Mặc dù dự báo tình hình xuất khẩu chung gặp nhiều khó khăn, thế nhưng mặt hàng tôm vẫn tăng trưởng một cách ngoạn mục. Nếu như xuất khẩu thủy sản cả năm 2013 đạt khoảng 6,7 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái thì riêng mặt hàng tôm trở thành điểm sáng với kim ngạch gần 3 tỷ USD, đây là kết quả ngoài mong đợi. Đặc biệt, Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 3 trên thế giới về cung ứng mặt hàng tôm xuất khẩu cho toàn cầu.
Phấn khởi nhờ... trúng tôm
Nhờ xuất khẩu thuận lợi đã kéo giá tôm nguyên liệu ở mức rất cao. Chiều 2-1, thương lái các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… thu mua tôm sú loại 20 con/kg với giá 320.000 đồng/kg; loại 30 con/kg, giá 250.000 đồng/kg; loại 40 con/kg, giá 220.000 đồng/kg… Đây là mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm qua. Tôm thẻ chân trắng cũng đang hút hàng, tăng giá. Hiện tôm thẻ loại 60 con/kg có giá tới 180.000 đồng/kg; loại 70 con/kg, giá 166.000 đồng/kg; loại 80 con/kg, giá 150.000 đồng/kg… Với giá này đảm bảo cho người nuôi tôm trúng đậm.
Bà Trần Thị Mà, ở xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) vui mừng: “Tôi vừa bán gần 4 tấn tôm sú với giá bình quân 250.000 đồng/kg, sau khi trừ hết các khoản chi phí còn lời hơn 300 triệu đồng. Số tiền này dư sức cho gia đình mua sắm Tết Giáp Ngọ 2014”.
Theo ông Võ Văn Chồi, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, nếu như 2 năm trước hàng loạt hộ nuôi tôm bị lỗ te tua do dịch bệnh làm tôm chết trên diện rộng, năm 2013, tình hình nuôi tôm khởi sắc trở lại. Cùng với việc dịch bệnh giảm thì giá luôn dao động ở mức cao, vì thế hầu hết diện tích 2.100ha đất nuôi tôm của xã đều thu lời; nhiều hộ gỡ lại nợ các năm trước và có tiền vui ngày tết.
Tại Bến Tre, nhiều hộ nuôi tôm ở các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú phấn khởi nhờ trúng mùa tôm. Ông Lê Vũ Minh, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại, cho biết: “Hơn 3.000ha đất nuôi tôm của xã thả nuôi trong năm 2013 về cơ bản đạt kết quả khả quan. Nhờ đó mà hiện nay bà con đang khẩn trương chuẩn bị ao hầm để thả nuôi vụ mới 2014”.
Theo ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh, giá trị con tôm năm 2013 của tỉnh tăng hơn 16% so với năm 2012. Đạt được như vậy là nhờ ngành chuyên môn phối hợp cùng chính quyền, người nuôi… kiểm soát tốt lịch thời vụ, nguồn giống, dịch bệnh giảm và nhất là giá tôm ở mức cao, đã tạo nên vụ tôm thành công ngoài mong đợi.
Còn nhiều nỗi lo
Theo Bộ NN-PTNT, tôm đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong năm 2013, bởi sự tăng trưởng ngoạn mục. Ngoài yếu tố tác động từ các nước xuất khẩu tôm chính trong khu vực như Thái Lan, Malaysia bị dịch bệnh tràn lan nên sản lượng giảm mạnh; tôm ở Trung Quốc, Ấn Độ... cũng giảm đã khiến nguồn cung trên thế giới bị mất cân đối và đẩy giá xuất khẩu lên cao. Mặt khác, vào tháng 9-2013, Bộ Thương mại Hoa Kỳ khẳng định sản phẩm tôm của Việt Nam không bán phá giá và 33 doanh nghiệp của Việt Nam được hưởng thuế suất bằng 0%... Tất cả là những yếu tố thuận lợi để xuất khẩu tôm tăng tốc. Thêm vấn đề đáng quan tâm là năm 2013 lần đầu tiên xuất khẩu mặt hàng tôm thẻ chân trắng vượt qua tôm sú. Chỉ trong 11 tháng đầu năm 2013, giá trị xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đạt 1,39 tỷ USD, tăng 106,6%; còn xuất khẩu tôm sú chỉ đạt 1,22 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích nuôi tôm sú trong năm qua cũng giảm 2,2%, dẫn tới giảm 11,3% về sản lượng; đối với tôm thẻ thì tăng chóng mặt với hơn 50% diện tích và 58% về sản lượng.
