Thực hiện 221 đề án XTTM cấp quốc gia
Từ tháng 3-2020, do ảnh hưởng của dịch, Việt Nam và các nước phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động XTTM của DN, hiệp hội và các địa phương rất khó khăn. Hoạt động XTTM truyền thống như hội nghị, hội thảo, giao thương, hội chợ triển lãm nhằm XTTM, đầu tư tại Việt Nam và các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ...) phải hủy hoặc hoãn thực hiện.
Để kịp thời hỗ trợ DN khắc phục khó khăn về gián đoạn thị trường, Bộ Công thương đã chỉ đạo Cục XTTM định hướng lại hoạt động XTTM trên cả nước, hướng dẫn các địa phương, hiệp hội rà soát và điều chỉnh kế hoạch triển khai hoạt động XTTM nhằm ứng phó diễn biến của thị trường và tình hình dịch bệnh. Các hoạt động XTTM không chịu tác động nhiều của dịch Covid-19 được đẩy mạnh và phát huy tác dụng như tuyên truyền quảng bá ngành hàng xuất khẩu, tuyên truyền quảng bá sản phẩm, chỉ dẫn địa lý sản phẩm của địa phương làm tăng uy tín sản phẩm địa phương, đặc biệt là nông sản đối với người tiêu dùng Việt Nam và nước ngoài...
Tính đến hết tháng 11-2020, đã có 221 đề án cấp quốc gia về XTTM được triển khai thực hiện, hỗ trợ gần 13.000 lượt DN; giá trị các hợp đồng xuất khẩu thương mại điện tử (TMĐT) đạt khoảng 34 triệu USD, tổng giá trị của hợp đồng mua bán hàng hóa, đại lý tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và doanh số bán hàng đạt hơn 71 tỷ đồng, thu hút hơn 350.000 lượt khách tham quan.
Riêng các tỉnh, thành khu vực phía Nam, thống kê của các sở công thương cho thấy, trong năm 2020, các địa phương phía Nam trực tiếp chủ trì 34 đề án xúc tiến với tổng kinh phí 7,7 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương đã thực hiện được 25 đề án đạt mục tiêu, tiến độ phê duyệt hỗ trợ hơn 1.500 lượt DN tham gia và hưởng lợi từ các chương trình XTTM.
Đặc biệt, thông qua các hội nghị giao thương, phiên giao thương trực tuyến đã kết nối khoảng 10.000 lượt DN nước ngoài, đa dạng các mặt hàng tham gia giao thương như: sản phẩm phòng dịch, nông sản, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng, đồ trang trí nội ngoại thất và vật liệu xây dựng, giày dép, sản phẩm thể thao... với các đối tác nước ngoài trên khắp 5 châu lục, gồm cả thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Ấn Độ, Singapore...
Xây dựng nền tảng số cho XTTM
Tại TPHCM, ông Nguyễn Hữu Tín, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC), chia sẻ, ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư của TPHCM chủ yếu được thực hiện trực tuyến giữa DN thành phố với DN các nước như Singapore, Đức, Pháp, Australia, Indonesia, Lào, Ấn Độ, Malaysia, Myanmar, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Pháp, Senegal (Tây Phi), Italy... XTTM chủ yếu trong lĩnh vực thiết bị y tế, vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, công nghiệp hỗ trợ, thực phẩm chế biến, nông sản… Chương trình trưng bày giới thiệu sản phẩm xuất khẩu của DN tại Showroom xuất khẩu TPHCM, thu hút 253 DN với 5.075 sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực, với hơn 9.000 lượt khách tham quan.
ITPC cũng tổ chức hơn 24 chương trình huấn luyện, đào tạo và hơn 50 hội thảo, hội nghị, tọa đàm, diễn đàn, tổ chức tăng cường các hoạt động trực tuyến, đăng tải hơn 1.500 bản tin trên trang mạng xã hội nhằm hỗ trợ DN tiếp cận thông tin thị trường và tìm kiếm cơ hội kinh doanh sau dịch Covid-19. Mặt khác, ITPC cũng sử dụng các mạng xã hội như Viber để giúp các DN trong từng lĩnh vực, ngành hàng gặp gỡ kết nối, qua đó trao đổi, mua bán hàng hóa. Chỉ sau 3 tháng kết nối, các DN đã thực hiện hơn 50 hợp đồng mua bán hàng hóa thông qua mạng Viber…
Theo nhận định của ông Nguyễn Hữu Tín, XTTM trực tuyến chi phí chỉ bằng 1/10 so với xúc tiến trực tiếp nhưng đem lại hiệu quả gấp nhiều lần. Ưu điểm vượt trội của kênh XTTM này là rút ngắn khoảng cách giữa các đối tác, khách hàng và DN. DN có thể tiếp thị toàn cầu, truy cập lấy thông tin cũng như giao dịch với khách hàng 24/7. Đây cũng sẽ là xu hướng xúc tiến mới ITPC sẽ tăng cường sử dụng trong năm 2021.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM, cho hay, nhằm đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả hoạt động XTTM cho DN trong thời gian tới, Bộ Công thương đang xây dựng một số nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản vào XTTM như: Cơ sở dữ liệu tập trung trực tuyến về XTTM (CRM); xây dựng cổng truy xuất nguồn gốc XTTM hỗ trợ cho nông sản. Qua đó, tạo điều kiện cho các DN nhỏ và vừa nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cũng như đạt các điều kiện cần và đủ khi mở rộng thị trường xuất khẩu, dự kiến đưa vào sử dụng trong quý 2-2021. Đồng thời xây dựng nền tảng về hệ sinh thái XTTM (VECOBIZ), đây là một nền tảng ứng dụng (App) tích hợp các dịch vụ XTTM. Thông qua các phương thức này, các DN Việt có cơ hội tiếp cận trực tiếp với người mua toàn cầu mà không giới hạn không gian, thời gian và thậm chí còn giúp giảm chi phí xây dựng chuỗi cung ứng, cũng như thiết lập văn phòng đại diện tại các thị trường mục tiêu.
Để DN xuất khẩu đạt được hiệu quả nhất định trong các hoạt động XTTM trực tuyến và bán hàng qua các sàn thương mại điện tử thành công, nhiều chuyên gia cho rằng, DN cần có 5 yếu tố chính gồm: Sản phẩm đủ khả năng, tiềm năng xuất khẩu với giá thành cạnh tranh; có nhân sự chuyên trách và gian hàng quảng bá chuyên nghiệp; DN cần hoạt động tích cực nhằm nâng cao thứ hạng gian hàng, tăng khả năng quảng bá sản phẩm, đặc biệt là tiếp cận nhà nhập khẩu một cách toàn diện nhất. Đặc biệt, do tính cạnh tranh trong thương mại điện tử rất khốc liệt nên các DN cần số hóa tất cả điểm tiếp xúc để tương tác với người mua hàng, qua đó hỗ trợ tốt cho công tác bán hàng từ khâu marketing, cho tới chăm sóc khách hàng. Nếu không sản phẩm của DN sẽ khó gây sự chú ý giữa hàng ngàn sản phẩm cùng loại trên các sàn thương mại điện tử. |