liệu tiếp tục khan hiếm vào những tháng trái vụ và giá cá có thể đạt đỉnh như năm 2011. Về thị trường cá tra, Mỹ và các thị trường như Brazil, Mexico, châu Phi… sẽ tiếp tục tăng lên. Mặt hàng thứ 3 có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn là cá ngừ đại dương với 379,4 triệu USD, tăng 29,4% so với năm rồi. Giá cá ngừ tăng khá mạnh, nhất là bán cho thị trường Nhật Bản, tăng hơn 100%.
Tìm mặt hàng chủ lực mới
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch danh dự VASEP, cho rằng con số 6 tỷ USD là cột mốc đáng nhớ của ngành thủy sản. Mục tiêu 8 tỷ USD vào năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020 là có cơ sở nhưng không thể tiếp tục với cách làm cũ. Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP, cũng nhìn nhận, con số trên hoàn toàn có thể đạt được. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) đều mong muốn cơ quan quản lý nhà nước có cách tiếp cận mới trong các thủ tục kiểm tra chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) mặt hàng xuất khẩu.
Để nguyên liệu đầu vào bảo đảm về ATVSTP cho cả chuỗi sản xuất, Bộ NN-PTNT cần tổ chức kiểm soát và cấp chứng nhận điều kiện ATVSTP của các cơ sở sản xuất, cung cấp nguyên liệu thủy sản. Công bố quy định bắt buộc các DN chỉ được thu mua nguyên liệu từ các cơ sở đã được chứng nhận ATVSTP mới được lưu thông ra thị trường. Khâu nguyên liệu mua của dân, DN không thể quản lý được. Nên thay đổi cách tiếp cận, quản lý, nhất là về ATVSTP, thị trường, kể cả vấn đề môi trường, truy xuất nguồn gốc. Không thể giải quyết đơn lẻ mà phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa nhà nước, DN.
Vì vậy, theo tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, bên cạnh việc cần có hướng tiếp cận mới về công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là vấn đề quản lý hiệu quả chất lượng nguồn nguyên liệu nuôi, ngành thủy sản cũng cần tìm ra mặt hàng xuất khẩu chủ lực mới bên cạnh con tôm và cá tra, có chính sách để tạo điều kiện phát triển. Bên cạnh việc đầu tư chế biến sâu, đạt giá trị xuất khẩu tăng cao như hiện nay, ngành thủy sản cũng cần có hướng để gia tăng sản lượng xuất khẩu.
CÔNG PHIÊN