Có thể nói, con tôm đang lên đời khi giá luôn ở mức cao chót vót đã tạo nên phong trào nuôi phát triển rầm rộ. Tại nhiều nơi ở ĐBSCL người dân không ngần ngại phá vườn dừa, đất trồng mía, cây ăn trái... để đào ao đưa nước mặn vào nuôi tôm. Và con tôm thẻ chân trắng đang là đối tượng được chọn nuôi “số 1”, điều này khiến các địa phương lo ngại nguy cơ phá vỡ quy hoạch tổng thể của ngành nông nghiệp.
Ông Lâm Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú (Bến Tre), lo ngại tình hình nuôi tôm ở vùng ngọt hóa trên địa bàn huyện diễn biến rất phức tạp, do lợi nhuận của con tôm quá hấp dẫn nên rất khó ngăn chặn người nuôi. Ông Lê Phong Hải, Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre, cho rằng: “Năm 2013, con tôm khởi sắc trở lại là dấu hiệu đáng mừng và tôm cũng là kinh tế chủ lực của ngành nông nghiệp, nhất là các huyện ven biển. Hiện tại, tôm hút hàng, giá xuất khẩu rất cao nên người dân đẩy mạnh thả nuôi là chuyện hiển nhiên. Song cần phải thấy rằng nghề nuôi tôm dễ gặp rủi ro do phụ thuộc nhiều yếu tố, vì vậy không phải nơi nào nuôi cũng được. Quan điểm của Bến Tre là tìm hướng phát triển bền vững cho việc nuôi tôm. Trong đó, tôm sú vẫn là chủ lực, còn tôm thẻ vẫn phải được kiểm soát nghiêm ngặt. Dự kiến đầu quý 1-2014, Bến Tre sẽ công bố điều chỉnh quy hoạch khoảng 10.000ha đất nuôi tôm cho phù hợp với tình hình mới hiện nay”.
Kiểm soát là vậy, song nhiều địa phương cho biết năm 2014 diện tích tôm thẻ sẽ tiếp tục bùng nổ, bởi giá cao, thời gian nuôi ngắn, lợi nhuận nhiều... UBND xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) thừa nhận, năm 2014 này trong 2.100ha đất nuôi tôm toàn xã thì người dân sẽ chuyển sang nuôi tôm thẻ hơn 70%. Vấn đề lo ngại là nguồn giống, hệ thống thủy lợi chưa hoàn thiện... sẽ dễ dẫn đến ô nhiễm môi trường, trong khi tôm thẻ là đối tượng dễ lây lan dịch bệnh.
Bộ NN-PTNT lưu ý, cơ cấu đối tượng nuôi tôm cần phải hài hòa và phù hợp với từng địa phương, tránh tình trạng thấy giá cao rồi mở rộng diện tích ào ạt sẽ có nguy cơ dẫn đến “được mùa, mất giá” tái diễn, khi đó người nuôi chịu thiệt. Đặc biệt, ở những nơi hệ thống thủy lợi còn kém phải thận trọng trong việc mở rộng diện tích nuôi tôm. Về lâu dài, tổ chức lại nghề nuôi tôm theo hướng liên kết các khâu trong chuỗi giá trị, gắn người nuôi với doanh nghiệp cung ứng thức ăn, thuốc, chế biến, tiêu thụ... Chuyển từ mô hình nuôi tôm theo hộ nhỏ lẻ hiện nay sang hợp tác, có sự đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật... nhằm tạo ra vùng nguyên liệu lớn, chất lượng cao. |
HUỲNH PHƯỚC LỢI