Xuất khẩu thủy sản vào nhà hàng, khách sạn Trung Quốc

Để thủy sản Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc, theo các chuyên gia, giải pháp trước tiên là cần lựa chọn phân khúc nhất định, đặc biệt với đối tượng nhà hàng, khách sạn và thông qua kênh này để quảng bá thủy sản Việt Nam tới nhiều du khách quốc tế.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), hiện cả nước có trên 5.000ha nuôi trồng thủy sản; trong đó, 100% cơ sở nuôi cá tra xuất khẩu được đánh mã số truy xuất nguồn gốc, 100% cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu thủy sản áp dụng HACCP và có các chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm, môi trường. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra, cá basa đạt 2,25 tỷ USD và tôm các loại đạt 3,5 tỷ USD. Hiện Trung Quốc đã cấp phép cho 686 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang thị trường này. Tuy nhiên, ông Trần Văn Công, Cục phó Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nhận xét: “Thủy sản Việt Nam vẫn chưa xâm nhập sâu vào thị trường phía Đông Bắc và Tây của Trung Quốc, cũng như chưa kết nối được với các tập đoàn lớn, kênh phân phối hiện đại, siêu thị lớn ở quốc gia đông dân nhất thế giới này”.

Doanh nghiệp chế biến tôm tham gia hội chợ thương mại quốc tế  để quảng bá sản phẩm
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giai đoạn năm 2010-2018, sản lượng nuôi thủy sản tăng nhanh, từ 2,83 triệu lên 4,15 triệu tấn. Đối với con tôm, phấn đấu không tăng diện tích nuôi, thay vào đó là tập trung kỹ thuật nuôi, chất lượng con giống, thức ăn… để tăng sản lượng. Sau giai đoạn ngành cá tra tăng trưởng năm 2007-2009, từ năm 2011 đến nay, mức độ tăng trưởng cả về diện tích và sản lượng nuôi tương đối ổn định. “Từ năm 2017, thị trường Trung Quốc là 1 trong 4 thị trường lớn của thủy sản Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Để xuất khẩu thuận lợi, các doanh nghiệp phải đáp ứng nuôi trồng và chế biến tuân thủ theo đúng luật an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn, quy định của nước nhập khẩu”, bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký VASEP, chia sẻ.


Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, ông Bùi Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Minh Phú, đánh giá trong vài năm qua, nền kinh tế Trung Quốc phát triển rất mạnh và hiện là thị trường tiêu dùng lớn nhất, hơn cả Mỹ. Và trong tương lai sẽ là thị trường trọng điểm để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản. Như vậy, doanh nghiệp Việt cần nỗ lực nhiều hơn để xây dựng thương hiệu, tăng cường xúc tiến với doanh nghiệp Trung Quốc qua các hội chợ, hội thảo.

Theo VASEP, đối với thị trường Trung Quốc, thủy sản Việt Nam có cơ hội từ quy cách chế biến, phương thức xuất khẩu cũng có lợi thế về ưu đãi thuế quan sẽ là động lực thúc đẩy gia tăng xuất khẩu. Một lợi thế nữa là Trung Quốc sẽ giảm sản lượng nuôi do chính sách bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc gia tăng kiểm soát chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức, cũng như áp lực cạnh tranh đến từ Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia…

Tại “Diễn đàn giới thiệu tiềm năng, xúc tiến thương mại thủy sản Việt Nam - Trung Quốc” vừa mới diễn ra tại TPHCM, Hiệp hội Du lịch - Khách sạn Trung Quốc lưu ý việc doanh nghiệp Việt cần chú trọng vào một phân khúc nhất định để dần mở rộng thị trường tại quốc gia này. Trong đó, Trung Quốc có hệ thống nhà hàng, khách sạn rất nhiều và cần có sản phẩm thủy sản chất lượng cao. Bên cạnh đó, nhiều nhà hàng, khách sạn Trung Quốc đã đầu tư quy trình khép kín, cung cấp sản phẩm từ kho đến logistics, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam gia nhập vào chuỗi để hợp tác và phát triển thị trường. Hàng năm, Trung Quốc cũng tổ chức hơn 20 festival ẩm thực để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia và quảng bá riêng sản phẩm độc đáo.

 Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường quốc tế, ông Trần Văn Công cho biết Nhà nước đang hoàn thiện hành lang pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đáp ứng khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập quốc tế, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng đẩy mạnh xây dựng tiêu chuẩn, thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia, nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc… Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tiếp tục theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là diễn biến xung đột thương mại Mỹ - Trung và tăng cường các biện pháp chống gian lận xuất xứ để bảo vệ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục